|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thêm một công ty Việt vừa 'đốt tiền' nhảy vào nền tảng gọi xe

14:10 | 29/06/2024
Chia sẻ
Nền tảng gọi xe công nghệ Cudidi (Cứ đi đi) vừa gia nhập thị trường và tạo được sự chú ý với slogan: "Miễn phí cho tài xế".

Mới đây, chúng tôi đã có cơ hội trò chuyện cùng ông Nguyễn Trọng Cư - Tổng Giám đốc CTCP DVKT C&U Việt Nam. Đây là đơn vị vận hành nền tảng gọi xe công nghệ Cudidi (Cứ đi đi) - một tân binh vừa gia nhập thị trường ứng dụng gọi xe và tỏ rõ tham vọng giành thị phần của những tên tuổi như Grab, Be, Gojek...

"Chỉ trong 5 năm nữa, chúng tôi sẽ giành lấy được thị trường này", vị CEO 46 tuổi tự tin. Theo ông Cư, Cudidi cạnh tranh bằng triết lý "ngon - bổ - rẻ". Theo giới thiệu Cudidi được xây dựng trên nền tảng công nghệ hoàn toàn Việt Nam, sử dụng hạ tầng công nghệ từ Viettel IDC nhằm kết nối trực tiếp tài xế với khách hàng để tối ưu chi phí.

Điểm nổi bật khác của Cudidi là không thu phí tài xế. Tài xế tham gia nền tảng không phải nộp bất cứ khoản phí nào trừ 10% thuế nộp trực tiếp cho hợp tác xã nơi đăng ký kinh doanh. "So với mức phí từ 30-35% dành cho tài xế của nhiều đối thủ trên thị trường, chúng tôi hoàn toàn tự tin với chính sách của mình: Miễn phí cho tài xế, giá rẻ cho người dùng", CEO Cudidi nói. 

 Ông Nguyễn Trọng Cư tại buổi họp báo ra mắt dịch vụ gọi xe Cudidi. (Ảnh: C&U Việt Nam).

Giá cước taxi của Cudidi công bố là 25.500 đồng/hai km đầu tiên. Từ km thứ ba trở đi, giá là 8.500 đồng/km. Với xe máy, giá cước là 10.500 đồng/hai km đầu tiên và 3.500 đồng/km từ km thứ ba trở đi. Mức giá trên được doanh nghiệp áp dụng cố định trong toàn bộ khung giờ, không phân biệt cao điểm, trời mưa hay lễ tết. Ngoài ra, khách đặt xe sẽ nhận gói bảo hiểm tai nạn miễn phí.

Vị tổng giám đốc khẳng định không tham gia cuộc chơi "đốt tiền" ưu đãi như các đối thủ trong ngành. "Đây là mức giá rẻ nhất thị trường hiện tại nên việc áp dụng thêm khuyến mãi là không thể", ông Cư giải thích.

Người đứng đầu Cudidi thừa nhận yếu tố miễn phí của nền tảng tạo ra những hoài nghi bởi nhiều công ty công nghệ lớn trong mảng gọi xe hiện nay vẫn chưa có lãi. "Tôi hiểu điều đó. Có nhiều ý kiến tiêu cực còn bảo tôi lùa gà, lừa đảo", ông nói.

Ở tuổi 46, có 18 năm kinh nghiệm trong ngành hàng hải, ông Cư thừa nhận bản thân không phải là dân công nghệ. Ông không có tài khoản mạng xã hội nhưng vẫn cố gắng tìm các bản tin nói về Cudidi trên nền tảng chia sẻ video ngắn TikTok, lắng nghe dư luận nói gì về sản phẩm mà ông vừa mang tới thị trường.

CEO Nguyễn Trọng Cư thẳng thắn: "Cudidi không khai thác phí từ tài xế bởi ý tưởng ban đầu của chúng tôi khi đầu tư vào dự án này là tạo ra sân chơi mới cho anh em lái xe, giúp họ cải thiện thu nhập và nhận được thù lao xứng đáng".

Dự án được triển khai từ tháng 4/2023 và đến tháng 6/2024, Cudidi chính thức ra mắt. Dù không tiết lộ chi tiết nhưng ông Cư cho biết mức đầu tư ban đầu mà hội đồng quản trị C&U dành cho dự án này chỉ dừng ở con số chục tỷ đồng.

 Bên trong trụ sở của C&U Việt Nam, nơi đang giải quyết hồ sơ cho ứng dụng gọi xe Cudidi. (Ảnh: Thành Vũ).

"Cudidi tạo ra hệ sinh thái gồm ba chân kiềng là dịch vụ sửa chữa - bảo hành xe, bảo hiểm và ngân hàng. Chúng tôi khai thác hoa hồng từ các đối tác trong lĩnh vực này, mang tới khách hàng cho họ. Từ đó, Cudidi có nguồn thu để duy trì hoạt động vận hành. Tôi đã tính toán rất kỹ cho khoản đầu tư này để đảm bảo rằng Cudidi vẫn có thể sống tốt giữa một rừng các đối thủ cạnh tranh", CEO Cudidi nói.

Ông nói thêm: "Dự án này theo đuổi một lý tưởng mà chúng tôi luôn hướng tới. Đó là vì nhân dân phục vụ. Bản thân tôi đi lên từ hai bàn tay trắng, từng phải lăn lộn rất nhiều nghề để mưu sinh trước khi có được vị trí như hiện tại. Tôi thấu hiểu sự khó khăn của cánh tài xế khi nhiều nền tảng công nghệ thu phí quá nhiều trên mỗi cuốc xe, làm như vậy thì tài xế phải trang trải như thế nào để nuôi vợ con của họ?"

Theo đánh giá của vị CEO, kết quả ban đầu nhận được khá tích cực. Trong vòng ba ngày đầu, hãng đã nhận được khoảng 4.000 hồ sơ đăng ký tài xế, gồm cả xe máy và ô tô. "Nhiều quá, đơn đăng ký xếp hàng dài mà chúng tôi chưa thể duyệt kịp", ông Cư nói.

Nhằm duy trì vị thế giá rẻ, Cudidi đã lược giản bộ máy nhân sự. Hiện tại, hãng chỉ có khoảng 30 nhân viên, phục vụ giải quyết hồ sơ, hướng dẫn tài xế đăng ký và giải đáp các vấn đề khách hàng liên quan. Về hạ tầng công nghệ, Cudidi hợp tác với Viettel IDC và để "ông lớn" này vận hành toàn bộ.

"Chúng tôi đầu tư vì lợi ích của người Việt. Cudidi có thể thất bại, nhưng điều quan trọng là chúng tôi đã dám tạo ra một thứ gì đó vì cộng đồng," ông Cư chia sẻ.

Vị lãnh đạo cho biết Cudidi không yêu cầu tài xế phải mua đồng phục, nếu họ có nhu cầu thì sẽ được mua với giá gốc. Ngoài ra, tài xế tham gia nền tảng sẽ nhận sẽ nhận 500.000 đồng khi bảo dưỡng xe, đối với lái xe ô tô vượt qua mốc 300 chuyến/tháng. Với tài xế xe máy đạt 400 chuyến/tháng, ứng dụng sẽ hỗ trợ 100.000 đồng chi phí bảo dưỡng hoặc tặng dầu động cơ. Tài xế cũng có thể được ký hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm nếu có nguyện vọng.

Thành Vũ