Cho phép sử dụng Nhân dân tệ trong thanh toán thương mại biên giới Việt - Trung từ ngày 12/10
Giá Nhân dân tệ cao nhất 2 tuần rưỡi sau động thái của Trung ương | |
Vì sao Trung Quốc không thể phá quá giá mạnh đồng Nhân dân tệ? |
Ngày 28/8/2018, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ký ban hành Thông tư số 19 hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
Theo đó, từ ngày 12/10, một số hoạt động thanh toán trong mua bán, trao đổi hàng hóa dịch vụ qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc sẽ được thực hiện bằng tiền mặt VNĐ hoặc CNY.
Cụ thể, hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa dịch vụ qua biên giới Việt Nam- Trung Quốc của thương nhân có thể sử dụng ngoại tệ tự do chuyển đổi, VNĐ hoặc CNY để thanh toán. Các phương thức được phép sử dụng để thực hiện thanh toán gồm:
(1) Thanh toán qua ngân hàng (Thanh toán bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi qua ngân hàng được phép theo quy định hiện hành về quản lý ngoại hối; Thanh toán bằng CNY qua chi nhánh ngân hàng biên giới; và thanh toán bằng VNĐ qua chi nhánh ngân hàng biên giới);
(2) Thanh toán bằng VNĐ tiền mặt hoặc CNY tiền mặt;
(3) Thanh toán phần chênh lệch trong giao dịch bù trừ hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu với hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ của thương nhân.
Trong khi đó đối với các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa dịch vụ của cư dân biên giới và tại chợ biên giới, đồng tiền sử dụng hạn chế hơn chỉ gồm VNĐ và CNY. Các phương thức thanh toán được sử dụng gồm:
(1) Thanh toán qua ngân hàng (với các hình thức: Thanh toán bằng CNY qua chi nhánh ngân hàng biên giới; Thanh toán bằng VNĐ qua chi nhánh ngân hàng biên giới);
(2) Thanh toán bằng VNĐ tiền mặt;
(3) Thanh toán phần chênh lệch trong giao dịch bù trừ hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu với hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ của cư dân biên giới.
Thông tư cũng quy định cụ thể hoạt động sử dụng tài khoản CNY, VNĐ của thương nhân, cư dân biên giới kinh doanh tại chợ biên giới; cư dân biên giới Việt Nam có hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ với cư dân biên giới Trung Quốc nhằm tạo cơ sở pháp lý để thương nhân, cá nhân thực hiện.
Ngoài các nội dung nêu trên, Thông tư cũng quy định một số hoạt động ngoại hối khác như hoạt động ủy thác thanh toán bằng đồng CNY, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu CNY tiền mặt và VNĐ tiền mặt,...
Đối tượng áp dụng của Thông tư là Thương nhân, cư dân biên giới Việt Nam, thương nhân, cư dân biên giới Trung Quốc có hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc; Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối tại Việt Nam (được gọi là ngân hàng được phép trong Thông tư); Chi nhánh của ngân hàng được phép đặt tại vùng biên giới, khu kinh tế cửa khẩu Việt Nam - Trung Quốc (được gọi là chi nhánh ngân hàng biên giới trong Thông tư); Tổ chức kinh doanh hàng miễn thuế, tổ chức cung ứng dịch vụ ở khu cách ly tại các cửa khẩu quốc tế, tổ chức kinh doanh kho ngoại quan tại vùng biên giới, khu kinh tế cửa khẩu Việt Nam - Trung Quốc và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động thanh toán trong thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc. |