Thêm một ngân hàng muốn phát hành trái phiếu quốc tế, niêm yết tại thị trường nước ngoài
Ảnh minh họa (Nguồn: SHB)
Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (HNX: SHB) vừa chốt ngày 15/8 là ngày đăng kí cuối cùng lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về phương án chào bán trái phiếu quốc tế và niêm yết tại sở giao dịch chứng khoán nước ngoài.
Trước SHB, có hai ngân hàng khác cũng công bố kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế là SHB và VPBank.
Trong đó, VPBank dự kiến phát hành tối đa 1 tỉ USD trái phiếu quốc tế theo chương trình Euro Medium Term Note và 120 triệu USD trái phiếu doanh nghiệp xanh (Green Bond). TPBank cũng đã lên kế hoạch phát hành 200 triệu USD trái phiếu quốc tế nhằm tăng vốn cấp 2 trong năm 2019.
Mới đây, VPBank cũng đã huy động thành công 300 triệu USD (tương đương hơn 7.100 tỉ đồng) thông qua phát hành trái phiếu quốc tế kì hạn 3 năm dưới sự tư vấn của các tổ chức danh tiếng là BNP Paribas, JP Morgan và Standard Chartered.
Trái phiếu VPBank có lãi suất danh nghĩa 6,25%/năm và được phân phối cho các nhà đầu tư châu Á và châu Âu, với tỷ lệ lần lượt là 52% và 48%.
Theo các chuyên gia, xu hướng phát hành trái phiếu của các ngân hàng xuất phát từ nhu cầu tăng vốn trở nên cấp bách hơn bao giờ hết trong năm 2019, khi thời điểm áp dụng Basel II đến gần. Trong khi đó, bất chấp nhiều nỗ lực, vốn tự có của các ngân hàng gần như không có sự thay đổi đáng kể thời gian qua.
Bên cạnh nhu cầu nội tại, hiện hoạt động phát hành trái phiếu quốc tế của các ngân hàng cũng đang được hỗ trợ khi lợi suất trái phiếu trên toàn cầu đang xuống thấp kỉ lục.
Theo ông Alwaleed Alatabanni, Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế Giới (WB) tại Việt Nam, lãi suất thị trường trái phiếu toàn cầu đang ở mức thấp do đó tại các thị trường cận biên như Việt Nam, các doanh nghiệp các xếp hạng tín nhiệm tốt sẽ có sức hút đặc biệt đối với các nhà đầu tư quốc tế.
Theo cập nhật mới nhất, lợi tức trái phiếu kho bạc 10 năm của Mỹ hiện đang dao động quanh khoảng 2%/năm (vùng thấp nhất kể từ năm cuối năm 2016) khi giới đầu tư kì vọng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất cơ bản lần đầu tiên trong hơn một thập kỉ trong cuộc họp chính sách tháng 7.
Lợi tức trái phiếu kho bạc 10 năm của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuối năm 2016 đến nay (Nguồn: CNBC)