|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thế giới đã biết những gì về chủng virus cúm heo mới ở Trung Quốc?

06:45 | 04/07/2020
Chia sẻ
Chủng virus cúm heo vừa được phát hiện tại Trung Quốc đang làm dấy lên mối lo ngại mới ở các nhà khoa học vì virus này sở hữu các đặc tính nhất định có khả năng gây ra đại dịch.
Thế giới đã biết những gì về chủng virus cúm heo mới ở Trung Quốc? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Bloomberg

Mối đe dọa lớn nhất hiện nay là chủng virus mới đã lây nhiễm sang các công nhân chăn nuôi heo ở đất nước tỉ dân. Cho đến nay, các nhà khoa học chưa phát hiện ra virus này có khả năng lây từ người sang người, tuy nhiên chủng virus cúm heo mới có thể đột biến và từ đó lây nhiễm giữa con người.

Bloomberg nhận định, nhân loại có thể chịu thêm nhiều đau thương và tổn thất nếu virus cúm heo mới lây lan, vì thế giới hiện còn đang chật vật kiểm soát virus SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19 (cũng lần đầu tiên xuất hiện tại Trung Quốc).

1. Nguy cơ ở đây là gì?

Heo thường nhiễm nhiều virus cúm khác nhau và chủ yếu không gây thiệt hại lớn vì virus ít khi lây sang con người.

Tuy nhiên, trường hợp chủng virus cúm heo phát hiện từ năm 2016 tại Trung Quốc - hiện tại mang tên G4 EA H1N1, lại đáng lo hơn. Trong vài năm qua, chủng virus cúm heo mới này đã vượt qua các rào cản giống loài để lây nhiễm cho nhiều người, theo kết quả khảo cứu huyết thanh.

Bloomberg giải thích, nhà khoa học thường sử dụng phương pháp khảo cứu huyết thanh nhằm tìm kiếm sự hiện diện của kháng thể trong máu người, cho thấy cơ thể người đã phơi nhiễm với virus từ trước.

Nghiên cứu mới do Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ (PNAS) công bố ngày 29/6 cho thấy virus cúm heo mới có thể sao chép trong các tế bào lót đường thở của con người và có thể lây nhiễm tốt ở chồn sương - một loài động vật được dùng để nghiên cứu virus cúm do chúng có các triệu chứng nhiễm bệnh tương tự con người.

Các đặc tính này khiến nhóm nghiên cứu đi đến kết luận là chủng virus cúm heo mới ở Trung Quốc "sở hữu tất cả các dấu hiệu cần thiết của một virus có khả năng gây ra đại dịch" và đặt ra "mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe con người".

2. Chúng ta nên lo lắng đến đâu?

Theo Bloomberg, khó có thể đoán biết thế giới nên lo ngại về chủng virus mới như thế nào. Đại dịch cúm xảy ra khi một loại virus mà chưa hoặc ít có miễn dịch xuất hiện trong quần thể người và lây truyền từ người này sang người khác.

Hầu hết mọi người đều đang thiếu khả năng miễn dịch với chủng virus cúm heo mới ở Trung Quốc. Virus này có chứa biến thể mới của hemagglutinin - một dạng bề mặt protein mà virus cúm sử dụng để bám vào các tế bào mục tiêu, từ đó xâm nhập vào bên trong.

Ngoài ra, thế giới cũng chưa có loại vắc xin nào ngừa chủng virus cúm mới này. Ông Michael Ryan - Giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của WHO, lưu ý rằng nhiều chủng virus cúm mới (bao gồm các chủng lây nhiễm ở chim) đều có khả năng gây ra đại dịch.

Bên cạnh đó, ông Ryan cho biết các nhà khoa học tại Trung Quốc và trên thế giới đang theo dõi sát sao chủng virus G4 EA H1N1 mới này.

Tiến sĩ Anthony Fauci - Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, cho hay chủng virus mới chưa phải là mối đe dọa lớn nhưng cần quan sát, theo dõi cẩn thận.

3. Có bao nhiêu người nhiễm virus G4 EA H1N1?

Các nhà nghiên cứu cho biết trong giai đoạn 2011 - 2018, chủng virus cúm mới dần lan rộng trên khắp 10 tỉnh thành có mật độ đàn heo cao nhất của Trung Quốc, đáng chú ý là đất nước tỉ dân sở hữu gần nửa đàn heo của thế giới.

Số ca nhiễm đã giảm kể từ năm 2018, khi dịch tả heo châu Phi (ASF) bắt đầu tàn phá các trang trại chăn nuôi heo trên khắp cả nước.

Kết quả khảo cứu huyết thanh trong giai đoạn 2016 - 2018 ở Trung Quốc cho thấy, trong số 339 công nhân làm việc tại các trang trại chăn nuôi heo đã xét nghiệm có khoảng 10% có thể đã nhiễm chủng virus cúm mới. Tỉ lệ kháng thể giảm xuống còn 4,4% trong 230 người không liên quan đến các trang trại chăn nuôi heo.

Ông Liu Jinhua - tác giả chính của nghiên cứu đăng trên tạp chí PNAS kiêm giáo sư chuyên ngành thú y tại Đại học Nông Nghiệp Trung Quốc (Bắc Kinh), nói với truyền thông địa phương rằng kết quả nghiên cứu có thể đã đánh giá quá cao số người bị phơi nhiễm với virus G4 EA H1N1.

4. Có ai đổ bệnh hay không?

Hiện không rõ có bất kì cá nhân nào trong khảo cứu huyết tương trên phát triển bệnh hay triệu chứng. Tuy nhiên, theo một số tài liệu nghiên cứu khoa học, các chủng virus liên quan đến G4 EA H1N1 đã khiến ít nhất hai người đổ bệnh.

Đầu tiên là trường hợp một người đàn ông 46 tuổi ở Phúc Kiến bị viêm phổi nặng vào tháng 10/2016 và qua đời vì suy đa tạng. Một cậu bé 9 tuổi ở miền bắc Trung Quốc đã trải qua các triệu chứng như bệnh cúm nhẹ vào tháng 12/2018 và phục hồi sau đó.

Trong khi đó, chủng virus G4 EA H1N1 dường như ít gây nhiều bệnh ở loài heo.

5. Có thể làm gì để giảm thiểu mối đe dọa mới?

Bên cạnh giám sát, các biện pháp an toàn sinh học nhằm mục đích ngăn chặn sự lây lan của chủng virus cúm heo mới từ trang trại này đến trang trại khác chính là chìa khóa. Virus này càng lây lan, khả năng đột biến càng lớn.

Năm 2016, WHO khuyến nghị rằng "các chủng hạt giống" sản sinh và tích trữ trong virus có thể được dùng để chế vắc xin bảo vệ con người.

Theo Bloomberg, Trung Quốc chưa công bố bất kì kế hoạch nào để tiêu diệt virus G4 EA H1N1 từ trong trứng nước, tuy nhiên đất nước tỉ dân đã từng làm điều đó với các bệnh ở động vật có thể lây nhiễm cho con người khác.

Năm 2017, Trung Quốc đã phát động chương trình tiêm vắc xin cho gà nhằm chống lại virus cúm gia cầm H7N9, ngăn chặn virus này lây sang người. Tính đến tháng 9/2018, chương trình trên đã làm giảm đáng kể số ca nhiễm ở người xuống còn ba trường hợp, cho thấy thành công bước đầu.

6. Virus G4 EA H1N1 đến từ đâu?

G4 EA H1N1 là virus gốc Á - Âu, có đặc tính tương tự virus gia cầm và có chung vật liệu di truyền với virus H1N1 gây ra đại dịch cúm heo năm 2009.

Chủng virus H1N1 năm 2009 đã lây nhiễm ở người trên khắp thế giới và ước tính gây ra 12.469 ca tử vong ở Mỹ cũng như khoảng 575.400 ca tử vong trên toàn thế giới.

Sau đó, virus H1N1 lây nhiễm trở lại cho heo. Các nhà khoa học tin rằng virus G4 EA H1N1 là kết quả pha trộn giữa virus cúm H1N1 năm 2009 và một hoặc một vài chủng virus cúm xuất hiện ở heo.

Khả Nhân

Thủ tướng yêu cầu tiết kiệm chi để đầu tư phát triển
Các bộ ngành, địa phương phải nâng kỷ cương ngân sách, triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để dành nguồn cho đầu tư phát triển, an sinh, theo Thủ tướng.