Thị trường tiêu quý I: Giấc mộng lấy lại vị thế vàng đen vẫn còn xa vời
Cách đây 6 năm, có lúc giá tiêu đạt hơn 200.000 đồng/kg và người dân coi đây là "vàng đen" bởi chính loại cây này giúp họ đổi đời. Nhưng sau đó, cũng chính "vàng đen" khiến nhiều hộ phải phá sản vì có quá nhiều người đổ xô trồng tiêu, diện tích tăng gấp 3 lần so với quy hoạch, đạt 150.000 ha.
Niềm hy vọng cây tiêu quay trở về thời hoàng kim cách đây 6 lại lại quay trở lại vào quý I khi giá mặt hàng này tăng phi mã. Tuy nhiên, đà tăng này lại có tác dụng ngược khiến cả thị trường chao đảo.
Quý I/2021 và những biến động khó lường trong ngành tiêu
Nhìn lại quý I năm nay, ngành tiêu liên tiếp phải trả qua những biến động khó lường liên quan lên logistics và giá cả ở thị trường nội địa.
Theo đó, ngay từ đầu năm, việc thiếu container rỗng khiến nhiều doanh nghiệp phải "méo mặt" vì chi phí vận tải bị đội lên gấp 3 lần.
Bên cạnh đó, sự cố tắc nghẽn kênh đào Suez cũng khiến cho tình hình logistics vốn nóng lại càng trở nên căng thẳng hơn.
Theo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 3 năm 2021 ước đạt 30 nghìn tấn, với giá trị đạt 86 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu tiêu 3 tháng đầu năm 2021 đạt 60 nghìn tấn và 174 triệu USD, giảm 25% về khối lượng và giảm 1,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Đặc biệt, việc giá tiêu tăng nóng từ khoảng 50.000 đồng/kg lên gần 80.000 đồng/kg trong vòng vài ngày do giới đầu cơ gom hàng và người dân không muốn bán đã đẩy doanh nghiệp vào thế khó.
Theo đó, giá ký bán cho đối tác nhập khẩu rất thấp mà trong nước giá tăng cao đột biến, từ 50.000 đồng/kg lên gần 80.000 đồng/kg chỉ trong vài ngày. Cộng thêm chi phí logistics tăng chóng mặt như hiện nay, việc thua lỗ là điều khó tránh khỏi.
Tuy nhiên, nếu không mua từ dân thì không có hàng để xuất và sẽ đứng trước nguy cơ mất khách hàng.
"Giá biến động khó lường tại thị trường Việt Nam đang đẩy nhà xuất khẩu Việt Nam tạm thời ra khỏi cuộc chơi vì rủi ro có thể xảy ra cho cả người mua lẫn người bán trước sự biến động không do yếu tố thị trường tác động", VPA nhận định.
Tại cuộc họp Ban chấp hành Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) Quý I/2021, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch VPA cho biết doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn trước diễn biến khó lường của thị trường. Mặc dù có nhiều dự báo về mức sản lượng nhưng con số đó chỉ mang tính tương đối.
Tuy nhiên, trước những thông tin từ mạng xã hội cho rằng sản lượng toàn cầu giảm mạnh đã thúc đẩy mạnh niềm tin tăng giá trong dân và giới đầu cơ.
Hậu quả của những thông tin đó đã mang lại cho thị trường sự hỗn loạn và không ít đại lý vỡ nợ, một số doanh nghiệp xuất khẩu chịu thiệt hại.
Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) cho rằng giá tiêu Việt Nam biến động khó lường đã tạo ra tác động không muốn cho cả người bán và người mua vì đây là cuộc mạo hiểm rủi ro.
Nhập khẩu tiêu giảm 40% - Câu trả lời cho nghi vấn tiêu ngoại đè nặng lên giá nội địa
Theo nguồn tin riêng của chúng tôi, trong quý I năm 2020, Việt Nam đã nhập khẩu 7.698 tấn hồ tiêu bao gồm 6.351 tấn tiêu đen và 1.347 tấn tiêu trắng. So với cùng kỳ năm 2019, lượng nhập khẩu giảm 40,5%.
Trong đó, lượng nhập khẩu của 5 doanh nghiệp có vốn đầu đầu tư nước ngoài chiếm tới hơn 90% lượng nhập khẩu của khối Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) và 70% trong tổng nhập khẩu tiêu của cả nước.
Trong top 5 doanh nghiệp này chỉ có Gia vị Sơn Hà ghi nhận lượng nhập khẩu tăng mạnh là 286%. Tuy nhiên, tính tổng lượng nhập khẩu chỉ 789 tấn.
Stt | Doanh nghiệp | 3 tháng | 3 tháng | 2021 | Tổng | +/- %2021/2020 | ||
2019 | 2020 | 1 | 2 | 3 | ||||
VPA | 9.076 | 6.620 | 2.558 | 1.503 | 2.383 | 6.444 | -2,7 | |
1 | Olam Việt Nam | 3.376 | 2.939 | 1.203 | 592 | 1.360 | 3.155 | 7,3 |
2 | Harris Freeman | 1.025 | 1.045 | 300 | 228 | 292 | 820 | -21,5 |
3 | Gia vị Sơn Hà | 374 | 204 | 50 | 399 | 340 | 789 | 286,8 |
4 | Nedspice Việt Nam | 1.494 | 729 | 348 | 142 | 64 | 554 | -24,0 |
5 | KSS Việt Nam | 456 | 431 | 175 | 60 | 271 | 506 | 17,4 |
Lượng nhập khẩu hồ tiêu của 5 doanh nghiệp có vốn đầu đầu tư nước ngoài trong quý I. Tổng hợp: H.Mĩ
Trước đó, thời điểm giá tiêu tăng nóng, doanh nghiệp không mua được hàng vì người dân găm hàng không muốn bán. Nhưng vài ngày sau đó là chuỗi ngày giá tiêu liên tục giảm.
Điều này dẫn đến một vài nghi vấn rằng doanh nghiệp đã nhập tiêu từ Brazil và Indonesia để có hàng xuất khẩu khiến giá tiêu trong nước hạ nhiệt.
Tuy nhiên, số liệu thực tế cho thấy lượng nhập khẩu tiêu trong quý I thậm chí giảm mạnh tới 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
3 tháng đầu năm 2020, Việt Nam nhập khẩu hồ tiêu chủ yếu từ Brazil và Indonesia, chiếm 87,8%.
Trong đó nhập khẩu từ Brazil đạt 4.491 tấn, chiếm 58,3%; tiếp theo là Indonesia 2.268 tấn, chiếm 29,5% lượng nhập khẩu tiêu trắng từ Indonesia đạt 1.277 tấn chiếm 94,8% tổng lượng nhập khẩu tiêu trắng.
Trao đổi với người viết, một chuyên gia trong ngành tiêu cho hạt tiêu Brazil, Indonesia không dùng riêng được như tiêu Việt Nam vì có mùi khác với các nước Châu Á. Do đó, tiêu của các nước nhập về buộc phải phối trộn, chế biến rồi mới xuất khẩu theo tiêu chuẩn của các nước.
Tương tự ở các thị trường châu Âu và Mỹ, các công ty nhập khẩu về để sản xuất gia vị tổng hợp không giống như tiêu Việt Nam có thể dùng riêng biệt.
"Hạt tiêu trắng của Indonesia được sản xuất theo phương pháp truyền thống là ngâm dưới nước và sát vỏ đen để lấy sọ do đó có mùi hôi. Hạt này phối trộn, làm gia vị tổng hợp", vị chuyên gia này cho hay.
Theo lý giải của chuyên gia này việc giá tiêu giảm không phải do tiêu nhập khẩu mà là vì các nhà đầu cơ chốt lời khiến giá giảm. Điều này kéo theo tâm lý giá có thể giảm hơn nữa và nhiều người dân ồ ạt bán theo, tạo áp lực bán ra.
Kỳ vọng giá tiêu tăng mạnh do thiếu nguồn cung là không đủ cơ sở
Theo VPA, sản lượng toàn cầu năm 2021 có thể giảm 10% so với năm 2020 do sụt giảm từ Việt Nam.
Nguồn cung từ Việt Nam đang bị gián đoạn do sự tham gia mạnh của lực lượng đầu cơ và nông dân có xu hướng trữ hàng với niềm hi vọng tăng giá.
Tuy nhiên, VPA cho rằng: "Dự đoán giá tăng mạnh do nguồn cung thiếu hụt là không đủ cơ sở thuyết phục khi thu hoạch tại 2 quốc gia sản xuất lớn là Việt Nam và Ấn Độ diễn ra trễ hơn mọi năm.
Lượng hàng tồn kho của những năm trước bù đắp vào sự sụt giảm sản lượng năm 2021. Do đó, cung cầu có thể sẽ về trạng thái cân bằng và giá sẽ tăng khi có hiện tượng đầu cơ".
Nhu cầu từ các nước hồi giáo sẽ sụt giảm trong tháng Ramadan 2021 diễn ra từ 13/4-13/5.