|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Thêm một dữ liệu lạm phát hạ nhiệt, chứng khoán Mỹ lập chuỗi tăng điểm 4 phiên

07:11 | 14/07/2023
Chia sẻ
Trong phiên giao dịch ngày 13/7, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều kéo dài chuỗi tăng điểm khi một chỉ số lạm phát quan trọng khác có kết quả thấp hơn dự kiến.

Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 13/7, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 48 điểm, tương đương 0,14% và đóng cửa ở mức 34.395 điểm. Chỉ số S&P 500 nhích thêm 0,85%, chốt phiên với 4.510 điểm. Trong khi đó, chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tăng 1,58%, lên mức 14.139 điểm.

Dow Jones đang có chuỗi tăng điểm kéo dài 4 ngày.

Cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đang trong chuỗi tăng điểm kéo dài 4 ngày. S&P 500 và Nasdaq Composite tiếp tục phá đỉnh của năm 2023 và đang ở ngưỡng cao nhất kể từ tháng 4/2022.

Chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 6 tăng ít hơn kỳ vọng của các nhà kinh tế. So cùng kỳ năm trước, PPI tháng 6 chỉ đi lên 0,1%. Các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Dow Jones từng kỳ vọng mức tăng 0,2%. PPI lõi, không tính đến biến động của giá thực phẩm và năng lượng, cũng chỉ nhích 0,1%, thấp hơn dự báo.

Cả lạm phát giá sản xuất và lạm phát giá tiêu dùng của Mỹ đều đang giảm nhanh chóng trong những tháng vừa qua.

Ông Mike Loewengart, quản lý cấp cao tại Morgan Stanley, nhận xét: “Sau chỉ số CPI, PPI xác nhận quan điểm rằng lạm phát đã hạ nhiệt. Tuy nhiên, số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần thấp hơn dự kiến là một lời nhắc nhở rằng tình trạng thắt chặt trong thị trường lao động vẫn tiếp diễn”.

Ông Loewengart nói tiếp: “Hiện tại, lộ trình đã được vạch ra: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn đang trên đà tăng lãi suất trong hai tuần tới và các nhà đầu tư sẽ chuyển sự quan tâm sang bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh bắt đầu”.

 S&P 500 đang cách mức đỉnh của năm 2022 khoảng 6% nữa. 

Theo ông Peter Essele, người đứng đầu bộ phận quản lý danh mục đầu tư của Commonwealth Financial Network, dữ liệu lạm phát gần đây chỉ ra rằng nền kinh tế Mỹ vẫn đang rất mạnh mẽ, có thể thúc đẩy S&P 500 phá vỡ ngưỡng 5.000 điểm vào cuối năm 2023. 

Việc PPI và CPI cùng hạ nhiệt báo hiệu cho ông Essele rằng S&P 500 có thể tiếp tục tiến lên. Để lên ngưỡng 5.000 điểm, S&P sẽ cần tăng thêm khoảng 11% so với mức chốt phiên hôm 13/7. Kể từ đầu năm đến nay, chỉ số này đã đi lên khoảng 18%.

Ông Tom Lee, nhà sáng lập và trưởng bộ phận nghiên cứu tại Fundstrat Global Advisors, cho rằng S&P 500 có thể sớm đạt được kỷ lục mới, với một điều kiện. 

“Nhiều người tin rằng suy thoái kinh tế sắp xảy ra. Tôi cho rằng mùa báo cáo thu nhập trong vài tuần tới sẽ cho chúng ta thêm thông tin”, ông Lee nói. “Nếu một cuộc suy thoái vẫn còn xa, thì tôi nghĩ rằng rất nhiều người sẽ ở trạng thái lạc quan. [Tâm lý này] sẽ đẩy thị trường lên mức cao nhất mọi thời đại”. 

 

Minh Quang

Liên tục tăng trưởng, FDI có trở thành 'cứu cánh' cho nền kinh tế năm nay?
Trong tháng 4, lượng vốn FDI và số dự án đầu tư mới đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Xu hướng tích cực của dòng vốn FDI được kỳ vọng sẽ trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng, "cứu cánh" cho nền kinh tế trong bối cảnh đầu tư công chậm lại và đầu tư tư nhân vẫn ở mức rất thấp.