|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Gucci phá qui tắc, hợp tác với 'chợ trời' để đối phó hàng nhái

16:39 | 06/10/2020
Chia sẻ
Quyết định phân phối mặt hàng đã qua sử dụng một cách chính thức của Gucci đã khiến thị trường hàng nhái cao cấp lao đao.

Trước đây, các thương hiệu lớn và có uy tín rất ngại tham gia vào thị trường bán đồ đã qua sử dụng gắn nhãn của chính họ bởi nhiều nguyên nhân chính đáng, theo Forbes.

Bán lại các sản phẩm cũ với giá thấp hơn nhiều sẽ làm giảm tính độc quyền và định vị cao cấp của thương hiệu, đồng thời việc đó còn có khả năng làm giảm doanh số bán các sản phẩm mới - mạch máu chính nuôi doanh nghiệp. 

Do vậy, các chợ đồ cũ trực tuyến mọc lên như nấm sau mưa. Những doanh nghiệp nổi bật như Thredup và The Real Real đã hoàn toàn cách mạng hóa một ngành công nghiệp tiểu thương địa phương truyến thống vốn chỉ gồm các cửa hàng nhỏ lẻ nay tiếp cận tới người mua trên toàn thế giới.

Ảnh hưởng của trào lưu này đến nền kinh tế và thói quen tiêu dùng của giới trẻ vô cùng rõ rệt. Những người tiêu dùng trẻ tuổi, những người không thể mua được sản phẩm mới giá cao và không cảm thấy tự ti về việc mua hay sử dụng đồ cũ đổ xô tới các trang bán hàng cũ trực tuyến, thúc đẩy ngành phát triển vượt bậc. 

Không dừng lại ở các gian hàng trực tuyến, vào thời điểm trước đại dịch, Macy's M, Nordstrom và nhiều nhà bán lẻ khác đã mở những khu trưng bày hàng cũ để thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Những khách hàng quan tâm đến lối sống xanh cũng cảm thấy vui vẻ hơn khi ý thức rằng việc mua đồ cũ sẽ không ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Thị trường hàng nhái cao cấp lao đao sau khi Gucci và The Real Real bắt tay hợp tác - Ảnh 1.

Hướng dẫn nhận biết hàng thật và hàng giả trên trang web của The Real Real. Ảnh: Forbes

Tuy nhiên, thị trường đồ cũ có một lỗ hổng rất lớn, đặc biệt là với các phụ kiện có lợi nhuận cao như túi xách. Giá bán hàng đã qua sử dụng cũng rất cao đối với phân khúc hàng hiệu xa xỉ nên tội phạm sản xuất và tiêu thụ hàng giả không bỏ qua cơ hội trà trộn vào hệ thống. 

Trước đó, một blogger nổi tiếng từng đăng tải bài viết trên trang cá nhân kể lại trải nghiệm mua một chiếc túi Christian Dior giả trên The Real Real với giá 3600 USD. Lợi nhuận khổng lồ trở thành động cơ cho những đối tượng làm hàng giả ngày càng sản xuất và chào bán nhiều hơn. 

Đặc biệt, với trình độ làm giả ngày càng tinh vi, rất ít người mua hàng đủ chuyên môn để nhận biết và tránh hàng giả. Blogger nổi tiếng Kestenbaum kể rằng chiếc túi giả anh từng mua trên The Real Real thậm chí có đủ hóa đơn và phụ kiện của hãng.

Giải pháp lâu dài và hiệu quả nhất cho vấn đề hàng giả là để các chủ thương hiệu vào cuộc. Họ là những người nắm nhiều kiến thức nhất về những chi tiết phức tạp của hàng thật và có đủ quyền lợi pháp lí để chống lại hàng giả. Khi các thương hiệu tham gia vào thị trường bán lại, họ có khả năng giải quyết vấn đề này triệt để.

Gucci không phải là thương hiệu đầu tiên hợp tác với The Real Real. Burberry và Stella McCartney đã bắt tay với chợ đồ cũ trực tuyến này cách đây vài năm nhưng trọng tâm của những mối quan hệ đối tác này đáng tiếc không phải là ngăn chặn hàng giả, hay ít nhất là những thông cáo chính thức cũng không nhắc đến. 

Theo đại diện của các bên, đây là quan hệ đối tác tiếp thị nhằm khuyến khích người tiêu dùng kí gửi các sản phẩm đã qua sử dụng của họ cho The Real Real và thu hút người mua ở đó. 

Nhưng có một tác động không thể tránh khỏi là nếu hàng giả vẫn được rao bán trực tuyến công khai như hiện nay, các thương hiệu không thể đứng yên khi sản phẩm và cả uy tín của hãng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Họ sẽ phải hành động để duy trì tính toàn vẹn của cả lợi nhuận và thương hiệu.

Đến nay, Gucci chưa đưa ra bình luận chính thức nào về lần hợp tác này. Bởi Gucci là một trong những thương hiệu quan trọng và uy tín hàng đầu, đây có thể là khởi đầu cho một trào lưu mới, thu hút các thương hiệu khác cùng tham gia. 

Cuối cùng, khi thị trường hàng đã qua sử dụng được kiểm soát chặt chẽ bởi những thương hiệu lớn, họ sẽ không thể bỏ qua vấn đề hàng giả và phải tìm cách hỗ trợ những chợ bán lại trực tuyến trong việc nhận biết nguồn gốc hàng hóa. 

Về lâu dài, tính toàn vẹn của thị trường là giá trị cơ bản của doanh nghiệp và cả ngành công nghiệp bán lại. Nếu không có yếu tố này, doanh nghiệp không thể tồn tại. Khi các thương hiệu lớn gặp phải cản trở trực tiếp về lợi nhuận, họ sẽ hành động.

Thu Phương