|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thịt heo không còn nằm trong danh mục hàng hóa bình ổn giá

15:44 | 19/06/2023
Chia sẻ
Chính phủ đã thống nhất không đưa thịt heo vào danh mục hàng hóa dịch vụ bình ổn giá tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi) sắp tới.

Tại báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 17/6, Chính phủ đã thống nhất không đưa thịt heo vào danh mục hàng hóa dịch vụ bình ổn giá tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi), theo VTV.

Sau khi bỏ thịt lợn, sữa cho người già, danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi) gồm: xăng, dầu thành phẩm; khí dầu mỏ hóa lỏng; sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; thóc tẻ, gạo tẻ; phân đạm; phân DAP; phân NPK; thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản; vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; thuốc bảo vệ thực vật; thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Trước đó trong phần thảo luận tại hội trường ngày 23/5 và 1/6 nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng thịt heo, sữa cho người cao tuổi trong diện hàng bình ổn giá của Nhà nước là không phù hợp.

Thay vào đó, danh mục hàng bình ổn giá nên là danh sách mở, không nên cố định trong luật và giao Bộ Tài chính quyết mặt hàng nào sẽ bình ổn.

Đại biểu Nguyễn Kim Anh (đoàn Bắc Ninh) cho rằng, thịt heo không phải là thiết yếu do thói quen tiêu dùng của người dân hiện nay đa dạng hơn, có sự chuyển dịch sang sử dụng nhiều sản phẩm thuỷ sản, trứng gia cầm, thịt bò.

"Trong khi đó, rất khó có thể tính toán được chi phí chăn nuôi heo vì chăn nuôi của chúng ta hiện nay đang nhỏ lẻ, hàng triệu hộ chăn nuôi, năng suất thấp, dịch bệnh còn đang là thách thức", đại biểu Nguyễn Kim Anh nói.

Với nguồn cung và thị trường, đại biểu Nguyễn Kim Anh cho rằng, hiện 80% thịt heo được bán trên chợ truyền thống nên việc tính toán giá thành sản phẩm, hỗ trợ giá dưới giá thành, can thiệp vào giá là rất khó. Bên cạnh đó, nếu đưa vào mặt hàng bình ổn giá thì cần kinh phí khá lớn trong khi ngân sách đang khó khăn.

Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ điều tiết hiệu quả, căn cơ về thị trường thực phẩm nói chung, thịt heo nói riêng. Chính phủ cần có nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng kho lạnh, trữ đông thịt gia súc, gia cầm để điều tiết giá.

“Khi giá thịt xuống mức thấp, xả kho để bình ổn giá, cần có chính sách hỗ trợ tái đàn của người chăn nuôi, ổn định thị trường, đảm bảo quyền lợi cả người chăn nuôi, người tiêu dùng, hướng đến xuất khẩu” đại biểu Nguyễn Kim Anh đề xuất.

Hoàng Anh