Thay đổi điều kiện giao hàng, ngành cà phê lúng túng
Giá cà phê tháng 6 khó khởi sắc | |
Giá cà phê hôm nay (2/6) giảm nhẹ trở lại, giá tiêu biến động tại một vài nơi |
Ảnh: Internet |
Giảm do cung-cầu
Giá cà phê tại nhiều nơi ở các tỉnh Tây Nguyên đã chạm mức 35 triệu đồng mỗi tấn, bằng với mức của một thời điểm trong năm 2016. Nhưng bấy giờ, mức ấy là bắt đầu của chiều hướng tăng để sau đó có lúc lên đến 48 triệu đồng mỗi tấn, còn mức 35 triệu đồng hiện nay lại là mức quay đầu đi xuống.
Một số nhà phân tích cho rằng giá giảm là do các nơi đều được mùa. Mới đây, trong cuộc hội thảo về tình hình cung cầu và thị trường cà phê tại Santos, một trong những nơi sản xuất cà phê lớn nhất của Brazil, các chuyên gia đưa ra dự báo rằng sản lượng cà phê đang vào thu hoạch của nước này có thể đạt đến 63 triệu bao, trong đó sản lượng cà phê robusta có thể lên đến 1,1 triệu tấn. Như vậy, Brazil đang ở vị trí suýt soát với Việt Nam vốn đứng đầu về robusta (1,6 triệu tấn).
Thị trường cà phê yếu còn được phản ánh qua con số xuất khẩu cà phê của Việt Nam, nghịch chiều giữa lượng và giá trị. Trong bốn tháng đầu năm 2018, Việt Nam xuất khẩu khoảng 685.000 tấn và đạt kim ngạch 1,3 tỉ đô la Mỹ, tăng 17% về lượng nhưng giảm 0,3% về giá trị, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan.
Giảm do chính sách tiền tệ
Chỉ số đồng đô la Mỹ (USDX) tăng theo lịch tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) từ năm ngoái kéo qua năm nay đã không ủng hộ cho hàng hóa nông sản nói chung và giá cà phê nói riêng, vì cà phê giao dịch trên các sàn kỳ hạn và lấy đồng đô la Mỹ làm đồng tiền thanh toán. Nhất cử nhất động của chính sách tiền tệ do Fed đưa ra đều có ảnh hưởng đến giá hàng hóa này. Thường khi giá trị đồng tiền này tăng cộng với lãi suất cao, chi phí tài chính sẽ đắt hơn và khả năng tiếp cận vốn bằng đồng đô la Mỹ của các doanh nghiệp nhập khẩu giảm, nên ít nhiều ảnh hưởng đến sức mua của nhà nhập khẩu. USDX hồi đầu tháng 2 ở mức 88 điểm thì nay đang tăng quanh mức 93 điểm.
Một yếu tố khác là đồng nội tệ Brazil (BRL) đang mất giá và muốn quay lại mức thấp của năm 2016. Thời gian này, trên thị trường hối đoái 1 đô la Mỹ ăn 3,67 BRL so với tháng 9-2017 chỉ 3,08 BRL. Trong trường hợp đồng BRL mất giá cùng lúc cà phê Brazil được mùa thì sẽ tác động lớn đến giá cà phê arabica, chưa kể năm nay robusta bị “vạ lây” vì Brazil cũng được mùa robusta! Khi đó, nơi khác mất giá không cần biết, còn với nông dân trồng cà phê ở Brazil thì họ sẽ bán ào ạt bởi cà phê được giá do đồng nội tệ của họ mất giá so với đô la Mỹ.
Mất 52,5 triệu đô la Mỹ mỗi năm: chuyện lớn!
Chuyện giá cả dao động theo cung-cầu, nhấp nhô theo giá trị đồng đô la Mỹ vẫn chưa phải là tác nhân chính cho đợt giá cà phê đi xuống hiện nay. Thị trường xuất khẩu cà phê robusta đang ở khúc quanh quan trọng về thay đổi phương thức và điều kiện giao hàng. Thời điểm áp dụng phương thức và điều kiện giao hàng từ giao hàng qua lan can tàu (FOB - Free on board) sang giao hàng lên xe tải/lửa (FOT-Free on truck/train) đang đến gần.
Vào giữa năm 2016, sàn giao dịch cà phê robusta London ICE (The Intercontinental Exchange) đã có thông báo chuyển điều kiện giao hàng từ FOB sang FOT và thời gian bắt đầu áp dụng kể từ tháng 7-2018. Hiện tại, thị trường đã có những động thái giảm giá thu mua, thậm chí không mua hàng nếu như bên bán là nước xuất khẩu không trang trải các chi phí phát sinh do những thay đổi của sàn cà phê ICE London đặt ra.
Trước đây, nhà xuất khẩu cà phê robusta bán theo điều kiện của sàn ICE thường chỉ làm công việc “giao hàng qua lan can tàu” tính theo trọng lượng tịnh giao hàng lên tàu (NSW- net shipping weight). Trên cơ sở NSW, nếu hàng tới cảng đến thiếu trọng lượng trên 0,5% thì người giao hàng phải trả tiền bù cho tỷ lệ mất vượt quy định đó.
Nhưng với FOT, hàng cà phê sẽ phải để lâu hơn tại các cảng quy định của ICE để chờ làm các thủ tục xếp hàng, kiểm tra chất lượng, hao hụt do lưu kho lưu bãi, thủ tục xuất hàng lên xe tải/xe lửa...
Công bằng mà nói, ai là người hưởng lợi nhuận từ hai đầu vào và ra, người đó phải trả các chi phí làm hàng FOT. Nhưng nay, trái bóng của “cú phạt đền FOT” đang được người mua đòi đá thủng lưới người bán.
Những tính toán trữ hàng để đợi giá thị trường cao hơn nhằm kiếm lời đều bị cuốn mất theo “cơn lốc” FOT. Những suy đoán về cung cầu, sức mua... không bằng một cú quyết định. |
Vừa qua hãng tin Reuters cho biết có một tập đoàn lớn đang muốn chuyển quyền sở hữu hàng hóa trên 59.000 tấn cà phê (76% tổng lượng tồn kho) trong kho sàn ICE cho một người khác vì... chi phí FOT tại chỗ lên đến ít nhất 35 đô la Mỹ mỗi tấn. Trong khi đó, nhiều chuyên gia tính chi phí này có thể lên đến 50 đô la!
Người mua không muốn chịu trả chi phí làm hàng FOT, họ bán tồn kho và kho sẽ trống.
Tất nhiên kho sàn kỳ hạn sẽ đầy lại nhưng với điều kiện giá phải rẻ, thay vì trừ 70-80 đô la mỗi tấn thì nay trừ 120 đô la mỗi tấn và sắp tới có khi còn rẻ hơn, chẳng hạn như trừ 150 đô la mỗi tấn FOB, theo nhận định của ông Enrico Antonj, Chủ tịch Hiệp hội Kho bãi châu Âu (EWF - European Warehouse Keepers Federation).
Với tình hình trên, có thể hiểu là dù giá cà phê trên sàn kỳ hạn có tăng thì giá cà phê trong nước cũng khó bề lên mạnh. Nếu tất cả hàng cà phê xuất khẩu của Việt Nam chịu chi phí này, cứ lấy mức thấp nhất 35 đô la mỗi tấn như công ty kia đã tính, thì 1,5 triệu tấn hàng bán đi phải mất 52,5 triệu đô la Mỹ mỗi năm!
Những tính toán trữ hàng để đợi giá thị trường cao hơn nhằm kiếm lời đều bị cuốn mất theo “cơn lốc” FOT. Những suy đoán về cung cầu, sức mua... không bằng một cú quyết định.
Người bán cà phê chờ lời khuyên
Thông tin về quyết định áp dụng điều kiện giao hàng FOT này đã có từ năm 2016 nhưng nhiều nhà xuất khẩu Việt Nam nay vẫn tỏ ra khá ngỡ ngàng. Vai trò tham gia đàm phán của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, ít ra về lộ trình như kéo dài thời gian áp dụng nếu không yêu cầu được ICE ngừng áp dụng, còn trong nước ít ra cũng nên có một đề nghị với người bán về các phương án kinh doanh đối phó với quyết định trên... nhưng đến nay chưa thấy bộ phận chức năng là hiệp hội bàn bạc với hội viên và các nhà kinh doanh cà phê nội địa biết để tránh rủi ro và giải phóng hàng sớm nhằm tránh mất 35 đô la Mỹ tiền phí mỗi tấn.
Thông tin và lịch trình áp dụng điều kiện giao hàng rất rõ ràng. Điều đáng nói là bạn hàng thế giới thấy nhiều nhà xuất khẩu của Việt Nam còn bất ngờ về quyết định này. Khi một chuyện cụ thể như trên chưa làm được, thì các phát biểu như ý định đòi xoay chuyển thị trường thế giới theo ý mình vì Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ hai thế giới, hay tầm nhìn chiến lược cà phê cho vài chục năm sau... khó có thể tin được!
Xem thêm |