Thiếu hụt nguồn cung đe dọa mục tiêu Covax cung cấp 1,8 tỷ liều vắc xin COVID-19 cho các nền kinh tế thu nhập thấp
Theo tờ Bloomberg, vài tháng sau khi nhận được lô vắc xin COVID-19 đầu tiên từ chương trình tiêm chủng Covax Facility nhằm phân phối công bằng vắc xin, một loạt các quốc gia trên khắp châu Phi và châu Á đã hết nguồn vắc xin hoặc đang trên đà cạn kiệt.
Khi các nước đang phát triển nhận được nguồn vắc xin vào đầu năm nay thông qua nỗ lực của Covax, đây được coi là một bước tiến quan trọng trong việc thu hẹp sự bất bình đẳng rõ ràng trong tiếp cận nguồn vắc xin. Tuy nhiên hiện nay, nhiều quốc gia trong số đó đang phải đối mặt với tình trạng thiếu vắc xin và không chắc chắn khi nào họ sẽ tiếp tục nhận được tài trợ từ các quốc gia giàu có.
Hôm 21/6, một cố vấn của Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho biết trong số 80 quốc gia có thu nhập thấp hơn trên toàn cầu đã nhận vắc xin thông qua chương trình Covax, có khoảng 40 quốc gia đã dùng hết vắc xin hoặc đang trong tình trạng nguy cấp.
"Hơn một nửa số quốc gia này đã hết vắc xin và đang kêu gọi được bổ sung, nhưng trên thực tế con số này có thể cao hơn nhiều.", cố vấn Bruce Aylward nói với các phóng viên.
Vắc xin đóng yếu tố quan trọng trong cuộc chạy đua để chấm dứt đại dịch. Sự chậm lại trong các chương trình tiêm chủng có thể tao điều kiện cho các biến thể mới xuất hiện, khiến số ca nhiễm tăng trở lại và thậm chí đe doạ cả những người đã tiêm chủng.
Các quốc gia không có ngân sách y tế dồi dào có thể buộc phải tham gia vào thị trường tư nhân đắt đỏ hơn. Và nếu nguồn cung không được bổ sung, những người cao tuổi và nhân viên y tế dễ bị tổn thương có thể không được tiêm đủ 2 mũi tiêm vắc xin.
Theo WHO, 7 quốc gia ở châu Phi, trong đó có Bờ Biển Ngà, Gambia và Kenya đã sử dụng hết nguồn vắc xin từ Covax, trong khi những quốc gia khác ở châu Á, Mỹ Latinh có nguy cơ cạn kiệt nguồn cung. Để ứng phó, nhiều nước đang phải làm chậm lại hoặc tạm dừng các chương trình tiêm chủng trong khi chờ đợi các lô vắc xin tiếp theo hoặc tìm kiếm các nguồn thay thế.
Không chỉ ở châu Phi, việc tiêm chủng cũng đã chậm lại ở Bangladesh và chính phủ nước này đã cầu cứu Trung Quốc và Nga để đảm bảo nguồn cung vắc xin. Còn Sri Lanka đang phải chờ Bộ Y tế phê duyệt vắc xin Pfizer để có thể tiêm liều thứ hai cho người dân khi thiếu hụt các mũi tiêm AstraZeneca.
Ở Nepal, tình trạng thiếu hụt nguồn cung đã làm chậm chương trình tiêm chủng vắc xin và quốc gia này đang xoay sở để tiêm chủng đầy đủ cho dưới 3% dân số.
Sự bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn vắc xin COVID-19 tạo điều kiện cho biến chủng mới nguy hiểm hơn xuất hiện
Covax Facility là cơ chế do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên minh Toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI), UNICEF, Liên minh đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI), các nhà sản xuất vắc xin và các đối tác lập ra để đảm bảo các quốc gia đều được tiếp cận vắc xin một cách công bằng và hiệu quả.
Với chức năng thu mua và phân phối vắc xin toàn cầu, đặc biệt là đối với các quốc gia nghèo hơn, những quốc gia không thể thực hiện các giao dịch mua trước lớn hoặc sản xuất vắc xin của riêng họ.
Mục tiêu của Covax là cung cấp 1,8 tỷ liều cho hơn 90 nền kinh tế có thu nhập thấp hơn vào đầu năm 2022. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 88 triệu liều được phân phối, bằng tổng số liều ở các bang California, Texas và New York của Mỹ.
Chương trình phụ thuộc rất nhiều vào vắc xin hai liều AstraZeneca, nhưng đã bị ảnh hưởng lớn do nhà sản xuất chủ chốt là Viện Huyết thanh của Ấn Độ phải tạm dừng xuất khẩu để giải quyết một đợt bùng phát nghiêm trọng tại nước này.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã hoan nghênh việc tài trợ vắc xin từ các nước giàu có, nhưng cũng kêu gọi những quốc gia này tăng cường và đẩy nhanh các khoản đóng góp để giúp các khu vực đang đối mặt với làn sóng dịch bệnh mới dữ dội.
Đầu tháng này, nhóm các nước G7 đã cam kết tài trợ vắc xin cho các quốc gia đang phát triển, trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo Mỹ sẽ bắt đầu vận chuyển nửa tỷ liều vắc xin Pfizer tặng cho các quốc gia "có nhu cầu khẩn thiết" vào tháng 8. Tuy nhiên, hôm 21/6, Mỹ đã trì hoãn việc vận chuyển 80 triệu liều vắc xin cho tặng.
Sự thiếu hụt nguồn cung vắc xin đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng. Theo WHO, các nước giàu có đã tiêm trung bình 68 liều trên 100 người, so với chỉ 2 liều trên 100 người ở châu Phi. Các chuyên gia về dịch bệnh đã cảnh báo rằng chỉ cần virus corona vẫn lây nhiễm rộng rãi, chúng sẽ đột biến thành các biến thể mới có khả năng lây lan và kháng vắc xin mạnh hơn.
Cụ thể như biến thể Delta, có khả năng lây lan mạnh và lần đầu được xác định ở Ấn Độ, đã được báo cáo ở 14 quốc gia châu Phi và số ca nhiễm mới trên khắp lục địa này đang gần bằng với thời kì đỉnh điểm hồi tháng 7/2020 là hơn 120.000 ca mỗi tuần.
Bên cạnh đó, nguồn cung không chắc chắn có thể làm giảm niềm tin vào các chương trình tiêm chủng vắc xin ở các quốc gia đang phải vật lộn với COVID-19.
Ngoài ra, các quốc gia khác ở châu Phi đang phải vật lộn với những thách thức về hậu cần, sự do dự và thông tin sai lệch. Gần 20 quốc gia đã sử dụng ít hơn một nửa số liều mà họ đã nhận được cho đến nay, và gần 1,3 triệu liều AstraZeneca ở 18 quốc gia phải được sử dụng nhanh chóng vào cuối tháng 8 để không bị hết hạn, theo WHO.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/