Thanh toán bằng CNY: Có kiểm soát được kinh tế 'ngầm' vùng biên mậu?
Đồng nhân dân tệ sẽ được thanh toán trong một số hoạt động thương mại của doanh nghiệp Việt - Trung thời gian tới |
Đối tượng nào được thanh toán bằng bản tệ
Tại Việt Nam, năm 2004, NHNN đã có quyết định 689 cho phép cư dân biên giới và thương nhân thanh toán bằng CNY và VND. Tuy nhiên, việc mua bán và mở tài khoản bằng đồng CNY tương đối hạn chế và chỉ được thanh toán qua các tài khoản hoặc nếu có nguồn thu bằng đồng CNY thì cuối ngày nguồn tiền này phải quy đổi sang VND tại các ngân hàng thương mại được cấp phép mở tại vùng biên giới.
Còn theo Thông tư 19 hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc, các đối tượng tham gia hoạt động thương mại giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc (tại 7 tỉnh biên giới gồm Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh) sẽ được tự do sử dụng CNY hoặc VND. Cụ thể, đối với hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới, thương nhân được sử dụng ngoại tệ tự do chuyển đổi CNY, VND để thanh toán; đối với hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ của cư dân biên giới và tại chợ biên giới, đồng tiền được sử dụng trong thanh toán là CNY, VND.
Ông Nguyễn Ngọc Minh - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối (NHNN) cho biết: Trong Thông tư 19, việc sử dụng đồng CNY đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc chỉ áp dụng cho đối tượng tham gia hoạt động thương mại biên giới. Ngoài sử dụng ngoại tệ tự do chuyển đổi (USD) để thanh toán theo thông lệ, thương nhân hoạt động ở biên giới Việt Nam - Trung Quốc có thể dùng VND hoặc CNY để thanh toán thông qua chi nhánh ngân hàng biên giới. “Nếu thương nhân Việt Nam xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới, họ có thể được nhận thanh toán bằng tiền mặt (VND, CNY) nhưng vẫn phải nộp vào ngân hàng trên cơ sở xuất trình các chứng từ hợp lệ”, ông Minh khẳng định.
Ông Minh cũng nêu rõ cư dân biên giới và thương nhân giao dịch tại chợ biên giới chỉ được dùng CNY và VND để thanh toán qua ngân hàng, không được sử dụng ngoại tệ khác. Nếu thanh toán bằng tiền mặt, họ chỉ được dùng VND, tuyệt đối không thể dùng CNY. “Nói cách khác, người Việt Nam, cư dân biên giới, khách du lịch Trung Quốc tới 7 tỉnh biên giới giáp Trung Quốc đến mua sắm tại chợ biên giới chỉ được thanh toán tiền mặt bằng VND và không có chuyện họ được thanh toán bằng CNY hay ngoại tệ tiền mặt”, ông Minh nhấn mạnh.
Vị đại diện NHNN cũng cho rằng, những thay đổi trong chính sách thanh toán đối với hoạt động thương mại biên giới nêu trên sẽ góp phần hoàn thiện chính sách quản lý ngoại hối và thúc đẩy thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc, góp phần thực thi chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hạn chế buôn lậu, gian lận thương mại phù hợp với chủ trương, định hướng chỉ đạo của Chính phủ.
Lo rủi ro tiềm ẩn...
Cán bộ phụ trách thanh toán của một ngân hàng cho biết, việc ban hành Thông tư 19 kể trên là động thái tích cực đẩy mạnh thanh toán và quản lý ngoại hối của NHNN. “Đã từ lâu, hoạt động thanh toán ngầm vẫn diễn ra tại các tỉnh dọc đường biên giới hai nước và bản chất chúng ta không kiểm soát được. Doanh nghiệp cũng từng “kêu” rất nhiều vì hiện ngân hàng cứ 9 giờ sáng mới mở cửa công bố tỷ giá và 15 giờ chiều đã đóng cửa. Trong khi quan hệ giao thương mua bán của doanh nghiệp có thể diễn ra từ sáng sớm đến tối khuya. Do đó, việc cho phép này sẽ hỗ trợ được doanh nghiệp rất nhiều trong làm ăn, cùng đó kiểm soát được giao dịch dòng tiền, giảm bớt “kinh tế ngầm”, vị này nói.
Có hay không rủi ro khi cho phép thanh toán trực tiếp và phải lưu ý điều gì? Theo lãnh đạo một ngân hàng thương mại (có kinh nghiệm trong thanh toán) thì khi ngân hàng làm thủ tục thanh toán cho các doanh nghiệp Trung Quốc cần cẩn trọng xem xét kỹ hồ sơ. “Tiền về Việt Nam thì không sao, còn tiền ra khá phức tạp nên phải thận trọng, kiểm soát xem tiền có thực chảy sang thanh toán không? Đặc biệt nữa là đề phòng trường hợp doanh nghiệp đi mua chứng từ hoặc tẩy xóa hồ sơ con số. Các ngân hàng cũng phải tăng cường đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm về thanh toán, kiểm soát hồ sơ”, vị này nói.
Hiện một số ngân hàng có hoạt động thanh toán biên mậu là Agribank, BIDV, Sacombank, MB, LienVietPostBank. Theo TS Phạm Thị Hoàng Anh, chuyên gia nghiên cứu sâu về đồng CNY (Học viện Ngân hàng), việc NHNN chấp nhận đồng CNY cũng đồng nghĩa với việc quản lý ngoại tệ tại vùng biên mậu chặt chẽ hơn. Các hoạt động liên quan đến CNY sẽ được chuyển đổi, mua - bán trực tiếp tại các NHTM thay vì tìm đến thị trường “phi chính thức” như thời gian trước.
Dù đến nay, CNY đã trở thành đồng tiền thanh toán quốc tế, được Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra rổ tiền tệ dự trữ quốc tế từ 1/10/2016. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, hiện Việt Nam vẫn đang trong tình trạng nhập siêu rất lớn từ Trung Quốc nên vẫn rất cần cẩn trọng trong sử dụng CNY. Có chuyên gia nêu ý kiến: Việc một số đối tượng được phép thanh toán trực tiếp bằng đồng bản tệ trong thanh toán giao dịch của Việt Nam có thể khiến VND phải phụ thuộc vào đồng CNY hãy không và điều này lâu dài sẽ không tốt cho nền kinh tế.
Theo đại diện NHNN, để kiểm soát chặt chẽ hoạt động thanh toán bằng tiền mặt này, Thông tư 19 đã quy định theo hướng thương nhân chỉ được nhận thanh toán bằng tiền mặt (VND, CNY) trên cơ sở hợp đồng xuất khẩu hàng hóa và nộp ngay vào tài khoản mở tại ngân hàng thương mại trong vòng 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tiền, không cho phép lưu thông trên thị trường lượng CNY tiền mặt này. Chi nhánh ngân hàng biên giới kiểm tra chặt chẽ chứng từ, hồ sơ khi khách hàng nộp tiền mặt vào ngân hàng. Nguồn thu tiền mặt từ mỗi hợp đồng xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới chỉ được nộp vào một tài khoản thanh toán (bằng VND hoặc CNY) mở tại chi nhánh ngân hàng biên giới. |