|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá xăng dầu tuần tới: Sự bất đồng giữa Nga và OPEC, tình hình dịch do virus corona có thể tác động mạnh tới giá dầu

21:31 | 23/02/2020
Chia sẻ
Giá dầu đánh dấu tuần thứ hai tăng liên tiếp trong tuần qua. Tuy nhiên trong bối cảnh OPEC và Nga không đi đến thỏa thuận giảm thêm sản lượng cùng với tình hình dịch bệnh ngày càng trở nên nghiêm trọng tại các quốc gia ngoài Trung Quốc, thị trường dầu có thể biến động mạnh trong những tuần tới.
Giá xăng dầu tuần tới: Đà tăng của giá dầu trong tuần qua bị đe dọa bởi sự bất đồng giữa Nga và OPEC - Ảnh 1.

Nguồn: Reuters

Mặc dù ghi nhận mức tăng hàng tuần, giá dầu thô giảm hôm thứ Sáu (21/2) do tỉ lệ lây nhiễm virus corona tăng cao và hiệp ước giảm sản xuất giữa OPEC và Nga dường như không có kết quả, theo Investing.com.

Giá dầu WTI giảm 1%, xuống 53,38 USD/thùng. Trong phiên trước đó, giá dầu đã tăng lên tới 54,63 USD/thùng, mức cao nhất một tháng và tính chung cả tuần tăng 2,6%.

Giá dầu Brent ở mức 58,5 USD/thùng, giảm 1,4%. Giá dầu đạt mức cao nhất trong 3 tuần ở 59,99 USD/tấn vào thứ Năm (20/2) và mức tăng hàng tuần đạt 2,1%.

Thành phố Bắc Kinh, nơi ghi nhận hơn 2.000 tử vong và 45.000 ca nhiễm virus corona, báo cáo thêm 118 trường hợp tử vong và 1.109 trường hợp lây nhiễm mới vào ngày 21/2.

Trong khi đó, Hàn Quốc báo cáo 100 ca nhiễm mới, tăng gấp đôi so với con số trước đó. Và tại Nhật Bản, hơn 80 người đã dương tính với virus này.

Giá dầu đã tăng liên tiếp trong tuần này (trừ phiên thứ Sáu) nhưng đà tăng hiện đang bị đe dọa bởi sự bất đồng trong hợp tác giữa OPEC và Moscow.

Hai bên đã hợp tác kể từ tháng 12/2016 với nỗ lực cân bằng nguồn cung dầu toàn cầu trong bối cảnh sản lượng dầu đá phiến của Mỹ tăng mạnh.

Tuy nhiên trong cuộc họp khẩn cấp hồi đầu tháng 2, Nga đã từ chối lời đề xuất của Arab Saudi về việc tăng cường giảm sản lượng 600.000 thùng/ngày.

Tạp chí Phố Wall đưa tin Arab Saudi, Kuwait và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, đại diện cho hơn một nửa sản lượng dầu của OPEC, đã quyết định tự cắt sản xuất mà không cần tới sự hợp tác của Nga.

OPEC tổ chức các cuộc đàm phán trong tuần này để thảo luận về việc cắt giảm sản lượng chung có thể lên tới 300.000 thùng/ngày.

Giá dầu đã giảm mạnh trong những tuần đầu tiên của cuộc khủng hoảng virus corona vì lo ngại nhu cầu ở Trung Quốc, quốc gia tiêu dùng năng lượng lớn nhất thế giới.

Điều giúp giá dầu tăng trong 2 tuần qua là mối đe dọa nguồn cung do xung đột Libya - Mỹ và các lệnh trừng phạt mới nhất của Tổng thống Trump với cáo buộc hãng dầu khí Rosneft của Nga đang trợ giúp chính quyền Tổng thống Venezuela.

Thị trường có khả năng sẽ biến động hơn nữa trong những tuần tới khi Nga tiếp tục không có ý định hợp tác cùng OPEC.

Trong khi đó, lệnh phong tỏa sản xuất đối với Libya có thể sẽ tiếp tục và liệu Venezuela có thể lấy lại một phần sản xuất của mình bằng cách hợp tác với Rosneft để đối phó với lệnh trừng phạt mới nhất của chính quyền ông Trump hay không?

Hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu

Ông Russel Hardy, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Vitol, nhận định đại dịch ở Trung Quốc có thể dẫn đến thâm hụt nhu cầu 200 triệu thùng vào cuối quí I hoặc giảm 2,2 triệu thùng/ngày. Trong trường hợp xấu nhất, nhu cầu có thể giảm 4 triệu thùng/ngày.

Quan điểm này tương đồng với dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). IEA dự kiến nhu cầu dầu trong quí I/2020 sẽ giảm 435.000 thùng/ngày so với cùng kì năm ngoái.

IEA cũng hạ dự báo tăng trưởng năm 2020 xuống còn 825.000 thùng/ngày, giảm gần 30% so với mục tiêu trước đó và đây là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2011. 

Linh Giang