|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Thép Việt Ý dự kiến lỗ năm thứ ba liên tiếp

16:07 | 11/05/2020
Chia sẻ
Giai đoạn 2018-2019, Thép Việt Ý lần lượt báo lỗ 326 tỉ đồng và 214 tỉ đồng. Năm nay, công ty dự kiến tiếp tục ghi nhận khoản lỗ 66 tỉ đồng.
Thép Việt Ý đặt mục tiêu lỗ năm thứ ba liên tiếp, cổ phiếu có thể bị hủy niêm yết - Ảnh 1.

Ảnh: Báo đầu tư

Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên được công bố mới đây, CTCP Thép Việt Ý (Mã: VIS)  lên kế hoạch sản xuất 329.550 tấn phôi và 322.300 tấn thép, tương ứng giảm 5% và 4% so với năm 2019. Bên cạnh đó, lượng thép tiêu thụ ước đạt 322.300 tấn, giảm 4%, giá trị sản xuất công nghiệp giảm 21% còn 3.998 tỉ đồng.

Công ty đặt mục tiêu doanh thu năm 2020 đạt 3.634 tỉ đồng, giảm 21% so với thực hiện năm 2019; lỗ gần 66 tỉ đồng, trong khi năm 2019 ghi nhận mức lỗ 214 tỉ đồng.

Giai đoạn 2018-2019, Thép Việt Ý lần lượt ghi nhận khoản lỗ 326 tỉ đồng và 214 tỉ đồng. Như vậy, nếu năm 2020 tiếp tục lỗ theo kế hoạch đề ra thì công ty sẽ lỗ liên tiếp 3 năm và cổ phiếu VIS sẽ thuộc diện hủy niêm yết bắt buộc trên HOSE.

Thép Việt Ý đặt mục tiêu tiếp tục lỗ, có khả năng bị hủy niêm yết - Ảnh 1.

(Nguồn: Thanh Tùng tổng hợp)

Theo đánh giá của ban lãnh đạo Thép Việt Ý, những thuận lợi trong năm nay bao gồm nhu cầu thép được dự báo duy trì khả quan và triển vọng tăng 1,7% trên toàn cầu, đầu tư vào xây dựng nhà ở và thương mại được tiếp tục hỗ trợ bởi các khoản đầu tư nước ngoài cao...

Bên cạnh đó, công ty đang có lợi thế vì có được sự ủng hộ của nhà phân phối Thái Hưng, Đất Việt, Y-Vestment và Trường Phát - những nhà phân phối có tiềm lực mạnh về vận tải, dự án và hệ thống khách hàng cấp 2, cấp 3.

Tuy nhiên, Ban lãnh đạo VIS cũng cho biết, dịch COVID-19 có thể gây ra tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.

Ngoài ra sản lượng khoảng 322 nghìn tấn/năm của VIS sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường dẫn đến tình trạng thường xuyên thiếu hàng cục bộ. Cùng với dự báo giá điện có thể tăng từ 3% đến 5% trong nửa cuối năm 2020 do sản lượng giảm sẽ làm gia tăng chi phí sản xuất của VIS.

Tại đại hội, Ban lãnh đạo VIS cũng sẽ xin ý kiến cổ đông về thay đổi mục đích sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cho cổ đông hiện hữu năm 2017. Cụ thể, với số vốn chưa sử dụng hết gần 340 tỉ đồng, HĐQT công ty dự kiến chi bổ sung vốn lưu động phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, HĐQT VIS cũng trình đại hội thông qua phương án bầu bổ sung 4 thành viên HĐQT và 2 thành viên Ban kiểm soát cho nhiệm kì 2020 - 2025; sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty...

Thanh Tùng