|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lạm phát từ kẻ thù trở thành bạn tốt của thị trường chứng khoán Mỹ

10:31 | 12/07/2023
Chia sẻ
Nếu lạm phát hạ nhiệt và nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng, đây sẽ là kịch bản có lợi đối với giá cổ phiếu.

Nhà đầu tư trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ. (Ảnh: Getty Images). 

Cơ hội vàng

Hơn một năm trước, lạm phát là động lực lớn nhất cho những tay bán khống đặt cược rằng thị trường chứng khoán Mỹ sẽ lao dốc. Nhưng giờ, lạm phát đang trở thành lời giải thích phù hợp cho những người kỳ vọng đà phục hồi của thị trường sẽ tiếp diễn.

Tháng 6/2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng kỷ lục 9,1% so với cùng kỳ năm trước. Kể từ đó, CPI đã đi xuống khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng mạnh lãi suất.

Các nhà kinh tế dự đoán rằng xu hướng này sẽ tiếp tục và lạm phát giá tiêu dùng tháng 6 sẽ chỉ đạt 3,1% - mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021.

Sự hạ nhiệt của lạm phát đã hỗ trợ cho đà tăng của thị trường chứng khoán Mỹ trong năm nay, bởi nó ủng hộ suy đoán rằng Fed đã gần xong việc, dù các quan chức vẫn cần phải tăng lãi suất thêm vài lần nữa.

Lịch sử dường như cũng đứng về những người lạc quan. Kể từ thập niên 1950, sau khi lạm phát lập đỉnh, gần như lúc nào giá chứng khoán Mỹ cũng tăng hai chữ số, theo dữ liệu được tổng hợp bởi Leuthold Group.

Ông Adam Sarhan, người sáng lập công ty đầu tư 50 Park Investments, nhận xét: “Có vẻ Fed đang giành chiến thắng trước lạm phát. Công ty chúng tôi sẽ tiếp tục giao dịch như thể chúng ta đang ở trong một thị trường giá lên mới cho đến khi bất kỳ dấu hiệu đáng ngại nào xuất hiện.

Tôi sẽ không bán ra mà không có lý do hợp lý. Miễn là lạm phát không phải mối nguy lớn và Fed không thay đổi lập trường về lãi suất, thì đây chính là cơ hội vàng để mua cổ phiếu”.

 

Chỉ số S&P 500 đã tăng khoảng 15% kể từ tháng 7/2022. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq 100 nhảy vọt 40% kể từ đáy thiết lập vào năm ngoái, một phần là nhờ sự hứng khởi của nhà đầu tư với các tiến bộ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Tuy nhiên, theo tờ Bloomberg, động lực chính của thị trường là niềm hy vọng rằng lạm phát hạ nhiệt sẽ cho phép Fed khép lại chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ.

Các nhà đầu tư đang chờ đợi báo cáo CPI được công bố trong tuần này để đưa ra được dự đoán tốt hơn về lộ trình lãi suất của Fed. Dữ liệu lạm phát sẽ quyết định diễn biến của chứng khoán Mỹ cho đến khi Fed ra quyết định lãi suất tiếp theo vào ngày 26/7 và buổi họp báo sau đó của Chủ tịch Jerome Powell.

Cung tiền M2 sụt giảm 

Thị trường chứng khoán Mỹ vẫn còn không ít rủi ro, và trong năm nay các nhà đầu tư đã nhiều lần đẩy lùi dự đoán về đỉnh lãi suất trong bối cảnh nền kinh tế vững mạnh hơn dự kiến.

Nhiều chuyên gia Phố Wall vẫn đang duy trì quan điểm tiêu cực, dự kiến chứng khoán sẽ đi xuống trong nửa cuối năm nay.

Thêm nữa, tốc độ tăng trưởng tiền lương cao hơn dự kiến trong tháng 6 nhiều khả năng sẽ khiến Fed quyết định tăng lãi suất trong tháng này. Các nhà đầu tư cũng cho rằng khả năng cao là sau đó Fed sẽ tung ra thêm một đợt tăng lãi suất nữa.

Do đó, bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy lạm phát cao vẫn còn ngoan cố cũng có thể gây áp lực lên thị trường, đặc biệt là nhóm cổ phiếu công nghệ có định giá cao.

 

Tuy nhiên, các chuyên gia tại Wells Fargo Securities nói rằng lịch sử cho thấy công cuộc thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed sẽ tiếp tục kìm hãm được lạm phát.

Các chuyên gia chỉ ra mối tương quan chặt chẽ giữa những thay đổi trong giá tiêu dùng và cung tiền M2. Cung tiền M2 đang bị thu hẹp và điều này nhiều khả năng sẽ khiến lạm phát đi xuống thông qua việc làm giảm nhu cầu trong nền kinh tế.

Ông Chris Harvey, Giám đốc chiến lược đầu tư cổ phiếu tại Wells Fargo, cho biết: “Thanh khoản tăng gắn liền với việc lạm phát đi lên và ngược lại. M2 đã sụt giảm trong hơn một năm và vẫn đang đi xuống, dù với tốc độ chậm hơn. Nếu nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng và lạm phát hạ nhiệt, thì đó sẽ là môi trường tích cực với cổ phiếu”.

Giang