|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thị trường ngoại hối hôm nay 19/2: Sức mạnh áp đảo của đồng USD

18:20 | 19/02/2020
Chia sẻ
Trên thị trường ngoại hối hôm nay, đồng USD là ngôi sao nổi trội nhất vì ba yếu tố: các nền kinh tế châu Á tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch virus corona, kinh tế Đức trì trệ như dự đoán và kinh tế Mỹ vẫn rất ổn định.

Diễn biến thị trường ngoại hối hôm nay

Hôm nay (19/2), vào lúc 17h25 giờ Việt Nam có 2/10 cặp tiền tệ cơ bản giảm điểm và 8 cặp còn lại tăng điểm.

Thị trường ngoại hối hôm nay 19/2: Sức mạnh áp đảo của đồng USD - Ảnh 1.

Tỷ giá 10 cặp tiền tệ cơ bản (Nguồn: Investing.com)

Trong đó, cặp EUR/JPY tăng cao nhất với mức tăng 0,47% và cặp USD/CAD giảm mạnh nhất cũng với mức giảm 0,14%.

Thị trường ngoại hối hôm nay 19/2: Sức mạnh áp đảo của đồng USD - Ảnh 2.

Mức biến động giá trong ngày của các cặp tiền tệ (Nguồn: Investing.com)

Thị trường ngoại hối hôm nay 19/2: Sức mạnh áp đảo của đồng USD - Ảnh 3.

Ba yếu tố khẳng định vị thế của đồng USD

Trong phiên giao dịch hôm nay, đồng USD vẫn là ngôi sao sáng trên "bầu trời" ngoại hối khi mà dịch virus corona (covid-19) tiếp tục gây thiệt hại cho các nền kinh tế châu Á, trong khi kinh tế châu Âu không cho thấy nhiều dấu hiệu phục hồi nhưng kinh tế Mỹ lại tận hưởng mức tăng trưởng ổn định.

Vào lúc 17h05 giờ Việt Nam, sau khi giảm xuống mức đáy gần ba năm là 1,0786 USD đổi một EUR hồi đầu tháng này, cặp tỷ giá EUR/USD giao dịch quanh ngưỡng 1,0798 USD đổi một EUR.

Theo tổng hợp trên Investing.com, chỉ số USD Index dùng để đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ chính duy trì ở mức 99,323 điểm, thấp hơn một chút so với mức đỉnh hai năm đạt được trước đó là 99,382 điểm.

Cũng vào lúc 15h05 giờ Việt Nam, cặp USD/JPY tăng 0,2% lên 110,09 JPY đổi một USD, cặp GBP/USD giao dịch ở ngưỡng 1,3 USD đổi một GBP và cặp USD/CNY giao dịch quanh phạm vi lí tưởng là 7 CNY đổi một USD.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vẫn đang vật lộn để đưa ngành chế tạo trở về trạng thái cũ sau khi áp hàng loạt lệnh cấm di chuyển nhằm ngăn chặn dịch virus corona lây lan.

Các nhà phân tích tham gia khảo sát của Reuters dự đoán tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc có thể giảm từ mức 6% trong quí IV/2019 về mức 4,5% trong quí I/2020, thậm chí một số khác còn dự báo tăng trưởng có thể tụt về phạm vi 3 - 4%.

Trong khi đó, dữ liệu mới công bố gần đây cho thấy tăng trưởng GDP của Nhật Bản - một nền kinh tế lớn khác ở châu Á, đã giảm tốc mạnh nhất trong 6 năm qua.

Hong Kong nhiều khả năng cũng sẽ rơi vào suy thoái và Singapore có thể ghi nhận mức thâm hụt ngân sách khủng nhất kể từ năm 1997 do quốc đảo sư tử đang ra sức củng cố nền kinh tế vốn đang chịu thiệt hại nặng nề bởi dịch virus corona.

Tin tức từ châu Âu cũng không khá hơn. Chỉ số niềm tin kinh doanh ZEW của Đức, công bố hôm qua, đã giảm trầm trọng. Đây được xem là một trong các chỉ số đầu tiên có thể ghi nhận tác động của dịch virus corona.

Trong khi đó, một nhóm vận động có tiếng khác hôm nay tuyên bố rằng nền kinh tế Đức - trụ cột của nền kinh tế chung châu Âu, nhiều khả năng sẽ không thực sự tăng trưởng tốt trong năm nay.

Ở diễn biến khác, một cuộc khảo sát trong lĩnh vực tư nhân của Mỹ cho kết quả tích cực hơn dự đoán, thậm chí tăng lên mức cao nhất kể từ mùa xuân năm ngoái, thời điểm mà chiến tranh thương mại Mỹ - Trung còn chưa leo thang.

Toàn bộ diễn biến trên tạo điều kiện thuận lợi cho đồng USD tăng giá, đặc biệt là khi đồng EUR đang trồi sụt mạnh.

Các nhà phân tích tại Danske Bank nhận định: "Dữ liệu kinh tế kém khả quan ở châu Á và châu Âu cùng mức tăng trưởng ổn định của nền kinh tế Mỹ càng giúp đồng bạc xanh tăng điểm".

Yên Khê