Thị trường ngày 25/5, dự báo giá heo hơi vẫn duy trì xu hướng tăng?
Giá heo hơi tiếp tục tăng mạnh trên diện rộng
Thị trường heo hơi miền Bắc tiếp tục tăng ở nhiều nơi. Trong đó, các tỉnh Bắc Giang, Yên Bái, Lào Cai, Nam Định, Phú Thọ, Thái Bình và Hà Nội cùng triển khai mức tăng 1.000 đồng/kg, nâng giá heo hơi lên khoảng 68.000 - 69.000 đồng/kg. Cùng lúc, sau khi tăng 2.000 đồng/kg, giá heo hơi tại Ninh Bình được ghi nhận ở mức 69.000 đồng/kg.
Giá heo hơi miền Trung - Tây Nguyên tăng nhẹ 1.000 đồng/kg. Sau điều chỉnh, thương lái tại Thừa Thiên Huế và Quảng Nam thu mua ở mức 65.000 đồng/kg, tại Đắk Lắk và Ninh Thuận thu mua ở mức 66.000 đồng/kg, tại Thanh Hóa và Bình Thuận thu mua ở mức 67.000 đồng/kg và Lâm Đồng thu mua ở mức 68.000 đồng/kg.
Giống như xu hướng chung, heo hơi miền Nam cũng tăng 1.000 - 3.000 đồng/kg. Hiện, mức giá 67.000 - 68.000 đồng/kg được ghi nhận tại Bình Phước, Đồng Nai, TP HCM, Bình Dương, Tây Ninh, Vũng Tàu, Vĩnh Long và Bến Tre - tăng nhẹ 1.000 đồng/kg. Với mức tăng 2.000 đồng/kg, giá heo hơi tại Long An, Tiền Giang, Cà Mau và Trà Vinh trong khoảng 66.000 - 69.000 đồng/kg. Thương lái tại Bạc Liêu và Sóc Trăng thu mua heo hơi trong khoảng 67.000 - 68.000 đồng/kg - ghi nhận tăng mạnh 3.000 đồng/kg.
Một số chuyên gia cho rằng giá heo hơi sẽ tiếp tục tăng vào ngày mai do nguy cơ dịch bệnh diễn biến phức tạp và nguồn cung thiếu hụt trên thị trường.
Dịch tả heo châu Phi tiếp tục lây lan, các địa phương khẩn trương ứng phó
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang, toàn tỉnh đã ghi nhận 3 địa phương tái phát dịch tả heo châu Phi là xã Phúc Yên (huyện Lâm Bình), xã Minh Hương (huyện Hàm Yên), xã Thượng Nông (huyện Na Hang).
Số lượng heo mắc bệnh tại 3 địa phương này là 122 con của 18 hộ chăn nuôi, tổng trọng lượng hơn 4 tấn. Toàn bộ heo mắc bệnh đã được đưa đi tiêu hủy theo đúng quy định về phòng, chống dịch bệnh, theo baotintuc.vn.
Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh phát sinh và lây lan trên địa bàn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang đề nghị UBND huyện, thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai nghiêm túc phòng, chống dịch bệnh theo nội dung các Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Bên cạnh đó, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao nhận thức cho người dân về đăng ký, khai báo chăn nuôi, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật. Thông tin đầy đủ, kịp thời, phù hợp, chính xác về diễn biến dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống; dấu hiệu để phát hiện dịch bệnh, biện pháp an toàn khi tiếp xúc với gia súc, không vận chuyển, buôn bán, ăn thịt gia súc mắc bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trên địa bàn hướng dẫn, đôn đốc người chăn nuôi chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt đối với các bệnh mới; áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt.
Đồng thời, tổ chức thực hiện việc đăng ký, khai báo chăn nuôi của từng hộ gia đình theo đúng quy định, hướng dẫn, khai báo với chính quyền, thú y cơ sở khi có gia súc có dấu hiệu mắc bệnh, nghi mắc bệnh. Kiểm tra, theo dõi, giám sát chặt chẽ đối với gia súc mới nhập đàn thực hiện tiêm phòng bổ sung ngay nếu đã quá thời gian miễn dịch; điều trị kịp thời các bệnh phát sinh đảm bảo không để bệnh lây lan sang gia súc xung quanh.
Các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc ra, vào địa bàn. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn bố trí đủ lực lượng tham gia tổ công tác tại các Trạm kiểm dịch đầu mối giao thông ra, vào tỉnh, đảm bảo ngăn chặn hiệu quả không để mầm bệnh lây lan vào địa bàn. Đặc biệt, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm theo quy định của pháp luật; tổ chức tiêu hủy gia súc không rõ nguồn gốc, mắc bệnh, nghi mắc bệnh ốm, chết theo quy định…