|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thị trường chứng khoán đón chờ kết quả kinh doanh quý I/2023

20:51 | 15/04/2023
Chia sẻ
Chuyên gia phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng đỡ trong bối cảnh áp lực tỷ giá, lạm phát, lãi suất đã hạ nhiệt đáng kể trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, áp lực ngắn hạn chủ yếu đến từ thông tin kết quả kinh doanh quý I/2023 của các doanh nghiệp niêm yết có thể tiếp tục kém khả quan và đợt đáo hạn phái sinh vào phiên thứ 5 tuần tới (20/4).

Nhà đầu tư theo dõi diễn biến thị trường. (Ảnh: TTXVN).

Dòng tiền lớn chưa quay lại

Theo quan sát VNDIRECT, dường như dòng tiền lớn vẫn chưa quay trở lại. Dòng tiền không có sự cải thiện đáng kể và chỉ tập trung chảy vào nhóm cổ phiếu đầu cơ đã khiến cho nhịp tăng vừa qua của thị trường diễn ra khá ngắn và không thực sự mạnh mẽ.

Do đó, khi thị trường bắt đầu rơi vào vùng thiếu vắng thông tin hỗ trợ đã kích hoạt hoạt động chốt lời của nhà đầu tư ngắn hạn tại nhóm cổ phiếu tăng nóng vừa qua như bất động sản, chứng khoán, khiến các chỉ số chứng khoán quay đầu điều chỉnh.

Đồng thời, động thái liên tục bán ròng của khối ngoại trong những tuần gần đây cũng gây áp lực đáng kể lên thị trường.

Trong bối cảnh đó, VNDIRECT cho rằng thị trường có thể có một nhịp điều chỉnh ngắn về vùng hỗ trợ 1.030-1.040 điểm. Tuy nhiên, kịch bản thị trường rơi sâu sẽ khó xảy ra trong bối cảnh áp lực tỷ giá, lạm phát, lãi suất đã hạ nhiệt đáng kể trong thời gian vừa qua.

Theo VNDIRECT, áp lực ngắn hạn của thị trường chủ yếu đến từ thông tin kết quả kinh doanh quý I/2023 của các doanh nghiệp niêm yết có thể tiếp tục kém khả quan và áp lực từ đợt đáo hạn phái sinh vào phiên thứ 5 tuần tới (20/4).

Tuy vậy, áp lực này sẽ không lớn khi định giá của thị trường đang ở vùng chiết khấu khá cao so với lịch sử. Giả định trong trường hợp kết quả kinh doanh quý I/2023 tiếp tục kém khả quan như quý IV/2022 thì P/E thị trường có thể lên mức quanh 12,5 lần và đây không phải là mức cao so với mặt bằng P/E quá khứ.

Do đó, VNDIRECT cho rằng, nhà đầu tư có thể tận dụng nhịp điều chỉnh lần này để tái cơ cấu danh mục đầu tư và cân nhắc gia tăng tỷ trọng cổ phiếu nếu VN-Index về vùng hỗ trợ 1.030 - 1.040 điểm, ưu tiên dịch chuyển danh mục đầu tư sang nhóm cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng rõ nét trong năm 2023 như ngân hàng, đầu tư công, du lịch hoặc những ngành đầu chu kỳ phục hồi như vật liệu xây dựng, thép.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư lưu ý duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải và hạn chế sử dụng đòn bẩy margin (vay giao dịch ký quỹ) khi thị trường đang trong nhịp điều chỉnh.

Về mặt vĩ mô, theo Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, trong tuần vừa qua số liệu lạm phát Mỹ trong tháng 3 được công bố tăng 5% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, đây là mức tăng thấp hơn kỳ vọng thị trưởng mức 5,1%. Số liệu này tạo ra kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể chấm dứt lộ trình tăng lãi suất sớm hơn kỳ vọng vào tháng 6.

Đây được xem là diễn biến thuận lợi đối với điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước với mục tiêu kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế trải qua giai đoạn nhiều khó khăn trong quý I với mức tăng trưởng đạt thấp.

Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) nhận định, điểm tích cực là lãi suất của Việt nam đang có xu hướng giảm trong bối cảnh Fed cũng đang đi đến giai đoạn cuối của tiến trình tăng lãi suất, Chính phủ cũng đang tích cực đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản.

Tuy nhiên, những khó khăn về vĩ mô vẫn còn nhiều khi rủi ro và khó khăn của thị trường trái phiếu, bất động sản chưa thể giải quyết sớm, kinh tế toàn cầu vẫn đang trong tình trạng bấp bênh và đối diện với nguy cơ suy thoái, bất ổn trong lòng nước Mỹ và châu Âu do xung đột Nga - Ukraine tiếp tục có xu hướng leo thang, hệ thống ngân ở Mỹ và Thụy Sĩ, Đức đang có những rủi ro về thanh khoản... Do đó, trong bối cảnh tốt xấu đan xen như hiện tại, xu hướng tích lũy cũng là hợp lý.

Theo SHS, những thông tin điểm nhấn trong tuần qua đó là Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương khẩn trương xử lý, giải quyết vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp, trình Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét tiếp tục chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng năm 2023.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và cho ý kiện về Dự án Luật Kinh doanh bất động sản trong sáng ngày 12/4/2023 và các thông tin về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Về diễn biến thị trường, VN-Index giảm 16,21 điểm trong tuần qua về mức 1.052,89 điểm với thanh khoản suy giảm. HNX-Index kết tuần giảm 4,35 điểm về 207,25 điểm với thanh khoản gia tăng.

Độ rộng thị trường trong tuần nghiêng về tiêu cực, với áp lực bán ngắn hạn tập trung nhiều vào nhóm cổ phiếu bất động sản, chứng khoán sau giai đoạn tăng tốt.

Trong tuần thanh khoản trên HOSE đạt 64.036,26 tỷ đồng, giảm 4,6%, tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 9,91% so với tuần trước. Thanh khoản HNX giảm nhẹ 0,7% với 8.160,15 tỷ đồng.

Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng tuần thứ ba liên tiếp với giá trị bán ròng tăng mạnh hơn lên 1.734,76 tỷ đồng, dưới áp lực rút vốn của quỹ Fubon ETF.

Trong tuần qua thị trường phân hóa mạnh với dòng tiền ngắn hạn luân chuyển qua các nhóm ngành. Chịu áp lực điều chỉnh mạnh là nhóm bất động sản sau nhiều tuần phục hồi tăng giá như LDG giảm 17,32%, L14 giảm 10,52%, SCR giảm 10,13%, CEO giảm 9,41%, DXG giảm 6,25%, DIG giảm 4,71%...

Nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán cũng chịu áp lực bán tương tự khi nhiều mã đã có xu hướng tăng giá trong nhiều tuần. Theo đó, VIX giảm 7,06%, BVS giảm 7,04%, CTS giảm 6,82%, VCI giảm 6,53%, VND giảm 6,01%... ngoại trừ một vài mã vẫn tăng giá như SHS tăng 6,32%, VDS tăng 2,82%...

Một số nhóm ngành như bán lẻ, hóa chất, thủy sản trong tuần qua vẫn có diễn biến tích cực tăng giá như PET tăng 5,91%, DGW tăng 4,79%, MWG tăng 2,56%.. DGC tăng 5,22%, CSV tăng 7,84%... FMC tăng 7,69%, CMX tăng 5,88%, MPC tăng 5,26%, VHC tăng 4,95%...

Nhóm cổ phiếu ngân hàng phân hóa, diễn biến tích cực nhất là PGB tăng 34% sau khi thoái vốn, KLB tăng 5,56%, EIB tăng 3,40%..., trong khi BID giảm 2,63%, TCB giảm 2,2%, VPB giảm 1,91%...

Xu hướng tăng chiếm ưu thế trên thị trường thế giới

Thị trường chứng khoán trong nước đi xuống tuần qua, trong bối cảnh xu hướng tăng điểm chiếm ưu thế trên thị trường chứng khoán thế giới.

Phiên cuối tuần (14/4), thị trường chứng khoán thế giới đi ngược chiều nhau; trong đó, chứng khoán Phố Wall giảm, còn chứng khoán châu Âu đi lên trong bối cảnh số liệu về doanh số bán lẻ gây thất vọng của Mỹ đã “lấn át” báo cáo lợi nhuận ngành ngân hàng tốt hơn dự kiến.

Tại Mỹ, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,4% xuống 33.886,47 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 giảm 0,2% xuống 4.137,64 điểm, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 0,4% xuống 12.123,47 điểm.

Trong khi đó, tại châu Âu, chỉ số CAC 40 tại Paris tăng 0,5% lên 7.519,61 điểm. Chỉ số FTSE 100 của London tăng 0,4% lên 7.871,91 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt tăng 0,5% lên 15.807,50 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 tăng 0,6% lên 4.390,75 điểm.

Nhìn chung trong tuần qua, xu hướng tăng chiếm ưu thế hơn cả nhờ các báo cáo tích cực về thị trường việc làm và lạm phát của Mỹ.

Chuyên gia Karl Haeling của ngân hàng LBBW nhận định lạm phát đang có xu hướng chậm lại, qua đó mở ra khả năng Fed sẽ sớm dừng chu kỳ nâng lãi suất của mình.

Văn Giáp

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.