|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Thị trường giày dép nhái hơn 100 tỷ USD bùng nổ: Người mua chủ động chọn hàng giả, khó chặn đứng cả cung lẫn cầu

15:05 | 12/12/2022
Chia sẻ
Số lượng và chất lượng của giày thể thao giả chưa bao giờ cao như hiện nay. Khi thương mại điện tử bùng nổ, nhiều người mua đang chủ đích lựa chọn hàng giả vì chất lượng không khác quá nhiều so với hàng thật nhưng giá thấp hơn đáng kể.

Nếu bạn mua một đôi giày thể thao gần đây, chúng có thể không phải là hàng thật. Theo Văn phòng Sở hữu Trí tuệ Liên minh châu Âu (EUIPO) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), vào năm 2019, giày dép nhái chiếm hơn 20% tổng giá trị hàng giả trên thị trường toàn cầu.

Tổng cộng, hoạt động giao dịch hàng giả được EUIPO và OECD định giá khoảng 449 tỷ USD vào năm 2019. Như vậy, ngành kinh doanh giày dép giả tương đương hơn 100 tỷ USD.

Giày dép hiện đã trở thành sản phẩm giả mạo bị thu giữ nhiều nhất trên thế giới, chiếm 1/4 tổng số hàng hóa bị tịch thu.

Giày dép chiếm gần 1/4 thị trường hàng giả, hàng sao chép năm 2019.

Sự bùng nổ thương mại điện tử

Theo Economist, một trong những động lực lớn nhất cho sự bùng nổ của hàng giả hiện nay chính là cuộc cách mạng về thương mại điện tử.

Trong thập kỷ qua, thương mại điện tử đã phát triển nhanh chóng, ở cả thị trường hợp pháp lẫn thị trường chợ đen. Từ năm 2017 đến 2019, 56% vụ bắt giữ hàng giả trong Liên minh châu Âu có liên quan đến hoạt động thương mại điện tử.

Đại dịch COVID khiến cho thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ hơn, dẫn đến việc hàng giả ngày càng dễ tiếp cận. Trước đây, người tiêu dùng từng phải phụ thuộc vào các lô hàng lớn, đi từ người bán buôn, qua người trung gian, rồi đến từng cửa hàng.

Hiện nay, trải nghiệm mua hàng giả đơn giản như hàng thật. Các diễn đàn như Reddit giúp người tiêu dùng có thể mua hàng trực tiếp từ những người sản xuất hàng giả với chỉ vài cú click chuột.

Người buôn hàng giả cũng đã từ bỏ những mánh khóe lừa lọc kiểu cũ, mà thay vào đó cố gắng làm hài lòng của khách hàng thông qua sự minh bạch và trung thực. 

Xu hướng đầu cơ

Ước tính cho thấy, thị trường mua bán lại (resell market) giày dép hiện tại trị giá khoảng 2 tỷ USD/năm. Các nhà đầu tư đang kinh doanh những đôi giày thể thao chính hãng để kiếm lời.

Chẳng hạn, đôi giày Yeezy đầu tiên, được nghệ sĩ Kanye West thiết kế và mang, vừa lập kỷ lục đấu giá mới ở mức 1,8 triệu USD.

Ông Wahaaj Shabbir, người đứng đầu về giày thể thao tại Ebay UK, nói: “Mọi người đang đầu tư vào những đôi giày thể thao có giá trị cao. Họ muốn có thứ để trưng bày lên kệ, và bán đi khi giá tăng lên”.

Phiên bản Nike Mag 2016 chỉ có tổng cộng 89 chiếc trên toàn cầu, với giá trên thị trường bán lại từ khoảng 2,5 tỷ đồng đến gần 4 tỷ đồng. (Ảnh: Nike).

Các thương hiệu như Nike cũng đang cố tình hạn chế nguồn cung của một số dòng sản phẩm nhất định. Nhu cầu đối với các sản phẩm hiếm, chính hãng đã tạo ra nhu cầu về hàng giả chất lượng cao.

Hiện nay, người tiêu dùng sẵn sàng trả nhiều tiền cho hàng giả chất lượng tốt. Theo các nhân viên của Nike, hàng giả hiện nay đang theo kịp hàng thật ở nhiều chi tiết. Đồng thời, các nhà sản xuất cũng đang tạo ra những thẻ xác thực hàng thật, tương tự như của Ebay hay StockX.

Đến cả những thẻ xác thực của StockX - một nền tảng mua bán lại giày dép cao cấp - cũng đã bị giả mạo. (Ảnh: Dype).

Người ảnh hưởng (Influencers)

Những người ảnh hưởng cũng đang trở thành một động lực đáng kể trong việc hướng người tiêu dùng tới hàng giả. Những người ảnh hưởng này cung cấp cho người tiêu dùng thông tin chi tiết về các loại hàng giả, cũng như so sánh trực tiếp với hàng thật.

Những người ảnh hưởng cũng phải cẩn trọng để tránh bị xóa khỏi các nền tảng như YouTube. Họ sẽ tránh tiết lộ nơi để mua giày cũng như không trực tiếp quảng bá cho hàng nhái. 

Ông Kal Raustiala, tác giả của cuốn The Knockoff Economy, cho biết: “Tôi nghĩ rằng [việc buôn bán giày giả] là loại tội phạm không có nạn nhân. Người tiêu dùng không bị tổn hại, và còn có thể còn khá giả hơn, bởi không phải ai cũng có đủ khả năng chi trả cho bản thật”. 

Không thể chặn từ nguồn cung

Sự gia tăng của những người có tầm ảnh hưởng và nhu cầu với giày nhái sẽ khó mà sớm giảm bớt. Vậy còn việc chặn đứng hàng giả từ nguồn cung thì sao?

Khoảng hơn 80% giày dép giả tính theo giá trị tới từ Trung Quốc. Thành phố Phủ Điền, Trung Quốc đã trở thành thủ phủ toàn cầu của ngành sản xuất giày giả. Đồng thời, Phủ Điền cũng là nơi sản xuất phần lớn giày thể thao chính hãng của thế giới.

Trung Quốc là kinh đô sản xuất giày dép giả của thế giới.

Hoạt động sản xuất bất hợp pháp tại đang trở nên gắn bó chặt chẽ hơn với hoạt động sản xuất hợp pháp, đôi khi thường diễn ra trong cùng một nhà máy.

Bắc Kinh đã tăng cường nỗ lực ngăn chặn hoạt động sản xuất và buôn bán hàng giả. Đồng thời, cũng có nhiều cách để điều tra viên có thể sử dụng công nghệ để bắt những kẻ sản xuất hàng giả.

Người bán hàng giả muốn thể hiện rằng mình đã có hàng nghìn lượt khách hàng hài lòng, và các nền tảng cũng mong muốn điều tương tự. Vì vậy, nhiều nền tảng bán hàng giả lưu trữ lại số lượng đơn hàng đã bán.

Tuy vậy, việc đa phần khối lượng sản xuất hàng giả nằm tại Trung Quốc đồng nghĩa có rất ít hy vọng trong để chặn đứng nguồn cung. 

Ông Kal Raustiala nói: “Đó là quy luật cơ bản của kinh tế học, có cầu ắt có cung. Bạn không thể thực sự giải quyết được tất cả vấn đề. Những gì bạn có thể làm là thi thoảng loại bỏ một số nhà cung cấp nhất định, và sau đó những nhà cung cấp mới sẽ xuất hiện”.

“Trung Quốc không có lỗi, mà là nhu cầu từ nước ngoài đã thúc đẩy hoạt động kinh doanh này ở Trung Quốc. Vì vậy, những gì chúng ta phải làm là xem ai đang mua nó. Chúng ta có thể kiểm soát khách hàng bằng giáo dục hoặc thông qua chính sách”, ông Ted Kavowras, trưởng phòng vận hành của Panoramic Consulting, cho biết.

Theo Economist, sẽ khó có câu trả lời nào dễ dàng cho bài toán hạn chế nhu cầu của người tiêu dùng đối với hàng giả. Với các thương hiệu muốn làm chậm lại thị trường hàng giả, con đường phía trước có thể sẽ rất khó khăn.

Minh Quang

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.