|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Xu hướng đổi tên công ty niêm yết ngắn gọn hơn, giống mã chứng khoán

10:07 | 11/04/2023
Chia sẻ
Nhiều doanh nghiệp như Gỗ Trường Thành (mã: TTF), Xây lắp Điện I (mã: PC1), Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (mã: SBS),... có kế hoạch thay đổi tên giống mã chứng khoán của công ty.

Xu hướng rút gọn tên giống mã chứng khoán của các doanh nghiệp

Trong gần 1 năm gần đây, nhiều doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực như chứng khoán, xây dựng, nội thất, dược phẩm,... đang có xu hướng thay đổi tên công ty giống mã chứng khoán.

Trong Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023 sắp tới, Công ty Cổ phần (CTCP) Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (mã: TTF) sẽ trình đại hội đồng cổ đông thông qua tiếp tục thực hiện việc thay đổi tên đã được ĐHĐCĐ thường niên 2022 thông qua, theo đó công ty dự kiến thay đổi tên thành CTCP TTF, với tên viết tắt TTF.

Mục đích thay đổi được đưa ra trong ĐHĐCĐ 2022 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình kết nối với các đối tác, khách hàng giao dịch và kinh doanh theo định hướng phát triển của công ty trong giai đoạn mới, mở rộng thị trường theo định hướng phát triển bền vững trong thời gian tới.

Đồng thời, ĐHĐCĐ 2022 cũng thông qua việc huỷ phương án đổi tên công ty thành CTCP ToTal Furniture do nhận thấy phương án đổi tên này chưa phù hợp với định hướng phát triển kinh doanh của công ty trong giai đoạn mới.

Với mục đích tương tự, CTCP Louis Capital (mã: TGG) vừa qua cũng trình ĐHĐCĐ bất thường năm 2023 lần 2 thông qua phương án đổi tên thành CTCP TGG (tên viết tắt TGG), nhằm tạo thuận lợi cho quá trình kết nối với đối tác, khách hàng khi giao dịch và kinh doanh theo định hướng phát triển của công ty trong giai đoạn mới, thuận lợi hơn trong quá trình tìm kiếm cơ hội đầu tư, mở rộng thị trường theo hướng phát triển bền vững trong tương lai.

Tuy nhiên, kết quả đại hội cổ đông đã thông qua một phương án khác là đổi tên công ty thành CTCP The Golden Group, với tên viết tắt TGG.

Nhóm cổ đông tham dự đại hội chiếm tỷ lệ 26,04% vốn điều lệ Louis Capital đề nghị thay đổi nội dung phương  án đổi tên so với tài liệu họp đã công bố. (Nguồn: TGG).

Hay một doanh nghiệp khác trong lĩnh vực chứng khoán, sau khi được ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 thông qua việc đổi tên để phù hợp với chiến lược phát triển lâu dài, bền vững, Hội đồng Quản trị (HĐQT) CTCP Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (mã: SBS) đã có quyết nghị thay đổi tên công ty thành CTCP Chứng khoán SBS từ ngày 4/7/2022.  

Nghị quyết này cũng được xem như mở đầu cho chương mới ở SBS, khi hình ảnh công ty không còn gắn với với Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - mã: STB), nhà băng sáng lập SBS cách đây khoảng 17 năm.

Tương tự, sau khi được ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 thông qua, CTCP Xây lắp Điện I (mã: PC1), với tên viết tắt PCC1 đã đổi tên thành CTCP Tập đoàn PC1, với tên viết tắt mới là PC1 Group.

Nguyên nhân thay đổi được công ty đưa ra do tên của công ty không còn phù hợp với quy mô, ngành nghề, sản phẩm với các hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh, nhất là xu thế phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Nhiều công ty chứng khoán trình phương án đổi tên trong ĐHĐCĐ 2023

Ở một diễn biến khác trong các doanh nghiệp chứng khoán, mùa đại hội cổ đông năm nay cũng ghi nhận nhiều công ty chứng khoán lên phương án đổi tên nhằm tăng mức độ nhận diện thương hiệu.

Có thể kể tới như CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC, mã: BSI), theo đó HĐQT BSC đề xuất thay đổi tên từ CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam thành CTCP Chứng khoán BIDV và tên viết tắt vẫn được giữ nguyên là BSC.

Công ty chứng khoán này cho biết do tên gọi hiện tại chưa gắn sát với tên đầy đủ của ngân hàng mẹ là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), đồng thời tên giao dịch tiếng Anh của công ty hiện là BIDV Securities Joint Stock Company cũng chưa sát với tên doanh nghiệp tiếng Việt. Bên cạnh đó, tên doanh nghiệp của BSC hiện khá dài và tính nhận diện thương hiệu chưa cao khi không gắn kết trực tiếp với tên viết tắt của ngân hàng mẹ.

Hay như CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC, mã: VCI), công ty chứng khoán này cho biết hiện nay công ty được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như VCSC, Viet Capital Securities, VCI, Chứng khoán Bản Việt. Điều này đã làm pha loãng sức mạnh thương hiệu do đó cần phải đồng nhất bộ nhận diện thương hiệu của công ty. 

Phương án đổi tên được ĐHĐCĐ thường niên 2023 VCSC thông qua. (Nguồn: VCSC).

Mặt khác, tên gọi Chứng khoán Bản Việt có thể làm khách hàng nhầm lẫn với một số tổ chức trong nước khác có tên tương tự. Do đó, VCI trình cổ đông thay tên công ty thành CTCP Chứng khoán Vietcap (tên viết tắt Vietcap) để gia tăng mức độ nhận diện thương hiệu cũng như nâng cao sức mạnh thương hiệu. Phương án đổi tên này đã được ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 công ty thông qua.

Tương tự, ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 vừa qua của CTCP Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VICS, mã VIG) cũng đã thông qua việc đổi tên công ty thành CTCP Chứng khoán Đầu tư Tài chính Việt Nam, với tên viết tắt VISC.

Diệu Nhi