‘Vành đai và Con đường’ của Trung Quốc lâm vào thế khó, liệu kế hoạch đối trọng của phương Tây có thể tận dụng cơ hội toả sáng?
Dự định của phương Tây
Theo tờ Reuters, phương Tây đang có cơ hội để xúc tiến một kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng mới dành cho các nước đang phát triển.
Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) trị giá 1.000 tỷ USD của Trung Quốc đang bị bủa vây bởi nợ xấu. Italy, nước giàu có duy nhất tham gia BRI, có ý định rút lui. Bản thân Trung Quốc cũng đang đối mặt với rắc rối tài chính riêng và không dễ rót thêm vốn ra nước ngoài.
Các quốc gia giàu có trong nhóm G7 đã vạch ra kế hoạch trị giá 600 tỷ USD có tên Đối tác về Cơ sở hạ tầng và Đầu tư toàn cầu (PGII) để đối trọng với BRI. Nội dung của PGII xoay quanh đường sắt và năng lượng sạch.
Các mục tiêu của PGII bao gồm thiết lập một hành lang kinh tế kết nối Ấn Độ với châu Âu thông qua bán đảo Ả Rập, một hành lang xuyên châu Phi nối Zambia với Angola qua Cộng hòa Dân chủ Congo.
PGII cũng đặt mục tiêu xây dựng các quan hệ đối tác để giúp Việt Nam, Indonesia, Nam Phi và Senegal thực hiện quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo.
Theo nhận định của Reuters, thông qua PGII, các quốc gia phương Tây giàu có, dẫn đầu là Mỹ, đang muốn cải thiện quan hệ với các nước đang phát triển.
Đồng thời, kế hoạch của G7 cũng có thể mang lại lợi ích kinh tế thực sự. Các hành lang có thể kết nối những nước nghèo hơn với khách hàng mới, cho phép họ tận dụng tài nguyên một cách hiệu quả hơn. Và đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ tạo ra nền tảng cho tăng trưởng kinh tế.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đang nỗ lực đề cao PGII. Tại hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra đầu tháng này, ông đã tiết lộ dự án xây dựng hành lang kinh tế để kết nối Ấn Độ, Trung Đông với châu Âu. Ông cũng cam kết sẽ có thêm các hành lang khác trong tương lai, tờ Reuters đưa tin.
Nhưng PGII vẫn còn phải chứng tỏ bản thân thêm nữa. PGII hứa hẹn sẽ huy động được 600 tỷ USD vào cuối năm 2027, nhưng cho đến nay các chính phủ mới chỉ cung cấp rất ít tiền mặt và cũng chưa thu hút được nhiều vốn tư nhân.
Kế hoạch này cũng chưa nhắc đến các biện pháp nhằm chống nạn tham nhũng hoặc ngăn các nước nghèo bị đè bẹp bởi nợ nần. Đây là hai vấn đề lớn gây khó khăn cho BRI của Trung Quốc.
Vấn đề tài trợ
Ông Hung Tran, thành viên của Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết PGII muốn trở nên khác biệt với BRI bằng các tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị cao. PGII tốn thời gian để vạch ra các dự án chất lượng và vì vậy nguồn vốn cũng không thể được phân bổ nhanh chóng.
Tuy nhiên, một lý do khác là các nền kinh tế tiên tiến đang ngần ngại phải mở ví trong lúc tình hình tài chính công gặp căng thẳng như hiện nay. Thay vào đó, các chính phủ hy vọng khu vực tư nhân sẽ đứng ra hỗ trợ.
Nếu thành công, cách tiếp cận này sẽ càng khiến PGII trở nên khác biệt với BRI. Sáng kiến của Trung Quốc chủ yếu được tài trợ bởi nguồn vốn của các ngân hàng nhà nước.
Nếu doanh nghiệp tư nhân dẫn đầu các dự án, gánh nặng đối với tài chính công sẽ vơi bớt. Thêm nữa, các nhà đầu tư cũng sẽ chú ý đến việc đảm bảo tiền được sử dụng đúng mục đích và không bị phí phạm.
Vấn đề là việc huy động nguồn tài chính trong thực tế khó khăn hơn nhiều so với trên lý thuyết. Ví dụ, một trong những dự án của PGII là huy động 20 tỷ USD để giúp Indonesia chuyển từ năng lượng đốt than sang năng lượng tái tạo.
Ban đầu, G7 dự kiến sẽ công bố kế hoạch đầu tư vào tháng 8, nhưng sau đó lại trì hoãn trong bối cảnh các nước phương Tây tranh cãi nhau về nguồn tài trợ. Trước đó, khu vực tư nhân được kỳ vọng là sẽ cung cấp một nửa số tiền cần thiết.
Biến lời nói thành hành động
Bất chấp những dự tính về hành lang kinh tế mới giữa Ấn Độ và châu Âu, thỏa thuận rõ ràng duy nhất trong khuôn khổ PGII là một bản ghi nhớ dài 326 từ, theo Reuters.
Chưa có văn bản chính thức nào khẳng định chắc chắn về chi phí của kế hoạch, nước nào sẽ cung cấp vốn hoặc các nhà tài trợ sẽ nhận bao nhiêu lãi từ các khoản đầu tư. Tuy nhiên, gần đây đã có thêm thông tin rằng Arab Saudi cam kết đóng góp 20 tỷ USD cho kế hoạch này.
PGII cũng có vẻ sẽ không xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng tại các nước đang phát triển. Tờ Reuters cho biết hầu hết khoản đầu tư có khả năng sẽ đổ vào UAE và Arab Saudi, và cả hai đều không phải là nước nghèo. Cho đến khi các nước đối tác công bố kế hoạch hành động rõ ràng, khả năng thành công của PGII vẫn sẽ bị đặt câu hỏi.
Trong khi đó, Trung Quốc vẫn chưa từ bỏ siêu dự án cơ sở hạ tầng do họ dẫn dắt. Tháng sau, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ gặp gỡ đại diện của 110 quốc gia, bao gồm cả Tổng thống Nga Vladimir Putin, để tham dự diễn đàn Vành đai và Con đường ở Bắc Kinh. Trung Quốc cũng đang nhấn mạnh các chủ đề như phát triển xanh và kết nối kỹ thuật số, đánh dấu sự thay đổi lớn so với trọng tâm vào các nhà máy điện đốt than trước đó.
Đối với các nước đang phát triển, việc hai sáng kiến cơ sở hạ tầng cạnh tranh nhau để giành lấy sự chú ý của họ là điều tốt. Nhưng nếu phương Tây muốn vượt qua Trung Quốc về đầu tư vào các nước nghèo hơn thì họ phải biến kế hoạch thành hiện thực.