|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

'Thành phố iPhone' Trịnh Châu, hình ảnh thu nhỏ của nền kinh tế Trung Quốc lúc này

07:55 | 29/09/2023
Chia sẻ
“Thành phố iPhone” Trịnh Châu tập hợp đủ mọi vấn đề lớn mà Trung Quốc phải đối mặt. Do đó, Trịnh Châu là nơi lý tưởng để các nhà hoạch định chính sách thí điểm những biện pháp hỗ trợ nền kinh tế.

Một khu chung cư ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters).

Nơi lý tưởng để thí điểm chính sách

Bình thường, cứ vào buổi tối là khu vực sản xuất của thành phố Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam) sẽ chật cứng công nhân trên đường quay trở về ký túc xá.

Trong hơn một thập kỷ, thành phố 13 triệu dân này là nhà của các nhân viên Foxconn. Họ đến để lắp ráp iPhone tại một siêu nhà máy trong thành phố. Do đó, hoạt động tại các quán ăn và cafe internet sẽ là thước đo không chính thức về sức khỏe của nền kinh tế địa phương.

Song bây giờ, một trong những khu ký túc xá chính bị bỏ trống. Các quán cafe bị dỡ bỏ, đồ nội thất trong các căn phòng ký túc xá bị đem bán. Nhiều công nhân đã bỏ đi và không bao giờ quay trở lại sau khi thành phố áp dụng lệnh phong tỏa nghiêm ngặt hồi cuối năm ngoái. 

Theo Economist, Trịnh Châu đã trở thành một trong những thành phố đáng ngại nhất của Trung Quốc. GDP bình quân đầu người của tỉnh Hà Nam thấp hơn 27% so với mức trung bình quốc gia.

Những khó khăn của Trịnh Châu là ví dụ điển hình cho những vấn đề mà Trung Quốc phải đối mặt, bao gồm tình trạng thiếu việc làm, sự bất ổn của ngành ngân hàng và sự xuống dốc của thị trường bất động sản.

Các rắc rối của Trịnh Châu cũng xuất hiện sớm hơn hầu hết những khu vực khác. Do đó, Trịnh Châu đã trở thành vùng đất lý tưởng để áp dụng các chính sách tiềm năng. 

Kinh nghiệm của Trịnh Châu cho thấy Trung Quốc sẽ gặp rất nhiều khó khăn để giải quyết dứt điểm những vấn đề của mình và quá trình phục hồi cũng sẽ cần không ít thời gian. 

Rắc rối của Trịnh Châu bắt đầu gia tăng rõ rệt vào năm 2020 khi công ty năng lượng địa phương Yongcheng Coal vỡ nợ. Năm tiếp theo, lũ lụt quét qua thành phố, nhấn chìm một tuyến tàu điện ngầm và giết chết gần 400 người, tờ Economist cho biết.

Năm 2022, 4 ngân hàng ở tỉnh Hà Nam lâm vào khủng hoảng tiền mặt, dẫn đến việc khách hàng biểu tình để đòi tiền gửi. Những người biểu tình đã đứng hàng tuần bên ngoài chi nhánh Trịnh Châu của ngân hàng trung ương Trung Quốc. Thành phố cũng trải qua giai đoạn phong tỏa hà khắc trong đại dịch COVID-19.

Sau khi Trịnh Châu trải qua nhiều biến động, thị trường bất động sản của thành phố này ngày càng trở nên tồi tệ. Trung Quốc đã ở trong khủng hoảng bất động sản từ năm 2021. Các nhà phát triển bất động sản thiếu tiền để hoàn thiện nhà. Vào tháng 7 năm ngoái, những người mua nhà bất mãn đã khởi động phong trào tẩy chay nợ vay thế chấp và Trịnh Châu là một trong những tâm chấn.

 

Những cải cách của Trịnh Châu

Tình hình khó khăn buộc các quan chức địa phương phải hành động. Tỉnh Hà Nam đã vạch ra kế hoạch để khắc phục tình trạng thiếu việc làm, bao gồm một chiến dịch kéo dài 100 ngày.

Nhân viên tại các trường đại học được yêu cầu xác định những thanh niên gặp khó khăn khi tìm kiếm việc làm và kết nối họ với các tổ chức công, doanh nghiệp nhà nước và cả người sử dụng lao động ở nông thôn.

Chiến dịch này mới chỉ kết thúc nên kết quả chưa được rõ ràng. Tuy nhiên, chính sách này khó có thể giúp người lao động có thêm cơ hội việc làm. Năm nay Hà Nam có tới 870.000 tân cử nhân. Các công chức của tỉnh hẳn đã phải làm việc thêm giờ để có thể khắc phục một phần nhỏ của vấn đề.

Trịnh Châu cũng đã triển khai một số chính sách khác. Vào tháng 3, Trịnh Châu trở thành thành phố lớn đầu tiên bãi bỏ các hạn chế đối với việc mua căn nhà thứ hai, nhằm kích thích nhu cầu.

Trong tháng 8, Trịnh Châu lại đi trước với tư cách là thành phố đầu tiên yêu cầu ngân hàng hạ lãi suất cho vay thế chấp và hỗ trợ tối đa 30.000 nhân dân tệ (tương đương khoảng 4.100 USD) cho các gia đình có ba con muốn mua nhà. Thành phố cũng dỡ bỏ quy định cấm người dân bán lại nhà trong vòng ba năm sau khi mua.

Tới đầu tháng 9, một số dự án phát triển bất động sản lớn nhất của Trịnh Châu đã được khởi động lại. Một trong số những khu dân cư bị tạm dừng lâu năm có tên là Qifucheng. Khu này bao gồm 6.000 hơn căn hộ dân cư và đã ngừng thi công từ năm 2019.

Giờ đây, các chuyến xe tải đang bận rộn vào ra công trường và nhiều lao động đã có việc làm. Nếu các dự án tương tự tiếp tục được nối lại, có thể những người muốn mua nhà sẽ tìm lại được lòng tin vào ngành bất động sản. Tuy nhiên, quá trình này sẽ tốn thời gian. Giá nhà ở Trịnh Châu vẫn đang đi xuống, ghi nhận mức giảm 0,5% so với tháng liền trước vào tháng 8.

Cải cách táo bạo nhất của Trịnh Châu có lẽ là việc nới lỏng hạn chế của hệ thống hộ khẩu hukou. Một năm trước, các quan chức thành phố thông báo rằng những lao động nhập cư có việc làm và nơi cư trú tại địa phương có thể đủ điều kiện đăng ký cần thiết để mua nhà hoặc tiếp cận giáo dục trong khu vực.

Trên lý thuyết, việc bãi bỏ hukou có thể giúp giải quyết rất nhiều rắc rối của thành phố. Những người tài trẻ tuổi muốn sống trong một thành phố lớn ở khu vực trung tâm có thể chuyển đến Trịnh Châu. Một số người thậm chí có thể mở startup, thu hút lao động trên khắp đất nước. Việc này sẽ có lợi cho giá bất động sản.

Nhưng kể từ sau khi các nhà chức trách công bố cải cách trên, những tỉnh thành khác như Giang Tô cũng đã thực hiện động thái tương tự, làm tăng thêm sự cạnh tranh trong việc thu hút nhân tài. 

Chính phủ Trung Quốc có vẻ đang nghiêm túc xem xét tình trạng trì trệ của nền kinh tế quốc gia. Cùng lúc đó, ngân hàng trung ương cũng nới lỏng chính sách tiền tệ.

Nhưng liệu Bắc Kinh có thể giải quyết các cuộc khủng hoảng tại các địa phương hay không vẫn là câu hỏi chưa có lời giải, trong khi đó đây lại là yếu tố cần thiết để nước này nâng cao tốc độ tăng trưởng dài hạn.

Cho đến nay, chính phủ Trung Quốc vẫn muốn các nhà lãnh đạo địa phương giải quyết nhiều vấn đề của chính họ. Thật không may là kinh nghiệm của Trịnh Châu cho thấy rằng đây sẽ là quá trình đầy trắc trở.

Giang

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.