Thỏa thuận thương mại sơ bộ như chiếc khiên chắn cho ông Trump trước phiên tòa luận tội và bầu cử tổng thống
Bất lợi bao vây ông Trump trước thềm phiên tòa luận tội và cuộc bầu cử tổng thống
Xung đột thương mại với Trung Quốc đã làm nền kinh tế Mỹ chững lại, vừa ngay lúc các kích thích từ chương trình cắt giảm thuế năm 2017 và tăng chi tiêu ngân sách của ông Trump bắt đầu suy yếu. Trong bối cảnh đó, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong năm 2020 được dự đoán sẽ giảm từ 2,3% năm 2019 xuống còn 1,8%.
Ngoài ra, tranh chấp thuế quan cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chế tạo, một thành tố quan trọng đối với nền kinh tế của các tiểu bang thuộc vành đai công nghiệp và thậm chí quan trọng hơn ở các quận ủng hộ ông Trump năm 2016.
Lương của công nhân Mỹ cũng bắt đầu chững lại. Sau khi trừ yếu tố lạm phát, thu nhập trung bình mỗi giờ của họ trong tháng 12 chỉ tăng 0,6% so với cùng kì năm ngoái.
Đối với ông Trump, vấn đề còn nghiêm trọng hơn khi quĩ đạo của nền kinh tế thường tác động nhiều nhất đến cơ hội tái đắc cử của một tổng thống đương nhiệm. Do vậy, một nền kinh tế giảm tốc đang chống lại ông Trump, mặc dù như vậy còn tốt hơn là kinh tế rơi vào suy thoái.
Đảng Dân chủ phản công
Với tỉ lệ thất nghiệp thấp, Đảng Dân chủ đang tập trung "hỏa lực" vào vấn đề bất bình đẳng kinh tế, bao gồm cả những bất cập do chiến tranh thương mại gây ra.
Khi ông Trump ăn mừng thỏa thuận sơ bộ với Trung Quốc, một số ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ lại tuyên bố ông Trump không đạt được gì nhiều ngoài một cuộc thương chiến tốn kém.
"Như dự đoán, ông Trump nhận về rất ít thắng lợi để đổi lấy nỗi đau và bất ổn mà ông gây ra cho nền kinh tế, nông dân và công nhân Mỹ", cựu Phó Tổng thống Joe Biden phát biểu. "Thỏa thuận sơ bộ sẽ không thực sự giải quyết các vấn đề thực chất, vốn là trung tâm của tranh chấp với Trung Quốc".
Thỏa thuận giai đoạn một không loại bỏ các tác động tiêu cực của tranh chấp thương mại với nền kinh tế Mỹ vì chính quyền ông Trump vẫn duy trì các mức thuế quan hiện có với 360 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc mỗi năm.
Loạt thuế quan này làm giảm tăng trưởng kinh tế và gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng cho các công ty chế tạo, khi mà sản lượng công nghiệp của Mỹ đã giảm 1% trong năm qua.
Chiếc khiên che chắn cho ông Trump trong thời kì hỗn loạn
Theo Bloomberg, có rất ít khả năng Thượng viện do Đảng Cộng hòa chiếm đa số ghế sẽ kết án ông Trump theo hai điều khoản luận tội.
Mối nguy lớn nhất là qui trình tố tụng sẽ tiết lộ một bức chân dung bất lợi về ông Trump, khiến cử tri Mỹ xa lánh ông trong cuộc bỏ phiếu vào tháng 11 tới. Chiếc khiên bảo vệ cho ông Trump lúc này chính là thỏa thuận thương mại giai đoạn một mà ông đặt bút kí cùng Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc hôm 15/1.
Bằng cách kêu gọi tạm ngừng cuộc chiến thương mại vốn kéo tụt tăng trưởng kinh tế Mỹ, ông Trump đã giành lợi thế mà ông xem là yếu tố quan trọng trong chiến dịch tái tranh cử.
Trong quá khứ, tăng trưởng kinh tế là một trong những "động cơ" hỗ trợ mạnh mẽ nhất cho một tổng thống đương nhiệm tái đắc cử.
Lễ kí kết thỏa thuận trùng với cuộc bỏ phiếu của Hạ viện để chính thức đệ trình hai điều khoản luận tội lên Thượng viện cho phiên tòa xét xử. Ông Trump đã chỉ ra mối liên hệ với một số nhà lập pháp thuộc Đảng Cộng hòa tại lễ kí.
"Đây là một buổi lễ lớn. Và nhân tiện, một số nghị sĩ có quyền bỏ phiếu còn tôi thì không. Nếu bạn muốn, bạn có thể ra ngoài và bỏ phiếu [mà không bận tâm đến cuộc luận tội]", ông Trump phát biểu khi phái đoàn Trung Quốc đứng sau đợi kí thỏa thuận.
Đây là một chút "kĩ xảo sân khấu" nhằm cho thấy ngay khi qui trình bỏ phiếu để trình hai điều khoản luận tội lên Thượng viện sắp bắt đầu, ông Trump vẫn đang nỗ lực làm việc vì nền kinh tế Mỹ.
Đồng thời, ông Trump sẽ có cơ hội sử dụng lại kĩ xảo này khi kí phê duyệt Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) đúng lúc phiên toàn tại Thương viện đang diễn ra.
Ngoài ra, Bloomberg nhận định thỏa thuận sơ bộ đã chấm dứt mối đe dọa leo thang cuộc chiến thuế quan và gỡ bỏ một số bất ổn mà doanh nghiệp Mỹ phải đối mặt.
Bên cạnh đó, thỏa thuận này còn hứa hẹn một lợi ích ngay tức thì đối với bộ phận cử tri ủng hộ ông Trump ở nông thôn thông qua cam kết tăng mua nông sản Mỹ của Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cũng lo ngại về khả năng Trung Quốc mua 40 - 50 tỉ USD nông sản hàng năm như ông Trump đã hứa.
Ý thức về sự trở lại của trật tự cũ đã được nhấn mạnh bằng việc Quốc hội thông qua dự luật thực thi hiệp định USMCA mà ông Trump dự kiến kí vào tuần tới.
Mặc dù không thay đổi nhiều so với hiệp định NAFTA cũ, việc ban hành hiệp định USMCA sẽ mang đến cho doanh nghiệp Mỹ một sự đảm bảo rằng họ có thể tiếp tục tiếp cận các thị trường và chuỗi cung ứng ở Mexico và Canada, hai đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ.
Sự kiện ông Trump đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc ăn khớp một cách kì lạ với những dấu mốc quan trọng trong quá trình luận tội.
Vào ngày 13/12, việc Tổng thống Mỹ tuyên bố chi tiết của thỏa thuận sơ bộ đã được chốt trùng khớp với cuộc bỏ phiếu tại Ủy ban Tư pháp Hạ viện để phê chuẩn hai điều khoản luận tội ông.
Trong buổi lễ kí kết thỏa thuận, ông Trump còn vô tình tiết lộ rằng ông đã theo dõi sát sao tác động mà các quyết định thương mại của ông gây ra cũng như ông và đội ngũ cố vấn đã chú tâm đến thị trường tài chính ra sao, đặc biệt là vào tháng 8 năm ngoái khi căng thẳng leo thang suốt mùa hè dấy lên lo ngại rằng Mỹ có thể rơi vào suy thoái.
"Chúng ta từng có một ngày mà thị trường chứng khoán bị thổi bay 1.000 tỉ USD. Hãy nghĩ về điều đó", ông Trump nói với khán giả tại buổi lễ kí kết thỏa thuận.
Ông Tim Keeler, một cựu quan chức thương mại cấp cao trong chính quyền Tổng thống George W. Bush, cho rằng thỏa thuận thương mại giai đoạn một cung cấp cho ông Trump một số thứ ông có thể dùng để chống lại sự chỉ trích rằng kinh tế Mỹ phải chịu nhiều nỗi đau thương chiến mà đổi lại không được gì, đồng thời loại bỏ một rủi ro thảm họa tiềm tàng có thể diễn ra trong cuộc bầu cử.