|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thị trường gạo: Thiếu cơ quan điều tiết độc lập

07:25 | 10/09/2018
Chia sẻ
Sau khoảng thời gian dài dự thảo và lấy ý kiến, cuối cùng Nghị định 107 về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đã được ban hành, thay thế cho Nghị định 109 vốn bị doanh nghiệp phản ứng rất nhiều trước đây. Nghị định mới, có thể coi là tiến bộ, đã gỡ bỏ được những rào cản kinh doanh căn bản, thể hiện được những nỗ lực đáng ghi nhận của ngành công thương cũng như Chính phủ trong việc thúc đẩy một môi trường kinh doanh thông thoáng hơn cho doanh nghiệp.

Ba cải cách đáng ghi nhận

thi truong gao thieu co quan dieu tiet doc lap
Cải cách thị trường - đặc biệt là khía cạnh tổ chức quản trị thị trường, trong đó cần có một cơ quan điều tiết thị trường độc lập đúng nghĩa - vẫn là đòi hỏi cấp thiết cho việc hoàn thiện thị trường gạo trong thời gian sắp tới. Ảnh: TRUNG CHÁNH

So sánh với nghị định cũ, tức Nghị định 109 (ban hành năm 2010), hai trong số những rào cản kinh doanh lớn nhất đã được gỡ bỏ: không còn yêu cầu quy mô kho chuyên dùng tối thiểu 5.000 tấn và cơ sở xay xát công suất tối thiểu 10 tấn/giờ. Các quy định cũ là rào cản lớn đối với các doanh nghiệp khi tham gia vào thị trường, bởi lẽ chỉ những “ông lớn” mới có đủ khả năng đầu tư lớn cho cơ sở vật chất như Nghị định 109 yêu cầu. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã phải hoặc “bật bãi” hoặc “mua lại giấy phép” khiến chi phí kinh doanh tăng cao mặc dù có năng lực để kinh doanh sòng phẳng trên thị trường buôn bán gạo thế giới. Vì vậy, nghị định mới, mặc dù vẫn yêu cầu “kho bãi, máy xay xát” nhưng cho phép thương nhân có thể đi thuê, là một bước đi quan trọng. Từ đây, doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tham gia thị trường tốt hơn, tạo ra khả năng “phá” thế độc quyền của các doanh nghiệp lớn, tăng tính cạnh tranh và lành mạnh hóa thị trường.

Điểm nhấn thứ hai của nghị định mới, đó là đơn giản hóa được một số thủ tục, đồng thời giảm được vai trò can thiệp quá lớn của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) trong việc thực hiện một số thủ tục điều hành thị trường. Dẫu rằng những cải thiện về khía cạnh này vẫn chưa được như kỳ vọng, nhưng dù sao cũng là nỗ lực đáng hoan nghênh. Nghị định cũ yêu cầu doanh nghiệp phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu với VFA. Về hình thức là đăng ký, nhưng trên thực tế, rất nhiều thủ tục đăng ký, thông báo bị biến tướng thành “xin phép”. Đã “xin” thì gắn với “cho” và chi phí đi kèm tăng thêm cho doanh nghiệp. Với nghị định mới, thủ tục thông báo cho VFA đã được bỏ; doanh nghiệp chỉ còn lại nghĩa vụ báo cáo với Bộ Công Thương.

Điều kiện kinh doanh trong nghị định mới đã thông thoáng hơn so với nghị định cũ nhưng hoạt động điều hành thị trường kinh doanh gạo nói chung, xuất khẩu gạo nói riêng, vẫn còn đó những dấu hỏi về vai trò chi phối lớn của VFA.

Điểm thay đổi thứ ba liên quan đến các quy định về dự trữ, trong đó có dự trữ lưu thông và lượng gạo tồn kho sẵn có phục vụ xuất khẩu. Về dự trữ lưu thông, tỷ lệ dự trữ giảm từ 10% xuống còn 5%. Về lượng gạo tồn trong kho, nghị định cũ yêu cầu phải có sẵn lượng gạo bằng 50% khối lượng đăng ký xuất khẩu. Nghị định mới đã bỏ hẳn, không yêu cầu doanh nghiệp phải có sẵn lượng dự trữ này. Như vậy, chi phí cho doanh nghiệp sẽ được giảm xuống và tính tự chủ của doanh nghiệp cũng được tăng thêm, Nhà nước không còn can thiệp hành chính một cách thái quá vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như trước. (Nói rõ thêm, việc lưu kho 50% hay bao nhiêu phần trăm đi nữa là trách nhiệm của doanh nghiệp. Hợp đồng xuất khẩu là hợp đồng kinh tế. Nếu không thực hiện được, doanh nghiệp không chỉ bị phạt hợp đồng mà còn mất uy tín làm ăn. Vì thế, bằng cách này cách khác, doanh nghiệp phải tự lo liệu để có đủ hàng và giao cho đối tác).

Với ba thay đổi chính này, đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất chính là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Không chỉ thuận tiện hơn trong việc tham gia thị trường, chi phí kinh doanh và chi phí thực hiện các thủ tục hành chính của nhóm doanh nghiệp này chắc chắn sẽ giảm xuống đáng kể. Cộng với việc các sản phẩm gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng... không nằm trong diện phải đáp ứng điều kiện kho bãi, máy xay xát, cơ hội để sản xuất, xuất khẩu các dòng sản phẩm giá trị cao cho doanh nghiệp thực phẩm sẽ càng lớn hơn.

Nhưng còn đó những câu hỏi dài hạn

Điều kiện kinh doanh trong nghị định mới đã thông thoáng hơn so với nghị định cũ nhưng hoạt động điều hành thị trường kinh doanh gạo nói chung, xuất khẩu gạo nói riêng, vẫn còn đó những dấu hỏi về vai trò chi phối lớn của VFA. Dù có giảm đi một số thẩm quyền (trong thực hiện thủ tục hành chính), nghị định mới tiếp tục trao cho VFA các vai trò vốn dĩ chỉ thuộc về cơ quan hành chính nhà nước. Và điều này khiến cho VFA có bóng dáng như một “cánh tay nối dài” của Bộ Công Thương để quản lý thị trường - nghĩa là khác xa với vai trò hợp lý của một hiệp hội doanh nghiệp. Cụ thể, đó là vai trò điều hành trực tiếp các hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung vốn chiếm phần lớn quy mô thị trường xuất khẩu gạo (điều 19 Nghị định 107); vai trò phối hợp với cơ quan thẩm quyền kiểm tra, phát hiện vi phạm; vai trò chỉ đạo, hướng dẫn bình ổn thị trường, xác định giá sàn; duy trì mức dự trữ lưu thông bắt buộc;... (điều 23 Nghị định 107).

Trong bối cảnh toàn bộ ngành chỉ có một hiệp hội duy nhất, lại được trao quyền lớn như vậy, rủi ro VFA trở thành một “nhóm lợi ích”, một “hội độc quyền” và chi phối thị trường là rất lớn. (Những điều này không hẳn là mới, đã được nêu nhiều, phân tích nhiều trong hoạt động của VFA trước đây). Sẽ rất khó có một thị trường lành mạnh, nơi sự cạnh tranh của doanh nghiệp là minh bạch và công bằng, nếu vẫn còn những tác nhân theo mô hình VFA hiện hữu. Đương nhiên, lỗi này không thuộc về cá nhân, doanh nghiệp nào nói riêng trong VFA mà phụ thuộc cách tổ chức và điều tiết thị trường do Bộ Công Thương xây dựng.

Vì vậy, so với Nghị định 109, Nghị định 107 có những bước tiến đáng mừng, nhưng những nỗ lực vẫn còn cần tiếp tục. Cải cách thị trường - đặc biệt là khía cạnh tổ chức quản trị thị trường (market governance), trong đó cần có một cơ quan điều tiết thị trường độc lập đúng nghĩa (market regulator) - vẫn là đòi hỏi cấp thiết cho việc hoàn thiện thị trường gạo trong thời gian sắp tới.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Nguyễn Quang Đồng/ Viện IPS

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.