|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thẻ tín dụng yếu thế trong cuộc chiến giành thị phần thanh toán phi tiền mặt ở Châu Á

19:05 | 15/07/2019
Chia sẻ
Các dịch vụ thanh toán qua di động dường như có nhiều lợi thế hơn rất nhiều so với các sản phẩm thẻ tín dụng vốn thường có mức thu phí cao.

Bất lợi chất chồng đối với thẻ tín dụng

Thẻ tín dụng đang thất thế trước các phương thức thanh toán điện tử tại Châu Á trong cuộc đua thanh toán không tiền mặt khi người dùng không còn muốn chịu những mức phí cao đi kèm theo thẻ so với các phương thức thanh toán di động, theo Nikkei.

Tỉ lệ người dùng thẻ tín dụng đang duy trì ở mức thấp hơn 10% ở Thái Lan,  Indonesia và Việt Nam, trong khi đó tỉ lệ người dùng thanh toán di động chiếm từ 47% đến 67% ở các quốc gia này, theo số liệu từ World Bank, Nomura và Bộ Kinh tế Nhật Bản.

Ở Trung Quốc, nơi các giao dịch hàng ngày được thực hiện phần lớn qua điện thoại thông minh, rất nhiều người thậm chí còn chưa từng nhìn thấy thẻ tín dụng.

chart ngan hang

(Nguồn: Nikkei, Global Financial Inclusion, World Bank, Việt hoá: Thái Sơn)

Khi các đơn vị vận hành thanh toán di động ngày càng có nhiều chiêu làm bất ngờ khách hàng và mở rộng dịch vụ, thẻ tín dụng đang phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn để giành giật thị phần trong khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

"Các thương hiệu thẻ tín dụng Mỹ đã phát triển mạng lưới thanh toán trong 30 đến 40 năm qua. Thế nhưng, mạng lưới của họ quá đắt đỏ để sử dụng. Điều này khiến nhiều công ty khác đã phát triển những hệ thống thanh toán không tiền mặt chi phí thấp hơn và tiện dụng hơn trên nền công nghệ di động", Yasuyuki Fuchida, một nhà phân tích tại Capital Markets Research, nói.

Bên cạnh đó, một khó khăn khác dành cho thẻ tín dụng cũng đến từ thực tế rằng nhiều chính phủ tại Châu Á đang phát triển nền tảng thanh toán của riêng mình và không muốn thông tin khách hàng được chuyển tới Mỹ.

Ấn Độ thể hiện cả hai thách thức này.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã ra mắt ứng dụng thanh toán di động của riêng Ấn Độ mang tên BHIM vào năm 2016. Ứng dụng này theo đó cho phép chuyển tiền giữa các ngân hàng khác nhau mà không cần thông qua mạng lưới của Visa hay MasterCard.

Chính phủ của ông Modi cũng đang soạn thảo chính sách yêu cầu các công ty thương mại điện tử và mạng xã hội phải giữ thông tin khách hàng bên trong Ấn Độ.

Chính sách này nhắm đến các công ty như Walmart, ông lớn bán lẻ Mỹ đã thâu tóm phần lớn công ty thương mại điện tử Ấn Độ Flipkart hồi năm ngoái. Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ cũng yêu cầu Visa và MasterCard giữ thông tin giao dịch khách hàng trong phạm vi quốc gia.

Thanh toán phi tiền mặt ở Ấn Độ đang bị thống trị bởi các nền tảng di động nhưu BHIM, Ola Money (có liên quan đến công ty gọi xe Ola) và PayTM (có liên quan đến SoftBank Group).

Hụt hơi ngay cả trên những thị trường truyền thống như Nhật Bản

https___s3-ap-northeast-1

(Ảnh: Nikkei)

Visa và MasterCard thậm chí cũng gặp thách thức ở một trong những thị trường họ từng có chỗ đứng vững chắc nhất là Nhật Bản.

Một trong những kẻ ngáng đường là PayPay, một nền tảng thanh toán di động được Yahoo Nhật Bản và công ty mẹ SoftBank Group chống lưng.

Seiei Takase, 59 tuổi, có một cửa hàng ở Kasama, một thành phố nhỏ thuộc miền bắc Tokyo, bắt đầu chấp nhận thanh toán qua PayPay vào tháng 4 như cách thức thanh toán không tiền mặt duy nhất của cửa hàng này.

Người dùng sẽ thực hiện mở tài khoản PayPay, chuyển một khoản tiền vào đó, thực hiện mua sắm và thanh toán bằng cách quét mã QR. Tất cả đều được thực hiện trên smartphone.

"Nó dễ dùng hơn so với thẻ tín dụng và sẽ không mất phí cho tới tháng 10", Takase nói. Bản thân ông cũng sử dụng ứng dụng này gần đây và rất thích nó. "Nó tốt đến mức tôi không thể không dùng".

PayPay hiện đang có 6,66 triệu người dùng và được chấp nhận ở hơn 500.000 điểm bán, theo Yahoo Nhật Bản. Những chiến dịch quảng bá lớn, ví dụ như hoàn tiền 20% cho các giao dịch mua sắm trong một khoảng thời gian giới hạn, là nhân tố thúc đẩy tăng trưởng.

Điều không may mắn với Visa và MasterCard nằm ở việc PayPay – giống nhiều tuỳ chọn thanh toán di động khác – không phụ thuộc vào mạng lưới thẻ nào để có thể xử lý giao dịch.

Nhật Bản có một số lượng lớn các cửa hàng hiện vẫn mới chỉ nhận tiền mặt để thanh toán di động khai thác. Một nghiên cứu được xuất bản năm 2017 bởi Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp cho biết 25% cửa hàng cỡ nhỏ ở quốc gia này chấp nhận thẻ tín dụng.

Cũng theo khảo sát, 42% đơn vị kinh doanh không nhận thẻ tín dụng cho rằng chi phí có liên quan đến nó quá cao.

Masayuki Yamamoto, Chủ tịch Yamamoto International Consultants,  nhấn mạnh rằng thanh toán qua QR rẻ hơn so với thẻ tín dụng, trên cả yếu tố phí và chi phí lắp đặp thiết bị.

Mặc dù các mức phí thu có sự khác biệt tuỳ theo các đơn vị kinh doanh và thương hiệu thẻ, Yamatomo nói rằng thẻ tún dụng thường thu phí của các cửa hàng từ 3,25% đến 5% giá trị giao dịch. Các cửa hàng nhỏ thậm chí còn bị áp dụng mức phí cao hơn.

"Mã QR giúp các cửa hàng giới thiệu thanh toán phi tiền mặt nhanh hơn", Yamamoto nhận định thêm.

Dù vậy, cuộc chuyển đổi sang thanh toán di động không phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng. Seven & i Holdings mới đây đã phải đóng cửa ứng dụng thanh toán 7pay của mình tại Nhật Bản chỉ sau vài ngày do bị tấn công dựa trên điểm yếu bảo mật. PayPay cũng từng bị truy cập bất thường vào tháng 12 năm ngoái.

Mặc cho khó khăn, chính phủ Nhật Bản vẫn cam kết sẽ tăng tỉ lệ thanh toán phi tiền mặt ở quốc gia này lên mốc 40% vào giữa những năm 2020.

Ở Trung Quốc, tình thế lại rất khác. Nhiều người chưa từng nhìn thấy thẻ tín dụng khi các nền tảng di động nhưu Alipay (của Alibaba) và WeChat Pay (của Tencent) có được người dùng trước cả khi thẻ tín dụng kịp phô trương thanh thế.

Một trong những điểm mạnh của đơn vị vận hành thẻ tín dụng là khả năng hoạt động trên nhiều quốc gia. Nhưng giờ thì Alibaba cũng đang muốn giải quyết thách thức này.

"Hiện tại, Alipay không chỉ còn ở Trung Quốc. Chúng tôi có 1 tỉ người dùng ở Châu Á và những con số này vẫn tiếp tục tăng lên". Eric Jing, CEO của Ant Financial Services Group, nói trong một hội thảo ở Tokyo hồi tháng 5. "Tôi nghĩ, mỗi năm, chúng tôi có thể có thêm 200 triệu người".

Theo Ying, hơn 300.000 cửa hàng ở Nhật hiện đã chấp nhận Alipay, gấp năm lần so với con số của tháng 08/2018.

Tại Trung Quốc, các thẻ tín dụng như Visa thường chỉ được chấp nhận trong các khu vực có nhiều khách du lịch. Ngay cả hệ thống thẻ debit của Trung Quốc là UnionPay cũng đứng trước nhiều áp lực với sự phát triển của thanh toán di động.

Ở Indonesia, tình hình cũng không sáng của hơn. Ngân hàng trung ương Indonesia đã ra mắt hệ thống thanh toán của riêng mình, mang tên gọi National Payment Gateway, và yêu cầu ngân hàng nội địa sử dụng mạng lưới này để thực hiện các giao dịch thẻ. Các ngân hàng đang trong quá trình chuyển đổi các thẻ debit thương hiệu Visa hoặc Mastercard để đáp ứng yêu cầu mới này.

Tương tự như Ấn Độ, phương thức thanh toán qua di động ở đây cũng phát triển nhanh. Go-Pay được vận hành bởi công ty gọi xe Go-Jek trong khi đó Grab hiện đã triển khai dịch vụ GrabPay.

Go-Pay và GrabPay cho phép người dùng nộp tiền vào tài khoản thông qua chuyển khoản ngân hàng, các cửa hàng tiện lợi và thậm chí thông qua tài xế lái xe. Khác với đăng kí sử dụng thẻ từ Visa và MasterCard, được tạo ra bởi ngân hàng, người dùng ứng dụng này không cần tài khoản ngân hàng – chỉ cần smartphone.

Visa và Master sẽ làm gì?

Dĩ nhiên, các ông lớn thẻ tín dụng cũng không ngồi yên. Visa mới đây đã ra mắt thẻ thanh toán không chạm cho các giao dịch với số tiền nhỏ, bao gồm cả những giao dịch thanh toán trên phương tiện đi lại công cộng. Công ty này cũng tuyên bố vào tháng 6 rằng sẽ liên kết với Line để kết nối nền tảng thanh toán di động của công ty này với hệ thống thanh toán toàn cầu của Visa.

Thế nhưng, Visa hay MasterCard không có được lợi thế lớn như Grab, Go-Jek hay Alibaba trong lĩnh vực thanh toán di động: Họ không cần kiếm tiền từ những giao dịch này. Với các công ty nói trên thanh toán chỉ là một cách để thu hút người dùng tới các dịch vụ khác của chúng.

Và trong khi nhiều nền tảng thanh toán di động Châu Á đều thường bị giới hạn hoạt động ở thị trường nội địa, chúng đang đầu tư vào nhiều quốc gia Châu Á khác, một dấu hiệu cho thấy những giao dịch quốc tế có thể sẽ được nới lỏng hơn trong tương lai, theo một số nhà phân tích.

Nếu điều này trở thành hiện thực, cuộc chiến giữa Alipay và Visa mới chỉ bắt đầu.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Thái Sơn