Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 17 - 21/2: Những thống kê ban đầu về tác động của dịch virus corona
1. Trung Quốc cho biết thuốc ức chế virus corona đã bắt đầu có tác dụng
Hôm 16/2, dữ liệu chính thức cho thấy số ca nhiễm virus corona mới ở Trung Quốc đã giảm và một quan chức y tế cho hay những nỗ lực ngăn chặn virus lây lan đang bắt đầu cho thấy kết quả tích cực.
Cụ thể, theo số liệu tính đến ngày 16/2 của Trung Quốc, số ca nhiễm virus corona hiện là 68.500 trường hợp và số ca tử vong là 1.665, phần lớn ghi nhận ở tỉnh Hồ Bắc - tâm chấn của dịch.
Tuy nhiên, cũng trong hôm 16/2, chính quyền Bắc Kinh chỉ báo cáo khoảng 2.009 trường hợp nhiễm mới, giảm so với con số 2.641 trường hợp hôm 15/2, và 142 trường hợp tử vong, giảm so với 143 ca một ngày trước.
Tác động kinh tế của dịch virus corona hiện chưa được xác định rõ. Một số nhà phân tích ước tính tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2020 sẽ nằm trong khoảng 4 - 5%, giảm so với ước tính 6% của chính phủ nước này.
Tuy nhiên, một số nhà đầu tư dự đoán tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chủ yếu sẽ chững lại trong quí I, đồng nghĩa rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi trở lại trong nửa cuối năm.
2. Thị trường tài chính Mỹ nghỉ lễ
Thị trường tài chính Mỹ sẽ đóng cửa nghỉ lễ President's Day (tạm dịch: Ngày Tổng thống Mỹ) vào ngày 17/2 (theo giờ địa phương).
Đây là sự kiện dành để tôn vinh đóng góp của các đời tổng thống Mỹ, diễn ra vào thứ hai của tuần thứ ba của tháng 2 hàng năm. Do đó, giao dịch chứng khoán và ngoại hối đều sẽ tạm dừng vào ngày này.
3. Biên bản cuộc họp của Fed, dữ liệu kinh tế Mỹ
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ công bố biên bản cuộc họp tháng 1 vào ngày 19/2. Nhà đầu tư chắc chắn sẽ chú ý đến sự kiện này, vì nhiều khả năng biên bản sẽ có nhắc đến tác động của dịch virus corona đối với nền kinh tế Mỹ.
Ngoài ra, một số quan chức Fed sẽ phát biểu công khai trong tuần, gồm Chủ tịch Fed khu vực Minneapolis Neel Kashkari, Chủ tịch Fed khu vực Dallas Rober Kaplan cùng hai thống đốc Fed Lael Brainard và Richard Clarida.
Song song với đó, dữ liệu về thị trường nhà ở Mỹ, gồm số lượng nhà ở xây mới, số lượng giấy phép xây dựng mới và doanh số bán nhà hiện có, cũng sẽ chiếm sóng. Các chuyên gia dự đoán lĩnh vực nhà ở Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định.
4. Sau khi Thủ tướng Boris Johnson tái đắc cử, dữ liệu kinh tế của nước Anh có tiến triển tốt?
Vương quốc Anh sẽ công bố một loạt dữ liệu kinh tế mới trong tuần này. Thị trường nhận định còn hơi sớm để thấy bất kì dấu hiệu phục hồi nào trong báo cáo việc làm ( công bố hôm 18/2) sau khi Thủ tướng Boris Johnson tái đắc cử hồi tháng 12 năm ngoái.
Tuy nhiên, số liệu lạm phát và doanh số bán lẻ (công bố hôm 19/2) có thể cho thấy triển vọng tích cực nhờ chiến thắng giòn giã của ông Johnson.
Chỉ số PMI sản xuất và dịch vụ (công bố hôm 21/2) sẽ chỉ ra liệu hai trụ cột của nền kinh tế Anh có tăng trưởng tốt trong tháng 1 hay không, nhờ đó giúp xác nhận khả năng Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) có hạ lãi suất trong thời gian tới.
5. Dữ liệu kinh tế của khu vực Eurozone có thể cho thấy những tác động đầu tiên của dịch virus corona
Đầu năm 2020, đồng euro đã có một khởi đầu khá vấp váp. Do đó, dữ liệu kinh tế mới của khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ được theo dõi sát sao vì chúng có thể chỉ ra những tác động đầu tiên của dịch bệnh đến nền kinh tế khu vực này, từ đó có thể chỉ ra khả năng tăng/giảm của đồng euro trong thời gian tới.
Cụ thể, chỉ số ZEW của Đức (công bố hôm 18/2) sẽ là dấu hiệu đầu tiên về sức khỏe của nền kinh tế Eurozone sau khi dịch virus corona bùng phát, trong khi chỉ số niềm tin người tiêu dùng và chỉ số PMI (công bố hôm 20/2 và 21/2) sẽ tiếp tục thu hút thêm sự chú ý.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng sẽ công bố biên bản cuộc họp tháng 1 vào hôm 20/2, trọng tâm chú ý nhiều khả năng sẽ là phần đánh giá chiến lược về chính sách tiền tệ của cơ quan này.