Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 24/2 - 28/2: Dịch covid-19 có giúp USD Index phá ngưỡng 100 điểm?
Mặc dù nhịp sống ở Trung Quốc đang dần trở lại bình thường, lo ngại về ảnh hưởng kinh tế của dịch covid-19 do chủng virus corona mới (SARS-CoV-2) gây ra ngoài biên giới nước này vẫn còn, đặc biệt là khi số ca nhiễm bệnh tại Hàn Quốc tăng đột biến vào cuối tuần qua.
Đáng chú ý, tính đến chiều ngày 23/2, Hàn Quốc đã ghi nhận thêm 169 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 602, trong đó 5 người đã tử vong.
Theo tổng hợp của Investing.com, bình luận của các quan chức ngân hàng trung ương (NHTW) Mỹ và châu Âu trong tuần này do đó sẽ được thị trường theo dõi sát sao nhằm nắm bắt triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm nay.
Tuần này được nhận định là sẽ tương đối yên ắng trên mặt trận dữ liệu kinh tế. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng không vì thế mà trở nên nhàn rỗi.
Ngoài theo dõi bình luận của các quan chức NHTW Mỹ và châu Âu, họ cũng sẽ theo sát diễn biến của đồng USD sau khi đồng bạc xanh trở thành một trong các đồng tiền hưởng lợi lớn trên thị trường ngoại hối tuần trước, bất chấp việc đồng tiền này có giảm nhẹ vào hôm 21/2.
1. G20 kêu gọi phối hợp ứng phó dịch covid-19
Các quan chức tài chính từ 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) hôm 22/2 đã kêu gọi cùng ứng phó để ngăn chặn sự bùng phát của dịch covid-19 sau khi Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán dịch bệnh sẽ kéo tăng trưởng năm 2020 của Trung Quốc xuống còn 5,6% và khiến tăng trưởng toàn cầu năm nay giảm 0,1%.
"Tuy nhiên, chúng tôi đang xem xét một số kịch bản nghiêm trọng hơn, trong đó dịch covid-19 sẽ tiếp tục kéo dài và lan rộng trên toàn cầu.
Tác động của kịch bản đó đến tăng trưởng sẽ còn nghiêm trọng hơn", Giám đốc IMF Kristalina Georgieva phát biểu tại Cuộc họp Thống đốc Ngân hàng Trung ương và Bộ trưởng Tài chính G20.
2. Chỉ số USD Index có thể phá ngưỡng 100 điểm hay không?
Đồng USD đã giảm nhẹ trong phiên giao dịch hôm 21/2 do chịu tác động từ dữ liệu PMI đáng thất vọng của nền kinh tế Mỹ trong tháng 2.
Tuy nhiên, bỏ qua mức sụt giảm trên, đồng USD đã có một tuần thắng lợi lớn khi tăng lên mức đỉnh gần ba năm so với đồng euro, đỉnh 10 tháng so với đồng yen Nhật và đỉnh 11 năm so với đồng đô la Úc. Chỉ trong tháng này, đồng bạc xanh đã tăng hơn 2% so với rổ tiền tệ chính.
Tính ổn định của nền kinh tế Mỹ trước dịch covid-19 đã khiến đồng USD trở thành "vịnh tránh bão" trên thị trường ngoại hối, ít nhất là trong thời điểm hiện tại.
Triển vọng kinh tế yếu ở khu vực Eurozone và Nhật Bản trong bối cảnh dịch covid-19 vẫn lây lan nhiều khả năng sẽ tiếp tục đè nặng lên đồng euro và yen Nhật.
Tình trạng bán tháo đồng yen Nhật rất đáng chú ý vì trong vài năm trở lại đây, đồng nội tệ của Nhật Bản thường tăng điểm trong thời kì bất ổn địa chính trị hoặc thị trường biến động vì Nhật Bản là chủ nợ lớn nhất thế giới.
"Sau khi cân nhắc nhiều mặt, chúng tôi nhận định đồng USD sẽ duy trì được vị thế hiện tại. Ở thời điểm này, chúng tôi dự đoán chỉ số USD Index có thể phá ngưỡng 100 điểm, đây chỉ còn là vấn đề thời gian", nhóm nhà phân tích tại ING cho hay.
3. Quan chức Fed phát biểu, Mỹ công bố dữ liệu kinh tế mới
Phó Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Richard Clarida sẽ phát biểu tại một hội nghị chính sách kinh tế ở Washington vào ngày 25/2. Sự kiện này còn thu hút một số diễn giả khác như nhà kinh tế trưởng của IMF - bà Gita Gopinath và Chủ tịch Fed khu vực Cleveland Loretta Mester.
Chủ tịch Fed khu vực Minneapolis Neel Kashkari và Chủ tịch Fed khu vực Dallas Robert Kaplan cũng sẽ có bài phát biểu trong tuần này. Nhà đầu tư đang chờ đợi bình luận của các quan chức nêu trên về ảnh hưởng của dịch covid-19 tới triển vọng kinh tế Mỹ.
Cũng vào ngày 25/2, báo cáo về niềm tin người tiêu dùng Mỹ sẽ được công bố, thị trường đang rất mong chờ dữ liệu kinh tế này để xem dịch bệnh có đánh động đến tâm lí người tiêu dùng Mỹ hay không.
Vào ngày 27/2, dữ liệu về số đơn đặt hàng bền (durable goods orders) sẽ được công bố. Các chuyên gia dự đoán rằng hai yếu tố (gồm sản lượng công nghiệp ở châu Á chững lại và dòng máy bay Boeing 737 MAX dừng sản xuất) nhiều khả năng sẽ đè nặng lên chỉ số trên.
Ngoài ra, chính phủ Mỹ cũng sẽ công bố bản cập nhật lần thứ hai về GDP quí IV/2019. Bản cập nhật này được dự đoán là sẽ không có thay đổi lớn nào so với lần công bố đầu tiên.
4. Đức, Pháp công bố một số dữ liệu kinh tế
Chỉ số Ifo của nền kinh tế Đức (công bố ngày 24/2) sẽ đóng vai trò định hướng diễn biến của đồng euro trong tuần này. Theo tổng hợp trên Investing.com, chỉ số môi trường kinh doan Ifo của Đức sẽ giảm từ mức 95,9 điểm hồi tháng 1 xuống còn 95,3 điểm trong tháng 2.
Ngoài ra, thị trường cũng sẽ chú ý đến số liệu lạm phát của Đức và Pháp trước thềm cuộc họp chính sách tháng 3 của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Chủ tịch ECB Christine Lagarde sẽ đưa ra bình luận tại một sự kiện ở Đức ngày 26/2 tới, trong khi đó một số quan chức ECB khác, gồm nhà kinh tế trưởng Philip Lane, cũng sẽ phát biểu trong tuần này.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/