|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thế khó của các doanh nghiệp Đài Loan trong thương chiến Mỹ-Trung

06:45 | 22/06/2019
Chia sẻ
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là một thay đổi lớn chưa từng xảy ra trong một trăm năm, ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế, thương mại mà mọi người đã quen thuộc trong nhiều thập kỷ.
Thế khó của các doanh nghiệp Đài Loan trong thương chiến Mỹ-Trung - Ảnh 1.

Cao Hùng - thủ phủ khu vực phía Nam của Đài Loan (Trung Quốc) với đầy đủ sân bay, hải cảng. Ảnh: TTXVN

Ở tầm vi mô, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nằm trong nhóm chịu thiệt hại bởi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Trên phương diện vĩ mô, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) bị kẹp giữa Mỹ và Trung Quốc, trở thành khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất. Khi Mỹ áp thuế trừng phạt 10% đối với hàng hóa Trung Quốc, mọi người vẫn chờ đợi vì thấy rằng lợi nhuận có thể bị giảm đi, nhưng vẫn có thể chịu đựng được.

Nhưng khi mức thuế trừng phạt đối với phần lớn hàng hóa Trung Quốc nâng lên 25%, tất cả doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ở Trung Quốc đại lục, bao gồm doanh nghiệp Đài Loan bắt đầu suy nghĩ về việc di chuyển ra khỏi nơi này.

Đây không chỉ là một động thái tạm thời mà mọi người đều biết rằng ngay cả khi Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận kinh tế, thương mại thì vẫn có những biến số trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2020 và quan hệ kinh tế,  thương mại dài hạn giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không lạc quan.

Theo tờ Tin tức Thế giới cuối tuần qua, vấn đề ở chỗ các doanh nghiệp muốn “đào thoát” khỏi Trung Quốc, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp Mỹ, không dễ dàng hiện thực hóa mong muốn này. Trước tiên là gần đây Bắc Kinh quản lý đặc biệt chặt chẽ đối với dòng tiền rời khỏi Trung Quốc.

Bên cạnh đó, việc đóng cửa nhà máy sẽ khiến một lượng lớn công nhân thất nghiệp, đi ngược với chính sách ổn định việc làm của Bắc Kinh. Vấn đề cuối cùng, cũng rắc rối nhất là rời Trung Quốc thì họ có thể chuyển đến đâu.

Rất nhiều nước nằm trong kế hoạch di chuyển sản xuất của các doanh nghiệp đang hoạt động tại Trung Quốc, và Việt Nam chắc chắn là một lựa chọn trong số đó. Trong 5 tháng đầu năm nay, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam đạt 16,74 tỷ USD, tăng 69% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài Việt Nam, các nước ASEAN khác cũng được hưởng lợi.

Về phần mình, Đài Loan đã tích cực tranh thủ cơ hội để đón doanh nghiệp rời Trung Quốc trở về. Theo thống kê của Bộ Kinh tế Đài Loan, tới cuối tháng 5/2019, có 66 doanh nghiệp Đài Loan cam kết trở về với tổng số vốn đầu tư lên tới 330 tỷ USD. Chính quyền Đài Loan kỳ vọng tổng giá trị đầu tư của các doanh nghiệp Đài Loan trở về trong năm nay sẽ đạt 500 tỷ USD. Nếu xem xét tình hình hiện nay, dòng vốn trở về Đài Loan còn tiếp tục tăng.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vốn dĩ ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế Đài Loan. Theo nguyên Chủ tịch Viện Mỹ Đài Loan Richard C. Bush III, chính sách Trung Quốc của chính quyền Donald Trump là thù địch nhất với Trung Quốc kể từ thời Eisenhower làm Tổng thống Mỹ. Đó cũng là “trò chơi có tổng bằng 0”, sách lược “tôi sống thì anh chết” và Đài Loan kẹp ở giữa hai làn đạn.

Nhưng nếu Đài Loan là tài sản chiến lược của Mỹ thì Washington không có lý nào lại để kinh tế Đài Loan chịu thiệt hại. Trên thực tế, doanh nghiệp Đài Loan hiện nay lại nằm trong danh sách hạn chế xuất khẩu công nghệ cho Trung Quốc. Phía Mỹ cũng chỉ trích Đài Loan nhập ít thịt bò và thịt lợn của Mỹ khiến Mỹ và Đài Loan không thể xây dựng được quan hệ kinh tế thực chất hơn.

Chính quyền Thái Anh Văn luôn thể hiện lập trường thân Mỹ, không dám kêu ca trước “làn đạn” từ phía Mỹ. Trong năm bầu cử Tổng thống 2020, Tổng thống Thái Anh Văn vốn dĩ không thể nào đưa ra được bản thành tích kinh tế khả quan nào. Nhưng hiện nay nhờ dòng đầu tư trở về từ Trung Quốc đại lục, bà Thái Anh Văn hoàn toàn có thể tự hào khoe khoang thành tích kinh tế. Nhưng rất nhiều người nghi ngờ con số vốn đầu tư trở về nêu trên.

Thứ nhất, đây là số vốn doanh nghiệp Đài Loan dự kiến đầu tư, không phải là số vốn đầu tư thực tế, chỉ được sử dụng khi đăng ký đầu tư còn trên thực tế có thật sự đầu tư như vậy hay không thì không ai biết, cũng không ai có thể xác định.

Thứ hai, trước đây do thiếu người, thiếu đất, doanh nghiệp Đài Loan không có ý trở về đầu tư. Hiện nay, vấn đề đó vẫn chưa được giải quyết một cách thực chất, cộng thêm tình trạng thiếu điện, càng khiến doanh nghiệp phải thối lui.

Có người nói giá trị giao dịch đất khu công nghiệp và nhà máy trong quý I/2019 tăng 161% so với cùng kỳ năm ngoái, điều này cho thất sức nóng của hoạt động đầu tư. Nhưng để thu hút doanh nghiệp trở về, chính quyền Đài Loan đặc biệt hạ lãi suất vay vốn, với lãi suất chỉ ở mức 0,1% đối với khoản vay từ 20 tỷ Đài tệ trở lên. Lẽ nào lại có tình trạng doanh nghiệp Đài Loan trở về vay vốn làm nóng thị trường bất động sản khu công nghiệp?

Thứ ba, Đài Loan hiện nay không phải là thành viên của bất cứ tổ chức tự do thương mại nào, chỉ ký hiệp định tự do thương mại với một số nước lẻ tẻ như Singapore, New Zealand. Nếu trở về, doanh nghiệp Đài Loan tự làm mất sức cạnh tranh của mình và còn phải chịu mức thuế cao hơn so với khi còn ở các nước thuộc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hoặc trong tương lai là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung quả thực đã ảnh hưởng tới các ngành nghề của Đài Loan, tác động tới chuỗi cung ứng. Mấy chục năm qua, ngành điện tử đã thiết lập được hệ thống chuỗi cung cứng phức tạp và tỉ mỉ ở hai bờ Eo biển Đài Loan và khu vực Đông Á. Ngành điện tử Đài Loan đặc biệt giỏi trong việc kiếm lợi từ chuỗi cung ứng này.

Giờ đây, biện pháp thuế quan của chính quyền Donald Trump đã dần nâng cấp từ mặt hàng thời trang lên sản phẩm điện tử. Hiện nay, cả 5 ông lớn trong ngành điện tử Đài Loan đều có kế hoạch trở về đầu tư, nhưng đặc trưng của ngành điện tử là có tính tập trung cao, vậy các doanh nghiệp đầu ra và các doanh nghiệp phụ trợ có thể cùng chuyển về Đài Loan được không hay các nhà máy lớn vốn dĩ ở Đài Loan có thể buộc phải chuyển sang Mỹ? Đây có thể là ý đồ đằng sau việc chính quyền Donald Trump muốn bẻ gẫy chuỗi cung ứng, phục vụ cho kế hoạch tăng việc làm của nước Mỹ.

Hãng Apple đã yêu cầu các nhà máy gia công điện thoại iPhone rời khỏi Trung Quốc, buộc 2 hãng chế tạo gia công lớn nhất của Đài Loan là Foxxcon và Pegatron năm ngoái phải tìm kiếm địa điểm sản xuất khác ở Indonesia, Việt Nam và Ấn Độ. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ngày một leo thang căng thẳng, tốc độ mở rộng sản xuất ở ngoài lãnh thổ Trung Quốc của các doanh nghiệp Đài Loan ngày một nhanh.

Mới đây, Foxxcon đã tuyên bố nếu Apple muốn chuyển dịch chuỗi cung ứng ở Trung Quốc, họ có thể hành động nhanh chóng, mở rộng khả năng sản xuất bên ngoài Trung Quốc để có thể đáp ứng nhu cầu lắp ráp iPhone của Apple.

Bộ Thương mại Mỹ cấm bán sản phẩm cho tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc, Đài Loan có 7 doanh nghiệp nằm trong danh sách cấm đó. Hãng sản xuất bán dẫn TSMC của Đài Loan tuy kiên trì bán hàng cho Huawei vì các sản phẩm đó vẫn thuộc phạm vi hợp pháp, nhưng trong tương lai, hạn chế của Bộ Thương mại Mỹ sẽ ngày càng siết chặt, sản lượng của nhà máy TSMC ở Nam Kinh (Trung Quốc) sẽ giảm xuống, khiến TSMC phải trì hoãn việc mở rộng sản xuất và “ông lớn ngành điện tử của Đài Loan” này đã cân nhắc tới việc đầu tư xây dựng nhà máy mới ở Mỹ hoặc mua nhà máy ở Mỹ.

Quy mô cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ngày một lớn, thời gian diễn ra cuộc chiến dự kiến ngày càng dài, tác động ảnh hưởng mà nó gây ra cũng ngày một nghiêm trọng. Tuy một bộ phận doanh nghiệp Đài Loan trở về, nhưng tuyệt đối không đủ để bù đắp tổn hại tổng thể mà cuộc chiến thương mại gây ra. Vấn đề là hiện nay chính quyền của đảng Dân tiến đang rất đắc ý với con số đẹp đẽ về giá trị đầu tư của doanh nghiệp Đài Loan trở về từ Trung Quốc đại lục, mà quên đi “thể chất” ốm yếu không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp đó của mình.

Hà Ngọc