Thị trường chứng khoán 23/3: 27 cổ phiếu VN30 giảm sàn, VN-Index mất hơn 43 điểm
Kết phiên, VN-Index giảm 43,14 điểm (6,08%) xuống 666,59 điểm; HNX-Index giảm 5,24% xuống 96,46 điểm; UPCoM-Index giảm 4,57% xuống 47,57 điểm.
Xem thêm: Thị trường chứng khoán 24/3
Áp lực bán tháo diễn ra xuyên suốt phiên giao dịch khiến chỉ số giảm mạnh, thậm chí cả 3 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm sàn. Toàn thị trường chứng kiến 675 mã giảm giá, trong đó số mã giảm sàn lên tới con số 310.
Riêng nhóm VN30 ghi nhận 27 mã giảm sàn và không còn dư mua, riêng NVL và EIB bất ngờ đảo chiều tăng giá trong phiên ATC, MSN cũng hồi phục về giá tham chiếu.
Đà bán tháo lan rộng sang nhiều nhóm cổ phiếu như ngân hàng, chứng khoán, hàng không, bất động sản. Nhóm penny thu hút dòng tiền đầu cơ trong các phiên trước cũng quay đầu giảm sâu. Trong khi đó, một số cổ phiếu ngược dòng tăng giá như PWA, HVH, IDJ.
Thanh khoản thị trường đạt 5.869 tỉ đồng, giảm nhẹ so phiên giao dịch trước đó do lực cầu tại nhiều mã đã cạn kiệt. Giao dịch thỏa thuận trên HOSE đóng góp hơn 1.639 tỉ đồng vào thanh khoản toàn thị trường.
Tính đến 14h00, VN-Index giảm 45,41 điểm (6,4%) xuống 664,32 điểm; HNX-Index giảm 5,1% xuống 96,6 điểm; UPCoM-Index giảm 4,45% xuống 47,63 điểm.
Nhóm VN30 ghi nhận 4 mã chìm trong sắc đỏ, trong khi 26 mã giảm sàn. Nhiều cổ phiếu bị chất bán giá sàn hàng triệu đơn vị như CTG, MBB, ROS, STB, VPB, VRE, HPG, POW.
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 42,55 điểm (6%) xuống 667,18 điểm; HNX-Index giảm 4% xuống 97,72 điểm; UPCoM-Index giảm 3,53% xuống 48,09 điểm.
Áp lực bán kéo dài đến hết phiên sáng khiến các chỉ số tiếp tục giảm sâu. Thị trường chìm trong sắc đỏ và xanh sàn với 593 mã giảm giá, trong đó có tới 191 mã giảm sàn. Riêng nhóm VN30 chứng kiến 19 mã giảm sàn, đà bán tháo tập trung tại cổ phiếu ngân hàng, bán lẻ và họ Vingroup.
Nhóm dầu khí đồng loạt lao dốc sau khi giá dầu giảm thêm 6%. Cổ phiếu BSR giảm sàn (14,3%), tiếp tục dò đáy mới tại 5.400 đồng/cp. Các nhóm chứng khoán, dệt may, bảo hiểm, cảng biển, bất động sản nhìn chung đều giảm sâu.
Thanh khoản thị trường trong phiên sáng ghi nhận 245,3 triệu đơn vị giao dịch, tương ứng giá trị 3.261 tỉ đồng, trong đó giao dịch giao dịch thỏa thuận trên HOSE đạt 537,2 tỉ đồng.
Tính đến 10h50, VN-Index giảm 41,35 điểm (5,83%) xuống 668,38 điểm; HNX-Index giảm 3,96% xuống 97,78 điểm; UPCoM-Index giảm 2,97% xuống 48,37 điểm.
Toàn thị trường chứng kiến 163 mã giảm sàn. Trong nhóm VN30, các cổ phiếu họ Vingroup và các mã bán lẻ PNJ, MWG dư bán sàn hàng trăm nghìn đơn vị.
Cổ phiếu "họ FLC" đồng loạt giảm sâu, đáng chú ý bộ đôi AMD, HAI mất thanh khoản khi chỉ khớp lệnh dưới 100.000 đơn vị, trong khi khối lượng dư bán sàn lên tới hơn 13 triệu đơn vị.
Tính đến 9h30, VN-Index giảm 34,46 điểm (4,86%) xuống 675,27 điểm; HNX-Index giảm 2,92% xuống 98,82 điểm; UPCoM-Index giảm 1,69% xuống 49,01 điểm.
Ngay từ khi mở cửa phiên giao dịch đầu tuần (23/3), thị trường chứng khoán lại tiếp tục lao dốc sau khi Việt Nam ghi nhận thêm những ca nhiễm mới dịch COVID-19.
VN-Index mất thêm hơn 34 điểm và rơi về vùng giá thấp nhất kể từ đầu năm 2017, thổi bay mọi thành quả tăng giá trong hai năm 2017 và 2018. Trong khi đó, HNX-Index rơi khỏi mốc 100 điểm và UPCoM-Index rơi khỏi mốc 50 điểm.
Thị trường bị sắc đỏ chi phối với 429 mã giảm giá, áp đảo so với 84 mã tăng giá. Nhóm VN30 chìm trong sắc đỏ, thậm chí các cổ phiếu "họ Vingroup" VRE, VIC, VHM và nhóm ngân hàng HDB, VCB, VPB, BID, CTG đồng loạt giảm sàn. Các cổ phiếu SAB, EIB, NVL cho thấy lực đỡ khá tốt với mức giảm dưới 1%.
Cổ phiếu "họ FLC" tiếp tục chịu áp lực bán với nhiều mã giảm sàn như AMD, HAI, ART, ROS; riêng KLF ngược dòng tăng 5%. Các nhóm chứng khoán, bất động sản, dầu khí, dệt may, khu công nghiệp nhìn chung đều giao dịch kém tích cực.
Trong tuần này, một số doanh nghiệp sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 như Tập đoàn Hóa chất Đức Giang, Ống thép Việt Đức, PNJ, Traphaco, Sợi Thế Kỷ, Nhựa An Phát Xanh, Haxaco, Đường Quãng Ngãi, ...
Thị trường chứng khoán Mỹ phiên cuối tuần trước khởi sắc đầu phiên nhưng lại quay đầu giảm sâu khi nhà đầu tư thêm lo sợ thiệt hại kinh tế từ đại dịch COVID-19 tại Mỹ. Các tuyên bố kích thích kinh tế dường như chưa đủ để làm yên lòng thị trường.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 913 điểm, tương đương 4,55% và đóng cửa ở 19.174 điểm. Tính chung cả tuần qua, Dow Jones sụt hơn 17%, S&P 500 mất hơn 13% còn Nasdaq Composite cũng giảm 12,6%. Đây là tuần sụt giảm mạnh nhất đối với cả ba chỉ số kể từ năm 2008. Tuần trước, S&P 500 đã mất 11,5%.
Chỉ số S&P 500 cũng đảo chiều chuyển từ xanh sang đỏ và mất 4,34%, kết phiên ở 2.305 điểm. Nasdaq Composite đầu phiên có lúc tăng hơn 2% nhưng cuối cùng ghi nhận mức giảm 3,8%, đóng cửa ở 6.880 điểm.