Thị trường chứng khoán Mỹ xuất hiện hàng loạt báo động đỏ
Phát biểu của Chủ tịch Fed 'thổi bay' 1.500 tỉ USD vốn hóa thị trường chứng khoán Mỹ |
Trong đó, những tín hiệu đáng chú ý nhất là: số cổ phiếu giảm nhiều hơn số cổ phiếu tăng, số cổ phiếu ở đáy 52 tuần nhiều hơn số cổ phiếu ở đỉnh 52 tuần, và nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ đang đi xuống.
Tuần trước, chỉ số chứng khoán Dow Jones chạm ngưỡng cao nhất mọi thời đại. Còn chỉ số S&P 500 lập kỷ lục mới vào ngày 21/9. Tuy vậy, điều đáng ngại là xu thế đi lên của các chỉ số thời gian gần đây được dẫn dắt bởi một số ít cổ phiếu vốn hóa lớn.
Theo ông Bruce Bittles, giám đốc chiến lược đầu tư tại công ty quản lý tài sản Baird, “Thị trường vững mạnh nhất khi xu thế giá lên được lan tỏa trên diện rộng, tuy nhiên thực tế hiện nay lại không phải như vậy”.
Các chỉ số chính đang giao dịch ở (gần) mức cao kỷ lục, nhưng theo số liệu của SentimenTrader, số lượng cổ phiếu tại Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE) đang ở đáy 52 tuần lại cao gấp ba lần số cổ phiếu đang ở đỉnh 52 tuần. Đây là lần đầu tiên hiện tượng này xảy ra kể từ ngày 28/12/1999 (trước cuộc khủng hoảng cổ phiếu công nghệ năm 2000) và là lần thứ hai kể từ năm 1965.
Các nhà đầu tư nhìn vào số lượng cổ phiếu đang ở đỉnh và đáy 52 tuần để đánh giá mức độ tham gia của dòng tiền. Nói cách khác, nếu nhiều cổ phiếu đang ở đỉnh 52 tuần chứng tỏ dòng tiền từ nhiều nhà đầu tư đang tham gia thị trường một cách mạnh mẽ, và ngược lại.
Cổ phiếu trung bình đi xuống trong tháng 9
Chỉ số S&P 500 tăng 0,4% trong tháng 9, tuy nhiên chỉ số này được tính theo bình quân với trọng số là giá trị vốn hóa của các cổ phiếu thành phần - tức là cổ phiếu nào vốn hóa lớn hơn thì có tác động lớn hơn tới chỉ số. Theo Bespoke Investment Group, nếu tính bình quân đơn giản (không trọng số), các cổ phiếu trong rổ S&P 500 thực tế lại giảm 0,06%.
Bespoke cho biết “Đây là hệ quả của việc các cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trong rổ S&P 500 diễn biến tích cực hơn hẳn các cổ phiếu vốn hóa nhỏ trong tháng 9”.
Microsoft và Exxon Mobil, hai trong số các cổ phiếu vốn hóa lớn nhất của S&P 500 tăng lần lượt 1,8% và 6,1% trong tháng qua. Ngược lại, Stericycle – cổ phiếu vốn hóa nhỏ nhất trong rổ - giảm 4,9%.
Trong khi đó, số lượng bình quân các cổ phiếu tại sàn NYSE lập đỉnh 52 tuần trong 10 ngày qua đang ở dưới ngưỡng 100, theo số liệu của ông Andrew Thrasher – quản lý danh mục tại Financial Enhancement Group và người sáng lập Thrasher Analytics. Chuyên gia phân tích kỹ thuật này cũng chỉ ra rằng hiện tượng trên mới chỉ xảy ra ba lần trước đây trong lịch sử: năm 2009 giữa lúc cuộc khủng hoảng tài chính đang trầm trọng nhất, năm 2013 và năm 2014.
Đợt hồi phục vừa qua của thị trường chứng khoán Mỹ cũng bị bó hẹp trong nhóm chỉ số vốn hóa lớn, các chỉ số nhỏ vẫn bị bỏ lại phía sau.
Cụ thể, chỉ số Russell 2000 (gồm các cổ phiếu vốn hóa nhỏ) không lập được đỉnh mới kể từ ngày 31/8 tới nay. Ngược lại, chỉ số này còn mất 4% trong khi các chỉ số lớn như Dow Jones và S&P 500 tăng lần lượt 3,7% và 1,2%.
Đầu năm nay, các cổ phiếu vốn hóa nhỏ tăng nhanh, bỏ lại các cổ phiếu vốn hóa lớn “ngửi khói” phía sau. Nguyên nhân là khi đó, nhiều nhà đầu tư đổ tiền vào các công ty nhỏ, không phụ thuộc vào doanh thu từ nước ngoài trong bối cảnh mối lo chiến tranh thương mại toàn cầu lên cao. Tuy nhiên gần đây, mối lo ngại này đã dịu đi sau khi Mỹ đã đồng ý các thỏa thuận thương mại với Mexico và Canada và do vậy, dòng tiền đã quay lại với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Lợi nhuận doanh nghiệp và nền kinh tế vẫn vững vàng
Theo Nick Raich, CEO của hãng phân tích The Earnings Scout, “Khi mối lo về thương mại dịu đi, cổ phiếu Trung Quốc sẽ tăng trưởng vượt bậc và các cổ phiếu vốn hóa nhỏ của Mỹ sẽ diễn biến kém tích cực hơn các cổ phiếu vốn hóa lớn. Đây chính là phương châm giao dịch đang chi phối biến động thị trường”.
Ông nói thêm “Tổng thống Trump đang vẫy cờ chiến thắng sau khi đạt được thỏa thuận thương mại với Canada và Mexico. Thị trường thì kỳ vọng ông cũng sẽ sớm vẫy lá cờ chiến thắng đó sau thỏa thuận thương mại với Trung Quốc”.
Đà tăng hiện nay của thị trường được hỗ trợ bởi hai yếu tố: tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ và dữ liệu kinh tế vĩ mô tích cực.
Theo số liệu của FactSet, trong hai quý vừa qua lợi nhuận doanh nghiệp đều tăng trưởng 25%. Trong khi đó nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 4,2% trong quý II và 2% trong quý I.
Theo ông Andrew Thrasher, thị trường sẽ cần những nhân tố tích cực này để có thể tiếp tục đi lên: “Liệu các chỉ số lớn có thể tiếp tục đà tăng dù xu thế này không lan tỏa với nhiều cổ phiếu? Có thể, nhưng thị trường sẽ đòi hỏi môi trường gần như hoàn hảo chẳng hạn như những con số lợi nhuận cao kỷ lục mà chúng ta thấy trong quý II. Liệu kết quả kinh doanh quý III có đủ tích cực và khiến cho nhà đầu tư tập trung vào một số ít cổ phiếu vốn hóa lớn không? Hãy cùng chờ xem”.