Vì sao Trung Quốc không thể phá quá giá mạnh đồng Nhân dân tệ?
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc bác bỏ cáo buộc thao túng Nhân dân tệ | |
Trung Quốc quản lý đồng nhân dân tệ như thế nào? |
Ảnh minh họa |
Theo nhận định của Công ty Chứng khóan Bảo Việt (BVSC), đà lao dốc mạnh của đồng Nhân dân tệ (NDT) kể từ đầu tháng 6/2018 đến nay không phải xuất phát từ động thái giảm giá trực tiếp của chính phủ Trung Quốc mà là do chính diễn biến cung cầu thực tế đối với đồng NDT trên thị trường Đại lục và Hông Kông.
Diễn biến này hoàn toàn khác với động thái chủ động phá giá của Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc (PBOC) vào tháng 8/2015. Hơn nữa, so với năm 2015, BVSC cho rằng rủi ro Trung Quốc chủ động phá giá mạnh đồng NDT trong thời điểm hiện tại là không thật sự lớn. Có thể kể đến một số nguyên nhân dưới đây.
Cáo buộc về thao túng tiền tệ
Chính quyền Trump luôn duy trì cáo buộc Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ và chắc chắn Mỹ đang theo dõi rất sát những động thái liên quan đến việc điều hành tỷ giá của Trung Quốc.
Nếu Trung Quốc chủ động phá giá mạnh đồng NDT vào lúc này, cáo buộc của Mỹ sẽ càng trở nên có cơ sở rõ hơn và Mỹ sẽ có thêm lý do để áp đặt các lệnh trừng phạt lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Giảm vị thế "nước lớn" khi đầu tư ra nước ngoài
Kể từ năm 2014 trở lại đây, Trung Quốc đã tăng cường hoạt động đầu tư ra nước ngoài với trọng điểm là sáng kiến “một vành đai, một con đường” của ông Tập Cận Bình. Hoạt động đầu tư ra nước ngoài đặc biệt mạnh trong năm 2015 và 2016 trước khi giảm tốc trong năm 2017 và quý I/2018.
Theo số liệu từ Bloomberg, cán cân tài chính lũy kế của Trung Quốc kể từ quý I/2014 đến hết quý I/2018 là - 654 tỷ USD. Điều này cho thấy trong 4 năm gần đây, Trung Quốc đã trở thành một nước đầu tư ròng ra nước ngoài. Việc đồng NDT giảm giá quá mạnh sẽ không có lợi về kinh tế cho hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc cũng như ảnh hưởng đến vị thế “nước lớn” của Trung Quốc, đặc biệt tại các quốc gia đang tiếp nhận vốn đầu tư từ nước này.
Cùng với đó, kể từ cuối năm 2016, NDT đã chính thức được đưa vào rổ tiền tệ nhằm tính quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của IMF. Đây là nhân tố hoàn toàn khác với giai đoạn trước năm 2016, khiến Chính phủ Trung Quốc phải cân nhắc kỹ hơn trong việc can thiệp mạnh tay vào tỷ giá hối đoái.
Áp lực từ nợ nước ngoài
Nợ nước ngoài của Trung Quốc có xu hướng tăng liên tục kể từ năm 2015 cho đến nay. Tổng nợ vay nước ngoài của Trung Quốc tính đến hết quý I/2018 đạt 1.214 tỷ USD (tương đương khoảng 13% GDP của Trung Quốc). Dù tỷ lệ này chưa quá lớn nhưng việc đồng NDT giảm giá quá mạnh cũng sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của Trung Quốc. Yếu tố này là điểm khiến Chính phủ Trung Quốc quan tâm khi Nhân dân tệ có biến động quá mạnh.
Đồng NDT giảm giá là tất yếu
Xét ở khía cạnh rủi ro thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, theo đánh giá của BVSC thì đồng NDT chỉ cần giảm giá khoảng 2,7% là đủ trung hoà rủi ro tăng thuế của Mỹ và giữ cho giá hàng hóa xuất khẩu nói chung của Trung Quốc ra thị trường thế giới ở mức như cũ (tức vẫn đảm bảo khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu).
Như vậy, so sánh với mức mất giá khoảng 8% kể từ khi rủi ro thương mại leo thang thì đà lao dốc vừa qua của NDT đã có phần thái quá và bị ảnh hưởng tâm lý trong ngắn hạn.
Mặc dù, cho rằng khả năng Trung Quốc chủ động phá giá mạnh đồng NDT trong thời gian tới là không lớn nhưng BVSC cũng cho rằng có xu hướng yếu đi của đồng NDT trong mấy tháng qua là hoàn toàn hợp lý.
Bởi trong khi FED liên tục tăng lãi suất thì Trung Quốc có những động thái nới lỏng chính sách tiền tệ. Điều này khiến chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ giữa Trung Quốc và Mỹ giảm xuống và dòng tiền đầu tư sẽ có xu hướng rút ra khỏi Trung Quốc và quay trở về Mỹ, dẫn đến việc đồng NDT giảm giá so với USD.
Xem thêm |