|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lạm phát xuống còn 3%, S&P 500 và Nasdaq cùng nhau phá đỉnh

07:17 | 13/07/2023
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ vọt tăng vào ngày 12/7 sau khi số liệu mới công bố mở ra hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể kìm hãm lạm phát mà không đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 12/7, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã tăng 86 điểm, tương đương 0,25%, đóng cửa ở mức 34.347. Chỉ số S&P 500 nhích 0,74% lên 4.472 điểm.

Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tăng 1,15%, chốt phiên với 13.919 điểm. Trong phiên hôm qua, cả S&P 500 và Nasdaq Composite đều đã chạm đỉnh kể từ tháng 4/2022. 

Nasdaq và S&P 500 đã lên mức cao nhất trong vòng 15 tháng.

Cổ phiếu ngân hàng đã nhảy vọt trong phiên giao dịch. Citigroup và Goldman Sachs lần lượt nhích 1,8% và 1,7%. Các ngân hàng khu vực cũng đi lên, trong đó Comerica tăng 3,1% và Zions Bancorporation đi lên 2,8%. 

Báo cáo của Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS) cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhà kinh tế được Dow Jones khảo sát từng kỳ vọng mức tăng 3,1%.

So với tháng liền trước, CPI tăng 0,2%, thấp hơn dự báo. Ngoài ra, CPI lõi - không tính đến biến động của lương thực và năng lượng - cũng chỉ tăng 4,8%, thấp hơn dự báo là 5%.

 

Bà Megan Horneman, Giám đốc đầu tư của Verdence Capital Advisors, nhận định: “Lạm phát đang diễn biến theo hướng mà Fed mong muốn. Nhưng tôi không nghĩ rằng Fed đã sẵn sàng để cắt giảm lãi suất”.

“Có ba nhóm lạm phát mà Fed đang theo dõi sát sao: lạm phát dịch vụ, lạm phát tiền lương và lạm phát nhà ở. Cả ba lĩnh vực này đang đi xuống, nhưng vẫn cao một cách khó chịu”, bà Horneman nói thêm.

Ông Steve Sosnick, chiến lược gia trưởng tại Interactive Brokers, cho biết kết quả lý tưởng cho thị trường chứng khoán trong chu kỳ thắt chặt của Fed đang xuất hiện. 

"Vẫn còn phải chờ đợi kết quả cuối cùng, nhưng hiện nay, thật khó để phủ nhận rằng chúng ta đang có được kết quả trong mơ khi chính sách tiền tệ giúp giảm lạm phát... mà không gây suy thoái", ông Sosnick nói với CNBC.

"Chúng tôi sẽ xem liệu các con số khác có ủng hộ quan điểm này hay không, nhưng ở thời điểm hiện tại, thật khó để ngăn cản sự hưng phấn của thị trường", vị chuyên gia bày tỏ.

 

Dữ liệu tháng 6 về chỉ số giá sản xuất (PPI) sẽ được công bố vào ngày hôm nay (13/7) trước khi phiên giao dịch bắt đầu. Cả hai chỉ số CPI và PPI đều đang được theo dõi chặt chẽ. Các nhà đầu tư cho rằng những chỉ số này sẽ báo hiệu phương hướng lãi suất của Fed trong tương lai.

Theo công cụ FedWatch của CME Group, thị trường đang kỳ vọng Fed tăng lãi suất 25 điểm cơ bản (bps) trong cuộc họp tháng 7, xác suất lên tới 94,2%. Tuy nhiên, dữ liệu lạm phát khả quan đã khiến thị trường bớt chắc chắn vào kết quả cuộc họp tháng 9.

Hiện tại, xác suất Fed nâng lãi suất thêm 25 bps trong cuộc họp tháng 9 đã giảm xuống chỉ còn 13,2%, từ mức 22,3% của ngày 11/7 và 18,1% một tuần trước.

 

Minh Quang

Liên tục tăng trưởng, FDI có trở thành 'trụ cột' cho nền kinh tế năm nay?
Trong tháng 4, lượng vốn FDI và số dự án đầu tư mới đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Xu hướng tích cực của dòng vốn FDI được kỳ vọng sẽ trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng, là 'trụ cột' quan trọng cho nền kinh tế trong bối cảnh đầu tư công chậm lại và đầu tư tư nhân vẫn ở mức rất thấp.