|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Vì sao cả ông Trịnh Văn Quyết và ông Nguyễn Đức Tài đều bất ngờ chuyển sang bán vàng bạc, đá quý?

16:33 | 20/01/2022
Chia sẻ
Ngay trong những ngày đầu năm 2022, hai doanh nghiệp lớn của Việt Nam là FLC và Thế Giới Di Động đã cùng nhảy sang một lĩnh vực mới: Bán lẻ trang sức.

Ngay trong những ngày đầu năm 2022, thị trường trang sức Việt Nam đã chứng kiến những "tay to" từ lĩnh vực khác lấn sân sang. Cụ thể, phía Tập đoàn FLC đã chính thức thông báo sắp ra mắt thương hiệu vàng, bạc, đá quý, trang sức có tên FJC. Công ty TNHH Vàng bạc đá quý FLC là công ty con do tập đoàn FLC sở hữu 100% vốn. Các sản phẩm của công ty có thương hiệu là FJC.

Theo kế hoạch bước đầu, các showroom FJC sẽ xuất hiện trên toàn bộ hệ thống quần thể du lịch nghỉ dưỡng, khu đô thị phức hợp của tập đoàn FLC tại nhiều tỉnh, thành như: Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Bình…

Trước đó, CTCP Thế Giới Di Động cũng đã ra mắt chuỗi AvaJi hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh trang sức. Thực tế, trước khi được Thế Giới Di Động ra mắt chính thức, AvaJi đã hoạt động dưới tên gọi BlueJi từ tháng 11/2021. 

Thời điểm ban đầu, ngoài trang sức như vàng, bạc, đá quý,… cửa hàng còn hoạt động kinh doanh cả mắt kính cho người lớn cũng như trẻ em. Bước đầu thử nghiệm tại TP HCM.

FLC và Thế Giới Di Động cùng đi bán vàng, đá quý,...: Sức hấp dẫn từ thị trường trang sức - Ảnh 1.

Cửa hàng bán trang sức của Thế Giới Di Động. (Ảnh: Thế Giới Di Động).

Lý do FLC và Thế Giới Di Động muốn tham gia thị trường bán lẻ trang sức

Vậy tại sao những ông lớn đã đạt được thành công nhất định trong các lĩnh vực khác như FLC hay Thế Giới Di Động lại cùng nhau xuất hiện trên thị trường bán lẻ trang sức?

Trước hết, mặc dù vẫn chịu những thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây ra, nhưng ngành công nghiệp đá quý vẫn có mức phát triển tốt hơn so với thị trường xa xỉ phẩm cá nhân nói chung. 

Việc đóng cửa, hạn chế di chuyển giữa các quốc gia và những bất ổn kinh tế đã làm giảm doanh số bán đồ trang sức đá quý, kim cương của các doanh nghiệp và nhu cầu về trang sức đá quý của khách hàng cũng trở nên nội địa hóa hơn. 

Bên cạnh đó, dịch COVID-19 đã đang đẩy nhanh các xu hướng hiện góp phần định hình lại ngành công nghiệp kim cương. Chuỗi giá trị kim cương đang trở nên kỹ thuật số hơn mặc dù các cửa hàng truyền thống vẫn không bị mất giá trị, theo báo cáo của FPT Digital.

Ngoài ra, sự phát triển của thương mại điện tử cũng là một yếu tố được quan tâm. Tính riêng năm 2020, có khoảng 20% doanh số bán lẻ diễn ra trực tuyến, trong đó, các doanh nghiệp bán lẻ trang sức kim cương cũng công bố tăng trưởng doanh số 60-70% so với cùng kỳ 2019 trên các kênh trực tuyến của họ.

Điều này cho thấy xu hướng tăng trưởng trên các kênh bán hàng trực tuyến, tuy nhiên, đa số người tiêu dùng vẫn thích mua kim cương tại các cửa hàng truyền thống do họ đánh giá cao việc được nhìn và chạm vào đồ trang sức cùng với các tư vấn trực tiếp từ nhân viên và các dịch vụ cá nhân đi kèm khác.

Vừa qua, công ty chứng khoán SSI cũng đã công bố báo cáo triển vọng ngành bán lẻ trong năm 2022. Trong đó, SSI cho biết trong nửa đầu năm 2021, nhu cầu vàng phục hồi và quay trở lại mức trước dịch COVID-19. Hiệu suất phục hồi nhanh chóng như vậy là do nhu cầu bị dồn nén trong quý I/2021, theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC).

FLC và Thế Giới Di Động cùng đi bán vàng, đá quý,...: Sức hấp dẫn từ thị trường trang sức - Ảnh 2.

Nhu cầu vàng theo quý giai đoạn 2019 - 2021. (Nguồn: WGC, SSI Research).

Riêng đối với ông lớn trong ngành bán lẻ trang sức Việt Nam PNJ, doanh thu quý I/2021 vượt mức trước dịch COVID-19 và cao hơn toàn thị trường. Tuy nhiên, sự phục hồi trong quý III/2021 bị gián đoạn bởi các biện pháp giãn cách xã hội (tổng khối lượng thị trường giảm 50% so với cùng kỳ). Ví dụ, PNJ đã đóng cửa 80% tổng số cửa hàng bán lẻ trong quý, khiến doanh thu quý III/2021 giảm 78% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, SSI cho rằng sau khi các lệnh giãn cách xã hội được dỡ bỏ, người tiêu dùng sẽ quay trở lại các kênh offline truyền thống để mua sắm các mặt hàng có giá trị cao hơn như điện thoại di động, đồ trang sức,… 

Những lý do trên có thể tạo đà cho FLC hay Thế Giới Di Động khi họ mở cửa hàng bán lẻ vào đầu năm 2022, khi các lệnh giãn cách đã dần được gỡ bỏ trên cả nước.

Quốc Anh

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.