|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thiết lập chuỗi cung ứng mới với các FTA: Sức ép cho CNHT phát triển

16:54 | 28/01/2020
Chia sẻ
Các FTA mà Việt Nam đang thực thi đã bổ trợ cho nhau, tạo sức ép buộc ngành công nghiệp hỗ trợ cho các ngành hướng về xuất khẩu phải đổi mới, phát triển.

Các FTA mà Việt Nam đang thực thi đã bổ trợ cho nhau trong 2 chiều để hưởng ưu đãi thuế quan và đóng góp vào tỷ lệ xuất xứ, giúp Việt Nam chủ động phân tán rủi ro, thiết lập chuỗi cung mới, tạo sức ép buộc ngành công nghiệp hỗ trợ cho các ngành hướng về xuất khẩu phải đổi mới, phát triển.

Xuất khẩu của Việt Nam đang có xu hướng tăng trưởng mạnh ở các thị trường FTA, có thị trường tăng trên dưới 30% trong 9 tháng đầu năm 2019 như Canada, Mexico. 

Với việc tiên phong mở rộng các thị trường FTA, doanh nghiệp Việt Nam được hưởng những cam kết cắt giảm thuế quan ở mức cao, phần lớn trên 90% số dòng thuế.

Một điều vô cùng thuận lợi là dư địa của các thị trường FTA vẫn còn rất nhiều. Cụ thể, lớn nhất là thị trường Trung Quốc, năm 2018 Việt Nam mới xuất khẩu 41 tỷ USD/2078 tỷ USD, chiếm 1,9% tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc. Tương tự như vậy là các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc,…

Thiết lập chuỗi cung ứng mới với các FTA: Sức ép cho CNHT phát triển - Ảnh 1.


"Hàng loạt các FTA thế hệ mới mà chúng ta đã có, đã ký kết và tổ chức triển khai, thực hiện, trong đó có Hiệp định CPTPP hay Hiệp định EVFTA mới đây chúng ta đã ký kết đều là những nỗ lực rất to lớn của Đảng và Nhà nước trong việc mở đường hội nhập sâu rộng với thế giới, và tiếp tục mở rộng thị trường cho năng lực sản xuất đang ngày càng tăng trưởng của chúng ta".

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.


Bên cạnh việc giúp Việt Nam cơ cấu lại thị trường xuất, nhập khẩu, thị trường FTA còn tạo cơ hội tham gia chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu cho doanh nghiệp nước ta, đặc biệt trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung.

Ngày 28/8, Google tiết lộ sẽ chuyển dây chuyền sản xuất điện thoại thông minh Pixel sang Việt Nam. Ngoài Google còn có hơn 50 tên tuổi lớn khác từ Apple đến Nintendo, Dell, Lovesac… đã chuyển đi hoặc thu hẹp quy mô sản xuất tại Trung Quốc, và tìm cách chuyển dây chuyền sang các nước khác, mà địa điểm được ưu tiên hàng đầu là Việt Nam, tiếp theo là Ấn Độ, Malaysia, Indonesia…

Thiết lập chuỗi cung ứng mới với các FTA: Sức ép cho CNHT phát triển - Ảnh 2.

Các FTA đặt ra bài toán về quy tắc xuất xứ cho doanh nghiệp trong nước

Nguyên nhân hàng đầu để Việt Nam được ưu tiên lựa chọn như một mắt xích trong chuỗi cung ứng mới là vì Việt Nam được coi là nước tiên phong mở cửa nhất trong khu vực khi có trong tay 10 FTA đang thực thi với 60 nền kinh tế, chiếm 75% tổng kim ngạch thương mại thế giới; là 1 trong 3 nước ASEAN ký kết FTA thế hệ mới CPTPP; 1 trong 2 nước ASEAN ký kết FTA với EU (EVFTA).

Không chỉ hưởng ưu đãi khi đầu tư vào Việt Nam, doanh nghiệp còn có quyền nhập khẩu nguyên phụ liệu, linh kiện tại các thị trường FTA để được tính tỷ lệ xuất xứ.

Với mục tiêu khuyến khích thương mại giữa các thành viên tham gia FTA, hạn chế sự hưởng lợi từ các nước ngoài khu vực, nhiều mặt hàng đòi hỏi phải sử dụng toàn bộ hoặc một tỷ lệ nhất định nguyên phụ liệu sản xuất trong nước hoặc trong khu vực ký FTA mới được hưởng thuế ưu đãi.

Quy tắc xuất xứ là thách thức cho xuất khẩu nhưng cũng bao hàm cơ hội khi tạo áp lực thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu.

Thiết lập chuỗi cung ứng mới với các FTA: Sức ép cho CNHT phát triển - Ảnh 3.

Ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam

Đơn cử với ngành dệt may, theo ông Lê Tiến Trường – Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, lượng vải dùng cho châu Âu chỉ vào khoảng 2 tỷ mét/năm, mà chúng ta đã có ở trong nước khoảng 2,6 - 2,7 tỷ mét.

"Rõ ràng khi Hiệp định đi vào hiệu lực thì các nhà sản xuất phải tính toán để lựa chọn dùng vải Việt Nam, vải Hàn Quốc để phục vụ đơn hàng châu Âu, chiếm lấy lợi thế về thuế quan trong xuất khẩu", ông Lê Tiến Trường cho biết.

Từ một nền kinh tế phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, đến nay nhiều ngành sản xuất nước ta như dệt may, da giày, chế biến gỗ, máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng,… đã phần nào chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước kết tinh trong sản phẩm dành cho xuất khẩu.

Các FTA mà Việt Nam đang thực thi đã bổ trợ cho nhau trong 2 chiều để hưởng ưu đãi thuế quan và đóng góp vào tỷ lệ xuất xứ, giúp Việt Nam chủ động phân tán rủi ro, thiết lập chuỗi cung mới, tạo sức ép buộc ngành công nghiệp hỗ trợ cho các ngành hướng về xuất khẩu phải đổi mới, phát triển.

Nguyên Hà - Thy Thảo