|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thói đạo đức giả của ngành sản xuất chocolate trong vấn nạn sử dụng trẻ em

14:16 | 20/10/2020
Chia sẻ
Ngành sản xuất chocolate trị giá 100 tỉ USD từng cam kết giải quyết vấn nạn sử dụng lao động trẻ em trong các trang trại trồng ca cao. Song một báo cáo mới đây của Mỹ chỉ ra rằng tình hình thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn,

Báo cáo cho thấy rất nhiều trẻ em trên khắp Ghana và Bờ Biển Ngà đang phải làm việc vào ban đêm. Chúng dọn đất, mang vác vật nặng và sử dụng các công cụ sắc nhọn để cung cấp nguyên liệu cho ngành, theo Business Insider.

Một nghiên cứu gần đây của Grand View Research chỉ ra rằng con số lao động trẻ em trong ngành chocolate dự kiến sẽ tăng gần 5% mỗi năm cho đến 2027.

Thói đạo đức giả của ngành sản xuất chocolate trong vấn nạn sử dụng trẻ em - Ảnh 1.

Số liệu của Bộ Lao động Mỹ cho thấy số trẻ em làm việc trong điều kiện độc hại đã tăng 30% trong vòng một thập kỷ qua. (Ảnh: Business Insider)

Nhóm nghiên cứu NORC từ Đại học Chicago khẳng định gần một nửa số trẻ em (45%) trong độ tuổi 5-17 sống trong các hộ gia đình nông nghiệp ở Ghana và Bờ Biển Ngà đang làm việc trong lĩnh vực sản xuất ca cao.

Các nhà nghiên cứu còn phát hiện ra rằng tổng cộng khoảng 1,56 triệu trẻ em đang làm công việc thu hoạch ca cao để làm chocolate ở những nước đó. Phần lớn chúng phải làm việc trong điều kiện nguy hiểm.

Số liệu của Bộ Lao động Mỹ cho thấy số trẻ em làm việc trong điều kiện độc hại đã tăng 30% trong vòng một thập kỷ qua.

Kareem Kysia, một trong những tác giả của báo cáo, nhấn mạnh rằng sản lượng ca cao đã tăng ồ ạt, nghĩa là sẽ số lượng trang trại sản xuất ca cao sẽ tăng và trẻ em sẽ sống trong những trang trại ấy.

Thực tế đáng lo ngại là ngành chocolate đã thất bại trong việc giải quyết vấn nạn. Đến nay, đã 20 năm kể từ ngày các công ty hứa hẹn.

Năm 2001, các nhà sản xuất chocolate lớn bao gồm Nestlé và Mars đã ký một thỏa thuận với các thành viên của Quốc hội Mỹ để chấm dứt việc sử dụng lao động trẻ em tại các trang trại ca cao ở Tây Phi.

Năm 2010, nhiều công ty trong ngành cũng tuyên bố sẽ cắt giảm 70% các hình thức lao động trẻ em đến năm 2020.

Kysia nhận định những việc các công ty chocolate đã làm đem lại hiệu quả song hoạt động cần được mở rộng, quyết liệt hơn.

"Nếu bạn đổ một xô nước sôi lớn và vào bồn tắm, bạn có thể thấy được sự thay đổi nhiệt độ nước. Nhưng nếu bạn lấy xô nước sôi đó đổ vào bể bơi, bạn sẽ chẳng cảm nhận được gì", cô nói.

Charity Ryerson, giám đốc một công ty luật, nhận định ngành chocolate "đạo đức giả một cách khó tin".

“Nếu muốn, họ có thể chấm dứt việc sử dụng lao động trẻ em ngay ngày mai”, cô nói với The Guardian. "Trong 20 năm qua, ngành ca cao đã đầu tư rất nhiều nguồn lực cho quan hệ công chúng để tăng tính bền vững. Song tình trạng sử dụng lao động trẻ em tăng cho thấy họ đã hoàn toàn thất bại trong việc tạo ra sự bền vững thực sự”.

Mars khẳng định công ty đã tài trợ 1 tỷ USD để giúp "sửa chữa một chuỗi cung ứng bị hỏng”.

"Lao động trẻ em đơn giản là không thể chấp nhận được và đi ngược lại những gì chúng tôi ủng hộ. Thật không may, đây vẫn là một thực trạng ở nhiều quốc gia”, người phát ngôn của Nestlé nói.

Tổ chức Ca cao Thế giới, nơi có khoảng 100 công ty thành viên đại diện cho hơn 80% chuỗi cung ứng ca cao toàn cầu.

Ngày 19/10, Tổ chức Ca cao Thế giới khẳng định họ sẽ tăng cường giám sát việc sử dụng lao động trẻ em tới năm 2025 và đầu tư 1,2 tỷ USD vào thu nhập bổ sung cho nông dân trồng ca cao, dựa trên giá hạt ca cao trên thị trường.

Richard Scobey, chủ tịch Tổ chức Ca cao Thế giới nhấn mạnh rằng các mục tiêu giảm thiểu lao động trẻ em đã được đặt ra mà "không lường trước” được những thách thức phải đối mặt.

“Sử dụng trẻ em vẫn là một vấn đề dai dẳng ở Bờ Biển Ngà và Ghana. Đây là một thách thức gắn liền với tình trạng đói nghèo ở nông thôn châu Phi”, ông bình luận.

Nhạc Phong