|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thị trường hàng hóa (27/6) xoài Việt sắp 'đặt chân' lên đất Mỹ, thanh long bị EC siết chặt

22:30 | 27/06/2018
Chia sẻ
Thị trường hàng hóa ngày 27/6 đón nhận tin vui xoài Việt sắp có mặt tại thị trường Mỹ. Tuy nhiên, thanh long lại bị EC siết chặt quản lý do liên quan đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
thi truong hang hoa 276 xoai viet sap dat chan len dat my thanh long bi ec siet chat Thị trường hàng hóa (26/6): Gần 350 tổ chức tham gia đấu thầu 800.000 tấn gạo Philippines, EC sẽ xem xét lại vấn đề 'thẻ vàng'
thi truong hang hoa 276 xoai viet sap dat chan len dat my thanh long bi ec siet chat Thị trường hàng hóa (25/6): Thịt heo được xuất khẩu chính ngạch, giá lúa ĐBSCL tiếp tục giảm
thi truong hang hoa 276 xoai viet sap dat chan len dat my thanh long bi ec siet chat Thị trường hàng hóa (22/6): Giá gạo tại Lào đắt nhất trong khu vực, giá xăng giảm

1. Bất chấp thuế quan, Trung Quốc không tránh khỏi phải nhập khẩu một số hàng hóa từ Mỹ

Làn sóng thuế quan của Trung Quốc đối với hàng hóa từ Mỹ dự kiến có hiệu lực vào ngày 6/7 trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai quốc gia tiếp tục leo thang.

Mức thuế này, được chính quyền Bắc Kinh áp lên hàng hóa trị giá 34 tỷ USD, một phần sẽ nhắm vào một số mặt hàng lớn của Mỹ, gồm đậu nành, xe điện, hải sản và thịt heo. Một danh sách các mặt hàng chịu thuế quan khác được công bố một ngày sau đó gồm cả dầu thô.

Ngoài mặt, quyết định hướng mục tiêu vào hàng hóa của chính quyề Bắc Kinh có thể là một động thái mang tính chiến lược: Theo định nghĩa, hàng hóa có thể thay thế được, vì vậy thị trường Trung Quốc có thể chuyển đổi hàng nhập khẩu từ Mỹ sang những quốc gia khác. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều đó có thể không mấy khả thi đối với Trung Quốc.

“Bức tranh có vẻ nan giải hơn”, ông Caroline Bain, chuyên gia tư vấn nghiên cứu kinh tế hàng đầu của Capital Economic cho biết.

2. Saudi Arabia sẽ nâng sản lượng dầu thô lên cao kỷ lục trong tháng 7

Saudi Arabia dự kiến sẽ tăng sản lượng dầu thô lên mức kỷ lục 10,8 triệu thùng/ngày trong tháng 7, Bloomberg đưa tin.

Theo Bloomberg, đây là mức tăng đáng kể so với 10,03 triệu thùng/ngày trong tháng 5 và cũng phá vỡ kỷ lục 10,72 triệu thùng/ngày ghi nhận vào tháng 11/2016.

Saudi Arabia và các thành viên của Tổ chức các Quốc gia Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) khác đang chịu sức ép nâng sản lượng từ Mỹ. Tổng thống Donald Trump liên tục chỉ trích OPEC cố ý hạn chế sản lượng dầu.

“Có vẻ như lại là OPEC. Giá dầu đang quá cao một cách giả tạo! Không tốt và sẽ không được chấp nhận!”, Tổng thống Trump viết trên Twitter hồi giữa tháng 4. Tổng thống Mỹ một lần nữa công kích OPEC vào tháng 5 và sau cuộc họp của tổ chức này hồi tuần trước, nơi OPEC và các nước đối tác đã nhất trí nâng sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày.

3. Đề nghị Mỹ miễn trừ áp thuế cao với nhôm thép Việt Nam

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đặt vấn đề tại cuộc làm việc với bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross và đại diện thương mại Robert Lighthizer trong khuôn khổ chuyến thăm Hoa Kỳ.

Trao đổi và thảo luận các vấn đề kinh tế, thương mại là một trong những trọng tâm của chuyến công tác của phó thủ tướng Vương Đình Huệ đến Hoa Kỳ lần này.

Trong ngày 26-6, ông đã có nhiều cuộc tiếp xúc với doanh nhân và chính khách Mỹ.

Đây là điều mà phó thủ tướng nhấn mạnh khi gặp các ông Wilbur Ross và Robert Lighthizer. Phó thủ tướng khẳng định VN chủ trương thúc đẩy thương mại tự do, tích cực thực hiện các thỏa thuận giữa hai nước và giải quyết các vấn đề còn tồn tại.

Tại cuộc gặp, phó thủ tướng đề nghị Hoa Kỳ giải quyết các quan tâm của VN như việc công nhận quy chế kinh tế thị trường; các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với các sản phẩm nhập khẩu từ VN như tôm, máy giặt, pin mặt trời, túi dệt; xem xét miễn trừ áp thuế cao đối với sản phẩm nhôm thép nhập từ VN.

4. Thanh long Việt Nam sẽ bị EC siết chặt kiểm tra

Trước mặt, EC sẽ tham khảo các nước thành viên để đưa ra một số biện pháp tăng cường kiểm tra đối với thanh long Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, ngày 4/5, Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ có Công điện số 22/2018/TVB về việc Ủy ban châu Âu (EC) dự định tăng cường kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu đối với quả thanh long Việt Nam xuất khẩu sang EU. Công văn này được phát đi sau khi thanh long Việt Nam bị phát hiện có dư lượng thuốc trừ sâu vượt ngưỡng MRLs quy định tại EC Regulation 669/2009 ngày 24/7/2009.

Đối với vấn đề trên, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã có công văn số 572/ XNK-NS gửi Cục Bảo vệ thực vật để nắm thông tin, đồng thời đề nghị Cục Bảo vệ thực vật thông báo, hướng dẫn, khuyến nghị người trồng thanh long sử dụng thuốc trừ sâu đúng cách để tránh dư lượng vượt ngưỡng MRLs cho phép; chủ động phương án trao đổi với EC về việc áp dụng các biện pháp này, bảo đảm lợi ích xuất khẩu quả thanh long của Việt Nam sang thị trường EU.

Trước mắt, EC sẽ tham khảo các nước thành viên để đưa ra một số biện pháp tăng cường kiểm tra, bao gồm: yêu cầu Việt Nam xét nghiệm dư lượng thuốc BVTV đối với 100% thanh long xuất khẩu sang EU (thay vì chỉ 10% như hiện nay). Mỗi lô hàng thanh long Việt Nam xuất sang EU đều phải có “Giấy chứng nhận” do cơ quan thẩm quyền Việt Nam cấp, đảm bảo dư lượng tạp chất không vượt mức MRLs theo Quy định của EC, kèm theo kết quả xét nghiệm của các phòng xét nghiệm được ủy quyền. Cơ quan ATTP của các nước thành viên EU sẽ phối hợp với hải quan tái kiểm tra 10% lô hàng thanh long tại cảng đến, trước khi cho phép thông quan nếu đạt yêu cầu.

5. Giấc mơ xuất khẩu dầu sang châu Á của Canada bị 'đứt gánh giữa đường' vì California

Việc quốc hữu hóa một đường ống xuất khẩu dầu thô ở miền tây Canada đã mang lại hy vọng lâu dài cho xuất khẩu dầu thô sang các thị trường ngoài Mỹ, nhưng điểm đến có khả năng nhất đối với phần lớn lượng dầu đó là California.

Đối mặt với việc sản lượng giảm tại Mỹ Latinh và giá dầu tăng đối với các loại dầu thô cấp cao từ Trung Đông, Golden State đang nhập nhiều dầu hơn từ Canada, phần lớn là qua đường ống Trans Mountain, được Kinder Morgan Canada bán cho Ottawa với giá 4,5 tỷ đô la Canada (tương đương 3,5 tỷ USD) vào tháng trước.

Chính phủ Canada cam kết sẽ “ngay lập tức” bắt đầu công việc mở rộng tuyến đường từ Edmonton đến Vancouver trị giá 7,4 tỷ đô la Canada, nhằm giảm bợt sự tắc nghẽn dầu thô của quốc gia này khi các đường ống bị sử dụng hết công suất và một số nỗ lực bị hủy bỏ để tăng thêm sức tải. Đường ống này, khi hoàn thành, sẽ tăng gấp gần ba lần dòng chảy lên 890.000 thùng/ngày.

Dự án mang lại cho các nhà sản xuất miền Tây Canada niềm mơ ước bấy lâu nay về việc tiếp cận các thị trường bên ngoài nước Mỹ. Hiện, Mỹ mua hầu như tất cả lượng dầu xuất khẩu của Canada, phần lớn trong số đó được chiết khấu lớn.

Tuy nhiên, số liệu xuất khẩu gần đây cho thấy, nhu cầu từ California đối với dầu thô Canada đang tăng lên, và các chuyên gia nhận định bang này có thể nhập khẩu đến một nửa công suất xuất khẩu mới từ sự mở rộng của đường ống Trans Mountain.

6. Myanmar thu về hơn 180 triệu USD nhờ 2 tháng xuất khẩu gạo

Liên đoàn Gạo Myanmar (MRF) cho biết, quốc gia này đã kiếm được hơn 180 triệu USD nhờ xuất khẩu hơn 500.000 tấn gạo trong vòng 2 tháng qua.

Cụ thể, từ ngày 1/4 đến 8/6, Myanmar đã xuất khẩu 528.400 tấn gạo, thu về 181,12 triệu USD. Trong tổng số gạo xuất khẩu, 278.000 tấn trị giá gần 100 triệu USD được xuất khẩu thông qua biên giới và 249.800 tấn trị giá khoảng 82 triệu USD thông qua đường biển.

Ông Lu Maw Myint Maung, Tổng thư ký MRF, cho biết xuất khẩu gạo qua đường biên giới giảm trong tháng 4 và tháng 5 vì Trung Quốc hạ giá hỗ trợ tối thiểu (MSP).

Myanmar xuất khẩu gạo sang hơn 50 quốc gia trong vòng 2 tháng. Trong năm ngoái, xuất khẩu gạo qua đường biên giới chiếm tới 70%, và qua đường biển là 30%."Thương mại đường biển vẫn bình thương. Trong tháng 4 và tháng 5, xuất khẩu gạo qua đường biên giới giảm vì Trung Quốc hạ MSP. Họ cũng cho biết đang sử dụng gạo dự trữ", ông Maung nói.

7. Mỹ ép các nước đồng minh ngừng mua dầu từ Iran

Chính quyền Tổng thống Trump lấy lý do Iran vẫn duy trì chương trình hạt nhân dù chương trình này đã trở nên trung lập theo thỏa thuận năm 2015.

Chính phủ Mỹ đang gây sức ép lên nhiều nước trên khắp thế giới để giảm nhập khẩu tòa bộ dầu thô của Iran trước ngày 4/11/2018. Yêu cầu này là một phần trong kế hoạch trừng phạt quốc gia Trung Đông này, Mỹ cũng khẳng định rằng sẽ không có ngoại lệ nào.

Theo một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, Mỹ sẽ làm việc với nhiều nhà xuất khẩu dầu khác để đảm bảo nguồn cung dầu khi lệnh cấm nhập khẩu dầu có hiệu lực. Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật hiện đang là những nhà nhập khẩu chính của dầu Iran.

Cũng theo quan chức trên, Nhật đã bị yêu cầu ngừng nhập khẩu dầu Iran. Điều này buộc Tokyo phải lựa chọn giữa đồng minh lâu năm và việc đảm bảo an ninh năng lượng trong nước.

Vốn không giàu tài nguyên thiên nhiên, bao lâu nay Nhật đã duy trì quan hệ ngoại giao với Tehran để cố gắng đảm bảo nguồn cung dầu ổn định. Iran cung cấp khoảng 5,5% tổng lượng dầu nhập khẩu vào Nhật, Iran hiện đang là đối tác cung cấp năng lượng lớn thứ 6 của Nhật. Nga đứng thứ 5.

8. Quả xoài Việt sắp vào thị trường Mỹ

Bộ Nông nghiệp Mỹ đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng để nhập khẩu trái xoài tươi của Việt Nam.

Thông tin này được phía Mỹ khẳng định tại cuộc gặp giữa Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ Stephen Censky ngày 26/6 tại Washington D.C.

Thứ trưởng thứ nhất Bộ Nông nghiệp Mỹ- Stephen Censky cho biết, Mỹ đang hoàn tất những thủ tục cuối cùng để nhập khẩu trái xoài tươi từ Việt Nam. Kết quả này là nỗ lực của hai bên sau hơn nửa năm đạt được thoả thuận "đồng ý về nguyên tắc mở cửa thị trường cho sản phẩm của nhau".

Theo yêu cầu từ phía Mỹ, xoài muốn được xuất khẩu sang thị trường này phải vượt qua nhiều tiêu chuẩn khắt khe như điều kiện nhà vườn, đóng gói, xử lý chiếu xạ, kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu nhập...

Như vậy sau quả vú sữa được phía Mỹ cấp phép và bắt đầu nhập khẩu, xoài Việt có cơ hội xuất hiện trên kệ siêu thị Mỹ.

Đức Quỳnh