|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thế giới trong 'vòng xoáy' giá năng lượng tăng cao - Bài cuối: Đảm bảo nguồn cung và bình ổn giá xăng dầu: Đâu là giải pháp căn cơ?

10:44 | 15/03/2022
Chia sẻ
“Bài toán” vừa đảm bảo nguồn cung và vừa bình ổn giá xăng dầu trong nước đang đặt ra thách thức lớn với Việt Nam, nhất là khi Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn chưa thể đạt công suất đầy đủ.

“Bài toán” vừa đảm bảo nguồn cung và vừa bình ổn giá xăng dầu trong nước đang đặt ra thách thức lớn với Việt Nam, nhất là khi Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn chưa thể đạt công suất đầy đủ.

Với việc giá dầu thế giới tiếp tục tăng cao sau quyết định cấm nhập khẩu dầu từ Nga của Tổng thống Mỹ Joe Biden, “bài toán” vừa đảm bảo nguồn cung và vừa bình ổn giá xăng dầu trong nước đang đặt ra thách thức lớn với Việt Nam, nhất là khi Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn chưa thể đạt công suất đầy đủ.

Hai giải pháp tình thế đảm bảo nguồn cung

Kể từ khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) đi vào hoạt động, cùng với Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi), nguồn cung xăng dầu trong nước đã đáp ứng được 70-75% nhu cầu.

Khoảng 25-30% nhu cầu còn lại được Bộ Công Thương giao cho 35 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu về Việt Nam.

Tuy nhiên, với việc Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất do các khó khăn nội tại, nguồn cung xăng dầu trong nước bị thiếu hụt đáng kể, gây nên tình trạng miền Bắc và miền Trung khan hiếm xăng dầu, một vài tỉnh thành phía Nam có hiện tượng thiếu hụt.

Thế giới trong "vòng xoáy" giá năng lượng tăng cao - Bài cuối: Đảm bảo nguồn cung và bình ổn giá xăng dầu: Đâu là giải pháp căn cơ? - Ảnh 1.

Một góc Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. (Ảnh: TTXVN)

Để bù đắp lượng xăng dầu thiếu hụt này, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã yêu cầu Nhà máy lọc dầu Dung Quất tăng công suất lên 105% từ ngày 7/2 để bù đắp thiếu hụt khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất. 

Tuy nhiên, mức tăng này của Nhà máy lọc dầu Dung Quất không thể bù đắp hết sản lượng thiếu hụt từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, mặc dù lãnh đạo Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã cam kết sẽ hoạt động 100% công suất trong tháng 4 tới để đảm bảo cung ứng đủ nhưng cho đến nay chưa có văn bản chính thức.

Để đảm bảo nguồn cung nhiên liệu “huyết mạch” cho nền kinh tế, Bộ Công Thương đã giao 10 doanh nghiệp đầu mối trong tổng số 35 doanh nghiệp nhập khẩu thêm 2,4 triệu m3 xăng dầu (gồm 840 nghìn m3 xăng và 1,56 triệu m3 dầu) để bù đắp thiếu hụt, đảm bảo đủ xăng dầu cung ứng trong quý II/2022 nếu Lọc hóa dầu Bình Sơn không đủ cung ứng.

Với chỉ tiêu nhập khẩu thêm được giao chiếm tới 45% tổng lượng nhập khẩu chung, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Nguyễn Xuân Hùng cho biết, ngay sau khi Nhà máy có thông báo giảm sản lượng, Petrolimex đã rà soát lại các hợp đồng nhập khẩu với các đối tác và thực hiện ký kết ngay từ đầu năm 2022, trước khi có sự chỉ đạo của Bộ Công Thương.

Bên cạnh đó, Petrolimex cũng ký kết các hợp đồng mới phù hợp với chỉ tiêu và sản lượng mà Bộ Công Thương giao cho Petrolimex phải nhập khẩu.

Là một trong 10 doanh nghiệp được giao nhập khẩu thêm xăng dầu là Công ty cổ phần Hóa dầu Quân đội, Phó Tổng giám đốc Lê Minh Quốc cho biết Công ty nhập khẩu xăng dầu về từ 4 nguồn: Singapore, Malaysia, Thái Lan và Hàn Quốc. Hiện Công ty đang đàm phán với tất cả các nhà cung cấp để tìm ra phương án nhập khẩu với giá cả hợp lý nhất.

Với việc tăng công suất lọc dầu trong nước và tăng nhập khẩu như vậy, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2 mới đây khẳng định từ quý II trở đi sẽ đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước.

Tuy nhiên, cùng với hai giải pháp tình thế để đảm bảo nguồn cung trong nước, giải pháp tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm xăng dầu cần tiếp tục được thực hiện quyết liệt trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới đang biến động rất bất lợi như hiện nay, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết.

Sử dụng linh hoạt công cụ thuế

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 160/CĐ-TTg, Bộ Tài chính đã nghiên cứu xây dựng dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Trên cơ sở ý kiến đề xuất của Bộ Công Thương, ý kiến tham gia thống nhất của các Bộ và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4 - 31/12/2022.

Cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 700 đồng/lít.

Như vậy, thuế môi trường với xăng trong phương án được Bộ này đưa ra chiều tối ngày 10/3 đã giảm 50% so với phương án trước đó Bộ Tài chính đề xuất để xin ý kiến đóng góp của các bộ, ban ngành liên quan.

Thế giới trong "vòng xoáy" giá năng lượng tăng cao - Bài cuối: Đảm bảo nguồn cung và bình ổn giá xăng dầu: Đâu là giải pháp căn cơ? - Ảnh 2.

Nhiều lượt ô tô mua xăng tại trạm xăng Trần Hưng Đạo (Hà Nội). (Ảnh: TTXVN)

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, mức giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng như vậy sẽ góp phần giảm áp lực tăng giá xăng dầu trong nước khi giá xăng dầu thế giới liên tục tăng mạnh như thời gian gần đây.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo, khi giá dầu quốc tế lên cao ở mức ba con số như hiện nay, việc điều chỉnh các sắc thuế để bình ổn giá xăng dầu trong nước là thực sự cần thiết. 

Hiện Việt Nam có rất nhiều hiệp định thương mại; trong đó ưu tiên nguồn xăng dầu của các nước ASEAN với mức thuế nhập khẩu ưu đãi. Tuy nhiên, ưu đãi thuế như vậy vô hình chung lại hạn chế các doanh nghiệp mở rộng tìm kiếm các nguồn khác.

Trong khi đó, nguồn cung cấp dầu ASEAN cũng hạn chế nên giá có xu hướng đẩy lên do các doanh nghiệp nhập khẩu chủ yếu từ các nước ASEAN. 

Vì vậy, Hiệp hội xăng dầu Việt Nam đã kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu giảm thuế thuế tối huệ quốc (MFN) đối với xăng dầu, trước mắt trong năm 2022 đưa về bằng mức thuế ASEAN để tăng khả năng mở rộng tìm kiếm nguồn hơn, trong bối cảnh hết sức khó khăn như hiện nay.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính trên cơ sở sắc thuế dưới dạng tỷ lệ phần trăm hiện nay (nhập khẩu xăng 8%, tiêu thụ đặc biệt 10%) nên đưa về số tuyệt đối giống như các nước khác và giống như thuế môi trường với xăng dầu để giá xăng dầu ít chịu áp lực về thuế. 

Thực tế là với cách tính tỷ lệ phần trăm đối với thuế như hiện nay, giá dầu càng cao thì phần ngân sách gánh trong giá bán sẽ tăng lên tương ứng. Đây là điểm vô lý trong bối cảnh hiện nay, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam chỉ rõ.

Cũng theo ông Bảo, giá xăng dầu trong nước sẽ dần phải tiệm cận giá thị trường và đây là giải pháp duy nhất đối với nền kinh tế bởi không thể có đủ nguồn bù lỗ cho xăng dầu một cách dài hạn. 

Thực tế là năm 2008 khi giá dầu lên 147 USD/thùng, Việt Nam đã phải bù lỗ xăng dầu hơn 23.000 tỷ đồng. Đây là con số rất lớn vào thời điểm năm 2008, ông Bảo cho biết.

Tại Việt Nam, khi giá dầu quốc tế biến động lớn như thời gian vừa qua,  các cơ quan quản lý nhà nước đã sử dụng một phần rất lớn quỹ bình ổn để kiềm chế giá xăng dầu. 

Tuy nhiên, quỹ bình ổn giá xăng dầu chỉ có tác dụng giúp mức độ giá xăng dầu không gia tăng đột biến ở một thời điểm nhất định và ngắn chứ không phải là một quỹ có thể bình ổn giá xăng dầu. 

Vì vậy, giải pháp căn cơ ở đây chính là các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu cơ chế điều hành giá linh hoạt và tiệm cận gần hơn với giá thế giới, ông Bảo khẳng định.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Anh Nguyễn

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.