|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Thoả thuận trần nợ giúp Mỹ không vỡ nợ nhưng có thể chẳng mấy ích lợi cho nền kinh tế

08:18 | 31/05/2023
Chia sẻ
Nhiều chuyên gia nhận định, nếu được Quốc hội thông qua, thoả thuận đình chỉ trần nợ sẽ giúp Mỹ tránh được một cuộc vỡ nợ trong năm nay, nhưng không thay đổi hướng đi của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo các nhà kinh tế, thoả thuận đình chỉ trần nợ sẽ chỉ có tác động khiêm tốn đến nền kinh tế Mỹ. (Ảnh minh hoạ: Getty Images).

Chia sẻ với Wall Street Journal, các nhà kinh tế cho biết thoả thuận đình chỉ trần nợ mà Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy vừa đạt được sẽ chỉ có tác động nhỏ đến nền kinh tế đang hạ nhiệt hay lạm phát vẫn ở mức cao của Mỹ.

Họ cho rằng thoả thuận không giúp giảm đáng kể chi tiêu của chính phủ. Trong đại dịch COVID-19 và sau đó, Washington đã bơm lượng lớn tiền mặt vào nền kinh tế, dẫn đến chi tiêu tăng nhanh trong giai đoạn này.

Theo thoả thuận, trần nợ công sẽ được đình chỉ cho đến tháng 1/2025, giúp Mỹ tránh được cảnh vỡ nợ trong năm nay. Trước khi đến bàn làm việc của ông Biden, Hạ viện và Thượng viện phải thông qua dự luật này.

Thoả thuận nêu rõ, chi tiêu phi quân sự của chính phủ Mỹ sẽ gần như không đổi trong năm tài khoá 2024 (bắt đầu từ tháng 10 năm nay) và tăng tối đa 1% cho năm tài khoá 2025. Chi tiêu quân sự sẽ tăng khoảng 3% trong năm tài khoá 2024.

Cũng theo dự luật, chính phủ sẽ cắt một số khoản tài trợ cho Sở Thuế vụ, thắt chặt một số yêu cầu về việc làm đối với Chương trình Hỗ trợ Dinh dưỡng Bổ sung và cố gắng đẩy nhanh việc cấp phép các dự án năng lượng mới.

 

Các nhà kinh tế tại JPMorgan Chase ước tính thoả thuận mới sẽ giảm chi tiêu liên bang khoảng 0,2% GDP mỗi năm trong hai năm của thoả thuận.

Trao đổi với Wall Street Journal, ông Michael Feroli, kinh tế trưởng của JPMorgan tại thị trường Mỹ, cho hay: “Nếu dự luật được ký thành luật, các khoản cắt giảm chi tiêu trong đó cũng không thể thay đổi triển vọng vĩ mô của Mỹ”.

Quá trình đàm phán kéo dài trước khi đạt được thoả thuận đã làm xáo trộn một số thị trường tài chính và khiến các đồng minh của Mỹ lo lắng. Bộ trưởng Bộ Tài chính Janet Yellen từng cảnh báo chính phủ Mỹ có thể mất khả năng thanh toán nếu Quốc hội không nâng trần nợ trước ngày 5/6.

Giới chuyên gia kinh tế cho biết tình trạng bế tắc có thể khiến chính phủ liên bang không thể trả nợ đúng hạn, từ đó khiến thị trường chứng khoán và trái phiếu lao dốc, hàng triệu việc làm biến mất và có thể gây ra suy thoái kinh tế tương tự quy mô cuộc khủng hoảng năm 2007 - 2009.

 

Nếu được Quốc hội thông qua, thoả thuận trên sẽ loại bỏ một số yếu tố bất ổn khỏi nền kinh tế. Hiện tại, Mỹ đang phải đối phó với một số thách thức đáng ngại như lạm phát cao dai dẳng và chiến dịch thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).

Tuy nhiên, bất chấp những dự báo rằng tăng trưởng sẽ chững lại hoặc suy thoái sâu, nền kinh tế Mỹ vẫn trụ vững nhờ người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu và doanh nghiệp đẩy mạnh tuyển dụng.

Dữ liệu do chính phủ công bố hồi tuần trước cho thấy, chi tiêu của người tiêu dùng đã đi lên trong tháng 4. Các nhà kinh tế dự đoán tăng trưởng việc làm vẫn sẽ vững mạnh và tỷ lệ thất nghiệp sẽ duy trì ở mức thấp trong báo cáo tháng 5. Báo cáo này dự kiến sẽ công bố vào ngày 2/6 tới.

Thoả thuận đình chỉ trần nợ không làm thay đổi triển vọng đó. Ông Joseph Brusuelas, kinh tế trưởng tại hãng tư vấn RSM US, chia sẻ: “Chúng tôi không nghĩ thoả thuận trần nợ sẽ áp đặt bất kỳ hạn chế chi tiêu tiêu cực nào có thể đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái”.

Theo một số chuyên gia, một điều khoản trong thoả thuận có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế từ mùa thu năm nay: các khoản thanh toán nợ vay sinh viên bắt đầu từ cuối tháng 8. Sinh viên Mỹ đã được hoãn thanh toán nợ vay kể từ năm 2020.

Ông Andrew Hollenhorst, kinh tế trưởng của Citigroup tại Mỹ, nói: “Khởi động lại các chương trình thanh toán này sẽ khiến thu nhập tuỳ ý của người dân giảm khoảng 60 tỷ USD mỗi năm, khiến tăng trưởng mất 0,2 điểm %”.

Khả Nhân