S&P 500 và VIX biến động bất thường, thị trường chứng khoán Mỹ sắp điều chỉnh mạnh?
[Infographic] Vì đâu thị trường chứng khoán biến động không ngừng? |
Chỉ số S&P 500 và chỉ số biến động Cboe - hay còn gọi là chỉ số đo sự lo sợ - có xu hướng biến động ngược chiều, do các nhà đầu tư ít lo lắng khi thị trường chứng khoán tăng điểm và ngược lại, sự lo lắng tăng lên khi thị trường lao dốc.
Chỉ số VIX thường được viết dưới dạng điểm phần trăm và đại diện cho mức độ biến động của chỉ số S&P 500 trong một năm tới khoảng tin cậy 68% - tương đương 1 độ lệch chuẩn trên đường phân phối chuẩn hình chuông. Nếu chỉ số VIX bằng 12 nghĩa trong một năm, chỉ số S&P 500 được kỳ vọng tăng 12% hoặc giảm 12%. Nói cách khác, chỉ số VIX đo lương “sự bất định” trong biến động tương lai của thị trường. |
Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, mối quan hệ chặt chẽ này đã bị mất cân bằng, với việc chỉ số VIX cao hơn đáng kể so với mức thấp nhất 52 tuần ngay cả khi chỉ số gồm các cổ phiếu vốn hóa lớn S&P 500 tiếp tục ghi nhận những kỷ lục mới.
Ông Dana Lyons, cộng sự của công ty quản lý quỹ J. Lyons, cho rằng sự phân kỳ này cần được xem xét kỹ lưỡng hơn vì trong quá khứ, hiện tượng này thường báo hiệu cho giai đoạn khó khăn phía trước của thị trường chứng khoán.
Ông Lyons chỉ ra rằng kết thúc phiên 21/8, S&P 500 SPX giảm 0,44% nhưng chỉ số VIX đã tăng 10,45%, cao hơn 40% mức đóng cửa thấp nhất trong 52 tuần xác lập tháng 11 năm ngoái.
Theo ông Lyons, hiện tượng này đã xảy ra ba lần trong 20 năm qua, và theo sau đó đều là “thời kỳ bất hạnh” đối với chứng khoán.
Biểu đồ dưới đây cho thấy, các phân kỳ tương tự đã xảy ra từ tháng 12/1999 đến tháng 3/2000, tháng 4/2007 đến tháng 10/2007 và tháng 12/2014 đến tháng 2/2015 và diễn biến thị trường sau đó thường khá tiêu cực, với lợi nhuận trung bình ghi nhận giá trị âm 11,3% trong 1 năm liền sau đó.
Những lần chỉ số S&P 500 chạm mức cao nhất 52 tuần, đồng thời chỉ số VIX cao hơn >40% so với mức thấp nhất 52 tuần. Nguồn: MarketWatch. |
Ông Lyons cho biết: “Trong 19 năm qua chúng tôi nhận thấy sau một thời gian nhất định, những phân kỳ này thường gây ra những hậu quả tai hại. Nhìn chung, sự phân kỳ này là dấu hiệu cảnh báo cực kỳ chính xác và nhất quán đối với thị trường chứng khoán trong hai thập kỷ qua".
Tuy nhiên, ông Lyons nhấn mạnh rằng nếu biểu đồ được mở rộng ra bao gồm những trường hợp khác trong thập niên 1990 thì mối quan hệ giữa S&P 500 và chỉ số VIX bị phá vỡ mà không có hệ quả xấu nào.
Ông Lyons nói thêm: “Diễn biến tiếp theo phụ thuộc rất nhiều vào tình hình thị trường chứng khoán hiện tại là "thị trường giá lên mạnh mẽ trăm năm có một" hay là "thị trường chịu rủi ro nghiêm trọng sẽ điều chỉnh theo chu kỳ giá xuống"? Theo ý kiến cá nhân tôi, thị trường chứng khoán Mỹ đang thuộc trường hợp thứ hai".
Ngoại trừ một đợt tăng đột biến vào đầu năm nay khi các nhà đầu tư lo lắng trước việc tăng lãi suất trái phiếu và lạm phát gia tăng, chỉ số VIX nhìn chung biến động trong khoảng biên độ trong khi thị trường không ngừng lên cao, giúp tạo nên thị trường giá lên kéo dài nhất trong lịch sử.
Chính điều này đã gây tâm lý lo ngại giữa các nhà đầu tư rằng thị trường chứng khoán đã "kiệt sức" và đang đối mặt với đợt điều chỉnh mạnh, trong khi một số khác cho rằng vẫn còn dư địa tăng trưởng do nền kinh tế đang hoạt động tốt và lợi nhuận doanh nghiệp cao.
Nhưng như các nhà đầu tư đều biết, thị trường chứng khoán lâu nay rất khó dự đoán, và giá cổ phiếu biến động không theo quy luật nào.