|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chảy máu doanh thu trên các nền tảng gọi xe công nghệ

14:58 | 29/06/2023
Chia sẻ
Các hãng gọi xe công nghệ phổ biến như Grab, Gojek, Be,… đang phải đối mặt với tình trạng hoạt động ngoài nền tảng của đối tác tài xế. Hành vi xấu này có thể khiến nền tảng giảm doanh thu, mất khách hàng.

Vào một sáng cuối tuần, trên màn hình smartphone của Hữu Minh - một tài xế taxi công nghệ ở Hà Nội, nhận được thông báo có cuốc xe gần 70 km đi về Nam Định - một tỉnh nằm ở phía Nam Thủ đô.

Cuốc xe có mức phí 900.000 đồng. Tuy nhiên, thay vì nhận chuyến đi, Minh đã chụp lại màn hình thông tin chi tiết của khách hàng, sau đó dùng số điện thoại di động riêng để gọi cho khách.

“Mình là tài xế xe bạn vừa đặt. Nhờ bạn huỷ chuyến đi giúp. Mình có thể chở bạn từ Hà Nội về Nam Định, với mức giá 700.000 đồng”, người tài xế thương lượng. Khách hàng bị cám dỗ bởi mức chi phí rẻ bất ngờ, đã nhanh chóng đồng ý.

Hữu Minh (đã đổi tên) tham gia vào nền tảng taxi công nghệ được hơn 5 năm nay. Theo lời kể, trước đó anh có kinh nghiệm chục năm làm nhân viên lái xe cứu thương trên các tỉnh miền núi phía Bắc. Anh là một trong rất nhiều tài xế công nghệ khác đang lén lút hoạt động ngoài nền tảng.

 Một tài xế đang đợi đơn hàng. (Ảnh minh hoạ: Đức Huy).

Các tài xế cho biết, họ sử dụng ứng dụng gọi xe để tìm kiếm khách hàng, nhưng với những khách đi đường dài, họ gợi ý đặt chuyến ngoài nền tảng để tránh phải cắt phí hoa hồng (chiết khấu) cho các công ty vận hành, đồng thời tăng thu nhập. 

“Những người tài xế như mình giờ rất khó khăn. Ngày càng có nhiều tài xế tham gia, cơ hội nhận cuốc xe ít đi, chi phí xăng xe nhiên liệu cao hơn, chiết khấu cao. Vậy nên mỗi chuyến xe không kiếm được là bao, càng chạy càng lỗ”, Minh kể.

Theo Bộ Giao thông vận tải, sau nhiều năm phát triển, thị trường gọi xe trực tuyến tại Việt Nam đã có sự tham gia của khoảng 20 nền tảng khác nhau. Hiện có khoảng 67.000 xe taxi, 90.000 xe hợp đồng đã đăng ký kinh doanh và được cấp phù hiệu.

Báo cáo của Q&Me công bố vào tháng 6/2021 cho thấy đối với ô tô, thị phần của Grab áp đảo với 66%, Be chiếm 22% và phần còn lại chia cho các ứng dụng khác. Với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các nền tảng và chi phí ngày một tăng, các tài xế như Minh cảm thấy “khó thở”.

Bên cạnh đó, các hãng gọi xe đã tung ra nhiều chương trình như giảm giá cước cho khách hàng, đưa ra những lựa chọn gọi xe giá rẻ để thúc đẩy tăng trưởng người dùng. Chẳng hạn, gần đây Grab triển khai chương trình cho phép khách hàng đặt xe với chi phí tiết kiệm hơn, sau thử nghiệm ban đầu tại Đà Nẵng. 

Điều này làm giảm chi phí chuyến đi, giảm áp lực kinh tế cho người dùng nhưng cũng đồng thời làm giảm số tiền mà các tài xế kiếm được. Tình hình còn khó khăn hơn khi theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản 6 tháng đầu năm tăng 4,74% so với cùng kỳ, giá cả nhiên liệu đều tăng so với giai đoạn trước đó.

Theo số liệu từ tháng 7 năm ngoái mà tờ Pháp luật TP HCM tổng hợp được, mức chiết khấu của Grab là 27% đối với xe máy và ô tô hơn 31%. Gojek Việt Nam có mức chiết khấu với xe máy là 20%, ô tô là 25%. Be Group có mức chiết khấu trung bình cho cả hai loại phương tiện là hơn 25%.

Update: Phía Grab Việt Nam cho biết hiện tại, theo doanh thu chia sẻ thì mức chiết khấu với xe máy là 20% và từ 20% đến 25% đối với ô tô. Con số chiết khấu 27,273% kể trên đã bao gồm các loại thuế và phí.

 Bên trong một cuốc xe công nghệ. (Ảnh: Đức Huy).

Trao đổi với người viết, các tài xế nói rằng những chuyến đi đường dài không phải chạy thông qua app (ứng dụng) sẽ nhận được nhiều tiền hơn. Lý do vì không phải chia chiết khấu cho nền tảng, ngoài ra khách hàng có xu hướng trả thêm tiền nếu tài xế nhiệt tình, thân thiện và có thể trở thành khách hàng thân quen.

“Có nhiều khách đi quen xe rồi thì sau họ sẽ gọi trực tiếp cho mình để đặt luôn, không cần qua ứng dụng”, Xuân Trí, một tài xế công nghệ tại Hà Nội cho hay. Để tránh bị nền tảng phát hiện gian lận, những tài xế này thường gọi cho khách trước để huỷ chuyến bằng một số điện thoại khác, hoặc tắt định vị GPS để tới đón khách, hoặc hẹn khách ở cách xa điểm đón.

Trao đổi với chúng tôi, phía Grab Việt Nam thừa nhận có hiện tượng này. Song, đại diện Grab cho hay hiện tượng này chỉ xảy ra thường xuyên trong những năm đầu hoạt động tại Việt Nam. Theo thời gian, nhận thức của tài xế và khách hàng được nâng lên, tình trạng đặt xe ngoài nền tảng đã giảm hẳn.

"Đối với các tài xế vi phạm, chúng tôi sẽ có hình thức xử lý phù hợp, bao gồm tạm khóa ứng dụng, đào tạo lại, hoặc ngừng hợp tác vĩnh viễn.

Về phía hành khách, chúng tôi cũng xin lưu ý, những chuyến xe không được thực hiện thông qua ứng dụng Grab sẽ không được xem là đang sử dụng dịch vụ của Grab. Với những trường hợp này, chúng tôi sẽ không thể theo dõi hành trình và hỗ trợ xử lý nếu xảy ra sự cố.

Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi trong chuyến đi của mình, bao gồm cả bảo hiểm tai nạn cho cả đối tác tài xế và hành khách, chúng tôi khuyến khích hành khách luôn đặt xe và sử dụng dịch vụ thông qua ứng dụng Grab", đại diện hãng gọi xe nói.

Tương tự, đại diện Be Group khẳng định họ luôn có chế tài xử phạt đối với những tài xế có hành vi "huỷ chuyến" để trục lợi từ nền tảng và các quy định về ngưỡng vi phạm về tỷ lệ hủy chuyến dành cho tài xế. 

“Be áp dụng các hình thức từ nhắc nhở, cảnh cáo cho đến tạm khóa tài khoản và cuối cùng là ngừng hợp tác vĩnh viễn nếu tài xế vẫn cố tình vi phạm nhiều lần. Be cũng liên tục thưc hiện các biện pháp nhắc nhở tài xế và khách hàng về việc nên thực hiện các chuyến xe an toàn, văn minh thông qua dịch vụ trên nền tảng để đảm bảo lợi ích cho cả tài xế và khách hàng”, người này cho hay.

Be Group cảnh báo người dùng nên thực hiện các chuyến đi một cách đầy đủ và hợp lệ thông qua nền tảng để các bên tham gia sẽ được hưởng những lợi ích như an toàn, hỗ trợ bảo hiểm và y tế nếu xảy ra tai nạn, cũng như việc đảm bảo minh bạch về thông tin chuyến xe, tài xế và hành khách. 

 

Be áp dụng các hình thức từ nhắc nhở, cảnh cáo cho đến tạm khóa tài khoản và cuối cùng là ngừng hợp tác vĩnh viễn nếu tài xế vẫn cố tình vi phạm nhiều lần.

Đại diện Be Group

Trả lời câu hỏi qua mail, ứng dụng Gojek cho biết với nền tảng này, các hành vi như hủy chuyến để thực hiện chuyến đi riêng với khách hàng ngoài ứng dụng, hoặc hoặc hủy chuyến để trục lợi các chương trình hỗ trợ thuộc nhóm hành vi không được phép. Hình thức xử lý tùy theo mức độ nghiêm trọng, cao nhất là khóa vĩnh viễn tài khoản. 

“Gojek có hệ thống cơ sở dữ liệu đánh giá và phát hiện các trường hợp gian lận này. Chúng tôi cũng thường xuyên thông tin đến các đối tác tài xế về các hành động nên và không nên trong các buổi đào tạo, kênh thông tin và họp mặt định kỳ”, phía Gojek viết.

Gojek nói rằng việc tuân thủ cũng giúp đối tác tài xế đảm bảo hiệu suất hoạt động do hệ thống điều phối đơn hàng của Gojek hoạt động dựa trên nhiều thuật toán khác nhau, bao gồm hành vi thực hiện đơn hàng, đánh giá của khách hàng về đối tác tài xế,... 

“Do đó chúng tôi luôn khuyến khích các đối tác tài xế nhận và hoàn thành chuyến đi theo đúng quy trình của Gojek, tránh bỏ trôi hay hủy đơn để không ảnh hưởng đến hiệu suất, từ đó sẽ nhận được lượng đơn hàng ổn định và đều đặn hơn mỗi ngày”, công ty nêu.

Ngày càng có nhiều người gia nhập đội ngũ tài xế công nghệ, khách hàng thắt lưng buộc bụng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các hãng gọi xe vẫn đang trong trạng thái thua lỗ, đốt tiền để giành thị phần,… những điều này đã khiến khả năng kiếm tiền của tài xế công nghệ giảm hẳn so với trước.

Theo quan sát có thể thấy các hãng xe cũng hiểu được điều này. Do đó, trong thời gian qua họ cũng đã tăng cường các hoạt động hỗ trợ dành cho tài xế. Đơn cử, với Grab là các hoạt động trao tặng học bổng cho con em đối tác, cung cấp các gói tín dụng cho tài xế,…

Hay mới đây nhất, Gojek triển khai đội xe máy điện cho tài xế tại Việt Nam trong các dịch vụ chở khách, giao đồ ăn, giao hàng,… nhằm giảm chi phí nhiên liệu, tăng hiệu quả thu nhập cho các đối tác.

Đức Huy