Chủng virus cúm heo mới phát hiện ở Trung Quốc có nguy cơ gây đại dịch
Virus cúm heo mới phát hiện mang tên G4 EA H1N1 (gọi tắt là G4) và có nguồn gốc di truyền từ chủng H1N1 gây ra đại dịch năm 2009 khiến hơn nửa triệu người tử vong trên toàn thế giới.
SCMP dẫn lời các nhà nghiên cứu tại nhiều trường đại học tại đất nước tỉ dân cũng như Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CCDC) cho biết virus cúm heo mới có "tất cả dấu hiệu cần thiết của một bệnh truyền nhiễm dễ lây nhiễm sang con người"
Trong giai đoạn 2011 - 2018, các nhà nghiên cứu đã lấy 30.000 mẫu thử từ heo tại các lò mổ ở 10 tỉnh thành của Trung Quốc, cũng như tại một bệnh viện thú y. Từ đó, họ có thể phân lập ra 179 virus cúm heo. Phần lớn kết quả nghiên cứu liên quan đến một chủng virus mới thường xuất hiện ở heo kể từ năm 2016.
Sau đó, các nhà nghiên cứu thực hiện thêm nhiều thí nghiệm khác, đáng chú ý là trên loài chồn sương - đối tượng thường được sử dụng trong các nghiên cứu về cúm vì chúng hay gặp các triệu chứng tương tự ở con người như sốt, ho và hắt hơi.
Chủng virus G4 được cho là có khả năng lây nhiễm cao, sinh sôi trong tế bào con người và gây ra các triệu chứng nghiêm trọng ở loài chồn sương hơn so với các chủng virus khác.
Nghiên cứu còn cho thấy các cá nhân miễn dịch sau khi tiếp xúc với cúm mùa đều không thể tránh khỏi ảnh hưởng của virus G4.
Theo các xét nghiệm máu, 10,4% công nhân chăn nuôi heo đều đã nhiễm bệnh. Ngoài ra, các xét nghiệm còn cho thấy khoảng 4,4% dân số Trung Quốc cũng đã tiếp xúc với virus này.
Tóm lại, SCMP dẫn lời các chuyên gia kết luận virus G4 đã truyền từ động vật sang người. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng nào cho thấy chủng này có thể truyền từ người sang người - đây cũng là mối lo ngại chính của các nhà khoa học.
"Chúng tôi đang lo ngại rằng virus G4 sẽ gia tăng mức độ thích nghi ở con người và làm tăng nguy cơ xảy ra đại dịch", nhóm chuyên gia nhấn mạnh trong nghiên cứu đăng tải trên tạp chí của Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ.
Các tác giả của bản báo cáo kêu gọi người dân và chính phủ nên thực hiện các biện pháp khẩn cấp để theo dõi những công nhân chăn nuôi và giết mổ heo.
"Chúng tôi công khai nghiên cứu như một lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng thế giới đang phải liên tục đối mặt với nguy cơ xuất hiện một mầm bệnh mới và động vật nuôi - vốn là nhóm mà con người tiếp xúc thường xuyên hơn so với động vật hoang dã, có thể là nguồn gốc khởi phát các đại dịch mới ở con người", ông James Wood - trưởng khoa thú y tại Đại học Cambridge, cho hay.