Thời hoàng kim của toàn cầu hóa đã khép lại?
Trong khuôn khổ Hội nghị Giám đốc điều hành toàn cầu của Forbes được tổ chức tại Singapore (Xin-ga-po) hôm 27/9, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Singapore Lawrence Wong cho biết thời kỳ hoàng kim của toàn cầu hóa đã kết thúc và một sự thay đổi cơ bản trong cách thức vận hành của kinh tế thế giới đang được hình thành.
Theo Bộ trưởng Wong, mặc dù các quốc gia chưa hoàn toàn quay lưng với chủ nghĩa bảo hộ, nhưng các doanh nghiệp đang ngày càng chịu nhiều ảnh hưởng bởi căng thẳng địa chính trị.
Ông Wong nhắc đến lý thuyết của McDonald's rằng ở đâu có McDonald's thì ở đó sẽ không có xung đột, và cho rằng điều đó đã kết thúc: "Bây giờ, một logic khác đang diễn ra... giai đoạn hoàng kim của toàn cầu hóa được ghi nhận trong 30 năm qua kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc rõ ràng đã chấm dứt, và chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới, được đánh dấu bởi cạnh tranh địa chính trị lớn hơn”.
Phó Thủ tướng Singapore khẳng định nước này sẽ tiếp tục hợp tác với cả Mỹ và Trung Quốc mà không nghiêng về một bên nào. Nhà lãnh đạo đồng thời cũng cho biết thêm rằng một cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo của hai quốc gia là điều đáng khích lệ.
Bộ trưởng Wong cho rằng mặc dù “tham gia tích cực” không có nghĩa là sẽ không có "sự cạnh tranh gay gắt”, nhưng hợp tác Mỹ-Trung sẽ mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt là trong các vấn đề như biến đổi khí hậu và ứng phó với đại dịch COVID-19.
Chủ tịch sáng lập của Avanda Investment Management đồng thời là cựu Giám đốc đầu tư tại cơ quan quản lý tài sản GIC của Singapore Ng Kok Song cho biết Mỹ và Trung Quốc đã được hưởng lợi từ sự gắn bó song phương về mặt tài chính. Chủ tịch Ng cho biết các nghiên cứu cho thấy nhiều công ty Mỹ trong có tên trong chỉ số tổng hợp S&P 500 đã được hưởng lợi từ sự tăng trưởng của Trung Quốc cả về doanh thu và quy mô.
Tương tự như vậy, theo ông John Studzinski - Phó Chủ tịch và Giám đốc điều hành của công ty quản lý đầu tư Mỹ Pimco, Trung Quốc đã chào đón các tổ chức tài chính và vốn quốc tế vào thị trường của họ.
Về vấn đề kinh tế Singapore, ông Wong cũng cảnh báo rằng hiện có nhiều vấn đề cấp bách, chẳng hạn như chi phí sinh hoạt tăng cao, kinh tế có thể suy giảm vào năm tới và mối đe dọa xuất hiện biến thể mới từ đại dịch COVID-19.