|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thị trường ngoại hối hôm nay 26/2: Đồng USD thiệt hại sau lời cảnh báo về dịch virus corona của CDC

21:31 | 26/02/2020
Chia sẻ
Đồng USD đã ổn định trở lại sau ba ngày giảm điểm, tuy nhiên trong bối cảnh dịch virus corona diễn biến phức tạp và kì vọng Fed sẽ hạ lãi suất đang tăng lên, nhà đầu tư chưa thể dự đoán hướng đi của đồng tiền này được .

Diễn biến thị trường ngoại hối hôm nay

Hôm nay (26/2), vào lúc 18h20 giờ Việt Nam có 5/10 cặp tiền tệ cơ bản giảm điểm và 5 cặp còn lại tăng điểm.

Thị trường ngoại hối hôm nay 26/2: Đồng USD thiệt hại sau lời cảnh báo về dịch virus corona của CDC - Ảnh 1.

Tỷ giá 10 cặp tiền tệ cơ bản (Nguồn: Investing.com)

Trong đó, cặp EUR/GBP tăng cao nhất với mức tăng 0,66% và cặp GBP/USD giảm mạnh nhất cũng với mức giảm 0,57%.

Thị trường ngoại hối hôm nay 26/2: Đồng USD thiệt hại sau lời cảnh báo về dịch virus corona của CDC - Ảnh 2.

Mức biến động giá trong ngày của các cặp tiền tệ (Nguồn: Investing.com)

Thị trường ngoại hối hôm nay 26/2: Đồng USD thiệt hại sau lời cảnh báo về dịch virus corona của CDC - Ảnh 3.

Đồng USD đang ở thế phòng thủ

Trong phiên giao dịch hôm nay, đồng USD đã ổn định lại sau ba ngày giảm điểm, tuy nhiên đồng tiền vẫn ở thế phòng thủ do có nhiều dự đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể hạ lãi suất trong vài tháng tới để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh dịch covid-19 tiếp tục lây lan trên toàn thế giới.

Vào lúc 15h30 giờ Việt Nam, chỉ số USD Index dùng để đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ chính ghi nhận ở mức 98,96 điểm. Sau khi chạm mức đỉnh ba năm vào tuần trước, chỉ số này hiện tại đã giảm 0,9%.

Ban đầu, đồng USD tăng điểm khi dịch virus corona (covid-19) lan rộng. Tuy nhiên, khi dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, nhà đầu tư không còn cảm thấy nền kinh tế Mỹ đủ sức miễn dịch với cuộc khủng hoảng.

Đồng thời, nhà đầu tư lại bắt đầu kì vọng Fed sẽ hạ lãi suất để bù đắp tổn thất kinh tế do dịch bệnh gây ra. Chính hai yếu tố trên đã khiến cho đồng USD giảm điểm trong vài phiên gần đây.

Đáng chú ý, vào ngày 25/2, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã cảnh báo người dân nước này nên chuẩn bị tâm lí để đối phó với một đại dịch. Động thái của CDC góp phần gây thêm tác động tiêu cực lên đồng bạc xanh.

Lời cảnh báo của CDC lại trái ngược với nhận định của cố vấn kinh tế Nhà Trắng - ông Larry Kudlow. Trước đó, ông Kudlow chia sẻ với CNBC như sau: "Chúng tôi đã kiểm soát được dịch bệnh, tôi không nói 100% nhưng cũng gần với mức độ đó".

Tuy nhiên, tình hình dịch virus corona trên thế giới vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu trong hôm nay.

Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế Việt Nam, tính đến 17h (giờ Việt Nam) hôm nay, ngoài Trung Quốc đã có 40 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận các ca nhiễm virus corona. Số trường hợp xác nhận nhiễm bệnh trên toàn thế giới hiện là 81.221 và số ca tử vong là 2.769.

Trong đó, Hàn Quốc - điểm nóng về dịch virus corona vài ngày trở lại đây, ghi nhận gần 300 ca nhiễm mới so với hôm 25/2.

Theo tổng hợp trên Investing.com, đồng USD đã tăng cao hơn so với yen Nhật (JPY), ghi nhận ở ngưỡng 110,47 JPY đổi một USD - ngay dưới mức đỉnh 10 tháng đạt được hôm 20/2.

Đồng euro (EUR) giao dịch ổn định ở ngưỡng 1,0876 USD đổi một EUR. Sau khi liên tục giảm điểm so với đồng USD, đồng tiền chung châu Âu đã thu hồi được khoản lỗ sau khi chạm mức đáy ba năm hôm 20/2 (1,0778 USD đổi một EUR).

Trái ngược với Fed, các ngân hàng trung ương lớn khác như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) lại không có nhiều không gian để nới lỏng chính sách tiền tệ, vốn đã ở mức thấp kỉ lục của họ.

"Thị trường đã đánh giá thấp rủi ro của dịch virus corona, nhưng tôi nghĩ bây giờ giai đoạn đó kết thúc rồi", ông Tatsuya Chiba - chiến lược gia ngoại hối tại Mitsubishi Trust Bank, cho hay.

"Tôi cho rằng chúng ta sẽ thấy đỉnh điểm của nỗi sợ hãi khi mọi người trở nên lo lắng tột độ khi dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Mỹ", ông nói thêm.

Khả Nhân