Giá heo hơi kỳ vọng đạt 100.000 đồng/kg nhưng vì sao nhiều doanh nghiệp đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng?
Giá heo hơi đang trong đà phục hồi
Xu hướng giá heo hơi giảm kéo dài từ tháng 7/2022 đến cuối tháng 3 từ mốc gần 70.000 đồng/kg xuống chỉ 49.000 - 50.000 đồng/kg. Nhu cầu tiêu thụ yếu khiến kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp chăn nuôi và cả doanh nghiệp sản xuất, chế biến thịt giảm sút trong quý I.
Tuy nhiên, giá heo hơi bắt đầu phục hồi mạnh từ cuối tháng 3 đến nay. Tính đến ngày 30/5, giá heo hơi trung bình trên cả nước khoảng 60.000 đồng/kg - mức giá mà cả người chăn nuôi nhỏ lẻ và doanh nghiệp chăn nuôi có lời.
Trong kỳ đại hội đồng cổ đông vừa qua, nhìn chung các công ty đều có cái nhìn tích cực về triển vọng giá heo. Ông Nguyễn Như So - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Dabaco (mã: DBC) cho rằng giá heo hơi “dứt khoát phải đi lên” trong bối cảnh tổng đàn giảm mạnh do dịch tả heo Châu Phi và người chăn nuôi nhỏ lẻ bỏ chuồng vì thua lỗ. Ông So ước tính tổng đàn heo hơi cả nước còn khoảng 23 triệu con, giảm so với mức bình thường 28 - 29 triệu con.
Thậm chí có doanh nghiệp cho rằng giá heo hơi có thể quay về thời kỳ đỉnh cao của năm 2020, đạt kỷ lục 100.000 đồng/kg.
Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam cho rằng cuối tháng 5 cho đến hết quý II năm sau, giá heo hơi bình quân sẽ rơi vào khoảng 60.000-65.000 đồng/kg. Do đó, từ giờ đến giữa năm sau giá sẽ tốt.
“Với diễn biến dịch, câu chuyện giá heo hơi lên 100.000 đồng/kg như năm 2020 là hoàn toàn có thể. Tóm lại, đây là cơ hội cho những nhà chăn nuôi hiện đại”, ông Bá nhận định.
Theo nhận định của BAF, hiện tại, tổng đàn của Việt Nam bị mất khoảng 20-25% so với bình thường dựa trên số liệu doanh số bán thức ăn chăn nuôi, heo giống của các doanh nghiệp, thú y, đàn heo của dân. Do đó, giá heo hơi đang trong quá trình hồi phục vì nguồn cung dài hạn đã giảm nhiều do dịch tả heo càn quét tổng đàn.
Triển vọng tốt nhưng vì sao doanh nghiệp đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng?
Mặc dù nhiều doanh nghiệp cho rằng giá heo hơi đã tạo đáy và bước vào giai đoạn phục hồi mạnh từ nay đến cuối năm nhưng một số doanh nghiệp đặt chỉ tiêu kinh doanh cho năm 2023 lại khá thận trọng.
Với BAF, công ty đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu 7.526 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 301 tỷ đồng, lần lượt tăng 6% và 4,5% so với kết quả thực hiện năm 2022.
Trong đó, mảng chăn nuôi dự kiến mang về 2.526 tỷ đồng doanh thu và 192 tỷ đồng lợi nhuận; mảng thức ăn chăn nuôi có kế hoạch doanh thu 1.000 tỷ đồng và hơn 45 tỷ đồng lợi nhuận; mảng nông sản dự kiến có doanh thu 4.000 tỷ đồng và lợi nhuận 64 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo của công ty kế hoạch kinh doanh này xây dựng trên kịch bản giá heo hơi bình quân cả năm 55.000 đồng/kg. Nếu giá heo hơi từ nay đến cuối năm duy trì mức cao, kéo giá trung bình lên khoảng 60.000 - 65.000 đồng/kg thì bức tranh kết quả kinh doanh sẽ còn khả hơn nữa.
“Chúng tôi xây dựng kế hoạch kinh doanh ở mức an toàn. Nếu quản trị tốt hơn để giữ đàn, cắt giảm chi phí, thị trường ủng hộ thì kết quả kinh doanh sẽ khả thi hơn”, ông Bá cho biết.
Với Hoàng Anh Gia Lai, năm nay công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 5.120 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.130 tỷ đồng, tăng lần lượt 0,4% và 0,2% so với kết quả năm 2022.
Trong đó, mảng cây ăn trái có kế hoạch doanh thu 2.400 tỷ đồng, biên lãi gộp 30%; mảng chăn nuôi heo mục tiêu doanh thu 1.700 tỷ đồng, biên lãi gộp 20% và các lĩnh vực khác doanh thu 1.200 tỷ đồng, biên lãi gộp 10%. Tính tổng tất cả các mảng, HAGL dự kiến biên lãi gộp đạt 22%.
Công ty cho biết, kế hoạch kinh doanh dựa trên cơ sở thực hiện chủ trương tập trung duy trì quy mô sản xuất kinh doanh không thấp hơn năm 2022, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước, thế giới diễn biến phức tạp và nhiều khó khăn.
Theo ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT của công ty cho biết heo trong quý đầu không sinh lợi nhuận. Do đó, công ty xây dựng kế hoạch mang tính chất thận trọng, bù đắp cho nhau (giữa chuối và heo), chờ tín hiệu thị trường nếu đặt kế hoạch cao mà không đạt thì cũng không hay.
“Cách đây hai tháng, tôi từng nói ngành chăn nuôi heo năm nay không có lãi và thực tế quý I không có lãi. Tháng 4, giá heo nhích từ 48.000-49.000 đồng/kg lên 53.000-54.000 đồng/kg nên kế hoạch kinh doanh ba quý cuối có đưa vào mảng thịt heo.
Nếu ba quý còn lại giá heo 55.000 đồng/kg thì có lãi nhưng khó để nhận định thị trường này”, ông Đức nhận định.
Trái lại, một số doanh nghiệp lại đặt kỳ vọng vào kết quả kinh doanh trong năm nay.
Theo đó, năm 2023, Dabaco đặt mục tiêu doanh thu đạt 24.562 tỷ đồng, gấp đôi so với thực hiện của năm 2022. Trong khi mục tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 569 tỷ đồng cao gấp nhiều lần con số đã đạt được trong năm 2022 (5 tỷ đồng).
Theo ông So, kế hoạch kinh doanh của Dabaco bao giờ cũng tính tới rủi ro. Ví dụ một con heo nái một năm đẻ ra khoảng 28 con thì chỉ chỉ tính 26, quá trình nuôi heo thịt thì tỷ lệ chết chỉ khoảng 5% thì tính toán đưa lên 7%.
Với doanh nghiệp kinh doanh, chế biến sản phẩm từ thịt, việc giá heo hơi tăng cao sẽ là điều không vui không họ bởi điều này đồng nghĩa chi phí đầu vào tăng cao hơn.
Trong năm 2023, CTCP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản đặt mục tiêu doanh thu đạt 4.100 tỷ đồng, tăng 6% so với thực hiện năm 2022 và lợi nhuận trước thuế 5,2% lên 182 tỷ đồng.
Lãnh đạo công ty cho biết trong quý I, sức mua trên thị trường giảm trong khi giá heo hơi dù đi xuống nhưng vẫn cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Hai yếu tố này đã khiến cả doanh thu và lợi nhuận của công ty bị ảnh hưởng.
“Trong quý II và những tháng còn lại, áp lực về doanh thu và lợi nhuận rất lớn. Ban điều hành sẽ bám sát thị tường, đưa ra những giải pháp mạnh mẽ để đạt được chỉ tiêu trong thời gian còn lại”, đại diện của Vissan cho biết.
Thị trường còn tiềm ẩn rủi ro dịch bệnh
Trong báo cáo mới đây, bộ phận phân tích của CTCP Chứng khoán VNDirect nhận định thị trường thời gian tới vẫn còn tiềm ẩn một số rủi ro. Theo đó, dịch tả heo Châu Phi bùng phát có thể ảnh hưởng đến nguồn cung thịt trong năm 2023. Bên cạnh đó, người tiêu dùng tiếp tục thắt chặt hầu bao có thể khiến nhu cầu thịt yếu hơn dự kiến.
Mặc dù vậy VNDirect kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp sản xuất thịt sẽ cải thiện từ quý II/2023 và cải thiện trung bình 1-1,5 điểm trong năm 2023.
Hiện tại, chi phí thức ăn chăn nuôi cũng đã hạ nhiệt nhờ giá nguyên liệu đầu vào như ngô, đậu tương giảm mạnh. Hiện,giá ngô giảm khoảng 26% từ đỉnh, trong khi giá đậu tương cũng giảm 23% xuống lần lượt 6 USD/giạ và 13,3 USD/giạ (1 giạ ngô = 25,4 kg; 1 giạ đậu tương = 27,2 kg).
Giá thức ăn chăn nuôi trong nước có độ trễ so với giá nông sản thế giới, do vậy VNDirect kỳ vọng chi phí thức ăn chăn nuôi sẽ giảm dần từ quý II, điều nay giúp biên lợi nhuận năm 2023 của các doanh nghiệp có thể cải thiện