|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thế Giới Di Động hồi sinh vuivui.com, quyết định tiếp tục đốt tiền cho thương mại điện tử?

14:08 | 06/04/2022
Chia sẻ
Dự án thương mại điện tử vuivui.com của Thế Giới Di Động được khởi động lại.

Trang thương mại điện tử vuivui.com vừa được Thế Giới Di Động mở trở lại. Nguồn tin của người viết xác nhận đây là dự án thương mại điện tử của tập đoàn, sẽ ra mắt ngay trong năm nay.

“Tuy lấy tên cũ nhưng vuivui.com sẽ có một diện mạo mới, một phiên bản khác”, nguồn tin cho hay. Vuivui.com trước đó là một website chuyên bán hàng như một trang thương mại điện tử của Thế Giới Di Động chạy thử vào cuối năm 2016 và chính thức ra mắt đầu năm 2017. Song đến cuối năm 2018, trang thương mại điện tử này đã dừng hoạt động và trỏ sang trang bán hàng của Bách Hóa Xanh.

 vuivui.com, trang thương mại điện tử của Thế Giới Di Động được mở lại. (Ảnh: Thiên Trường).

Tại thời điểm ra mắt, vuivui.com chỉ tập trung bán các sản phẩm thuộc nhóm hàng tiêu dùng nhanh theo mô hình B2C (doanh nghiệp đến người tiêu dùng). Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Thế Giới Di Động khi đó từng kỳ vọng vuivui.com sẽ vượt doanh thu Thế Giới Di Động trong vòng 5 năm tới. Thế nhưng theo cáo bạch của công ty, kết thúc năm 2017, doanh thu của vuivui.com là 75 tỷ đồng, không đóng góp nhiều vào cơ cấu doanh thu của công ty mẹ.

Ông Tài lúc ấy cho hay vuivui.com là một công ty khởi nghiệp. Sản phẩm khởi nghiệp này sinh ra trong bối cảnh ngành bán hàng qua mạng cạnh tranh khốc liệt, hàng loạt tên tuổi lớn đã ra đi, chỉ còn trụ lại những doanh nghiệp lớn có sự giúp sức của dòng vốn nước ngoài, như Lazada (hậu thuẫn bởi Alibaba), Shopee (công ty con của Sea), Tiki,...

Hiện chưa rõ kế hoạch hồi sinh trang thương mại điện tử mới của Thế Giới Di Động lần này có gì khác biệt so với lần đầu ra mắt.

Thế Giới Di Động tiếp tục đốt tiền cho thương mại điện tử?

Tuy sớm rời bỏ thị trường thương mại điện tử, song Thế Giới Di Động vẫn là ông trùm trên thị trường bán hàng trực tuyến khi số liệu từ iPrice cho hay hai trên ba website của Thế Giới Di Động đang đứng thứ hai về lượng truy cập của các trang thương mại điện tử tại Việt Nam, chỉ sau Shopee. Trong khi đó, Bách hoá Xanh cũng nằm trong nhóm được truy cập hàng đầu. Năm 2021, doanh thu từ kinh doanh online của tập đoàn cán mốc hơn 14.000 tỷ đồng, tăng 53% so với năm 2020.

Đầu năm ngoái, trong cuộc gặp gỡ nhà đầu tư, trước câu hỏi về ý định triển khai sàn thương mại điện tử của Thế Giới Di Động và tầm nhìn trong ba năm tới, người đứng đầu doanh nghiệp khẳng định có ý định đó, song chưa có thời gian triển khai cụ thể. Quan điểm của ông Tài đó là kinh doanh để kiếm tiền chứ không phải là để đốt tiền và mong chờ 5 - 10 năm sau có lợi nhuận. 

“Thế Giới Di Động không có sự xa xỉ của những doanh nghiệp gọi vốn nhà đầu tư và đi đốt, mong chờ vào tương lai. Có làm thương mại điện tử hay không, câu trả lời là có nhưng năm cụ thể thì chưa bởi cái này vẫn còn rất tốn kém và đau thương nhất là vào lúc này", ông Tài chia sẻ. "Lúc thiên hạ cứ tiếp tục đem tiền ra đốt thì từ đầu tới giờ, chúng tôi chưa có ý định sẽ vác tiền ra đốt, nhưng sẽ chọn thời điểm thích hợp để bước vào lĩnh vực này".

Theo ông Tài, thời điểm thích hợp để Thế Giới Di Động nhảy vào cuộc chơi này đó là khi thời gian đốt tiền ngắn mà hiệu quả đến sớm, "không thể nào đốt 5 - 10 năm nữa rồi chờ tương lai sẽ đến, MWG không chơi cuộc chơi đó". 

Nói về hoạt động bán hàng online, ông Nguyễn Đức Tài dự báo mảng này sẽ tiếp tục tăng trưởng trong 3 năm tới, đặc biệt là đối với các hệ thống như Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh và Bách Hóa Xanh. Mục tiêu chiến lược của Thế Giới Di Động là tăng trưởng mỗi năm khoảng 50% - 70% trong mảng bán hàng online.

Ông Tài cho biết công ty sẽ tiếp tục "chiến đấu trong vài ba năm tới cho tới khi nhận thấy thời điểm chín muồi của thương mại điện tử và quy mô thị trường sẽ có lãi trong vòng 1 - 2 năm thì sẽ nhảy vào để kiếm tiền từ nó".

Hiện theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company cho thấy năm 2021, nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam tăng trưởng khoảng 31% lên 21 tỷ USD và có khả năng tiếp tục đạt 57 tỷ USD vào năm 2025. Do đó, có thể đây là thời điểm chín muồi như ông Tài từng dự đoán để Thế Giới Di Động một lần nữa tiến vào cuộc chơi thương mại điện tử.

Thiên Trường

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.