|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TP HCM tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về lĩnh vực xây dựng

08:30 | 25/06/2022
Chia sẻ
Ngày 24/6, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC) phối hợp với Sở Xây dựng Thành phố tổ chức Hội nghị Đối thoại giữa Doanh nghiệp và Chính quyền Tp. Hồ Chí Minh nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp về lĩnh vực xây dựng.

Hội nghị thu hút hơn 200 doanh nghiệp tham dự, tiếp nhận và giải đáp các câu hỏi liên quan đến các vấn đề về thời gian và thủ tục xin giấy phép xây dựng, chính sách ưu tiên làm nhà ở xã hội, thủ tục bàn giao trạm xử lý nước thải…

Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN).

Ông Trần Phú Lữ, Phó Giám đốc ITPC cho biết, hội nghị nhằm tạo điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố gặp gỡ, đối thoại với lãnh đạo Sở Xây dựng và lãnh đạo các sở, ngành liên quan, trực tiếp trao đổi các vấn đề vướng mắc liên quan đến lĩnh vực đầu tư, xây dựng thuộc chức năng quản lý nhà nước của Sở Xây dựng.

Đồng thời, hội nghị cũng là dịp để ngành xây dựng thành phố lắng nghe các ý kiến, đề xuất các giải pháp từ doanh nghiệp nhằm góp phần thực hiện tốt chủ đề năm 2022 "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp" và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Tp. Hồ Chí Minh.

Tại Hội nghị, nhiều doanh nghiệp đã đặt câu hỏi về việc nhiều dự án kinh doanh bị lâm vào tình trạng đình trệ, đất bị bỏ hoang do vướng thủ tục.

Đơn cử như trường hợp của ông Đinh Công Khương, Chủ tịch Công ty Thép Khương Mai, từ năm 1990, ông Khương mua một mảnh đất ở quận 7 trong khu dân cư với mục đích xây dựng chung cư hoặc toà nhà cho thuê văn phòng để kinh doanh nhưng gặp khó khăn trong việc chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở.

Mãi đến năm 2004, ông Khương mới chuyển mục đích sử dụng được một nửa diện tích đất, sang năm 2006 chuyển được nửa còn lại. Sau đó, ông Khương mua thêm đất ngay phía sau, định gộp chung để xây dựng văn phòng hoặc kho bãi nhưng đến nay sau 5 lần nộp hồ sơ vẫn chưa chuyển được mục đích sử dụng đất, dù không vướng mắc gì. Như vậy sau 32 năm mua đất, đến nay ông vẫn phải bỏ hoang vì vấn đề thủ tục.

Theo ông Khương, chỉ tính riêng miếng đất mua sau này, ông đã phải vay ngân hàng trên 40 tỷ đồng với lãi suất hơn 300 triệu đồng/tháng. Thế nhưng đến nay, ông vẫn chưa thể khai thác miếng đất để thu hồi vốn và trả khoản vay cho ngân hàng và thu hồi vốn, chứ chưa nói đến việc sinh lời.

Qua tìm hiểu, ông Khương nhận thấy tình trạng này cũng xảy ra tại các huyện vùng ven như Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi… khi vẫn còn nhiều khu đất nông nghiệp bị bỏ hoang, trong khi doanh nghiệp muốn xây dựng công trình, kho bãi để lưu trữ hàng hoá lại không được. Ông Khương cho rằng, vấn đề này sẽ khiến người dân, doanh nghiệp chuyển sang các tỉnh, thành phố lân cận khác để mua đất kinh doanh, khiến thành phố mất nguồn thu.

Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu.  (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN).

Trả lời các doanh nghiệp, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh lý giải, nguyên nhân chính là các quy trình, thủ tục chưa được điều chỉnh tương thích với sự thay đổi của các luật, nghị định, thông tư mới được ban hành hoặc sửa đổi từ năm 2019 đến nay.

Tuy nhiên, sau 3 đợt kiến nghị của hơn 110 dự án do Hiệp hội Bất động sản Tp. Hồ Chí Minh tổng hợp gửi lên, Chính phủ đã thành lập tổ công tác vào thành phố để tháo gỡ vướng mắc của từng dự án; trong đó, có nhiều vấn đề liên quan đến đất công, thủ tục đầu tư, quá trình cấp phép trước đây.

"Chúng tôi hi vọng trong năm nay sẽ có hướng tháo gỡ, bởi riêng Sở Xây dựng đang thụ lý trên 60 dự án còn vướng mắc, Sở Tài nguyên Môi trường cũng có con số tương tự", ông Huỳnh Thanh Khiết chia sẻ.

Trong khi đó, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Tp. Hồ Chí Minh khẳng định, đất nông nghiệp nếu phù hợp với đất ở, đất thương mại dịch vụ thì được điều chỉnh quyền sử dụng đất, miễn là có kế hoạch sử dụng đất hằng năm, có dự án đầu tư được duyệt và có năng lực tài chính, phải ký quỹ theo quy định và không vi phạm Luật Đất đai.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố, để hạn chế tình trạng hoang hóa đất đai, cần bám sát hiện trạng sử dụng đất để lập quy hoạch. Điều này đang được các sở ngành thực hiện trong quá trình điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030.

Riêng với loại hình đất nông nghiệp, vừa qua thành phố đã thí điểm đầu tư xây dựng công trình trên đất nông nghiệp ở các huyện Cần Giờ, Nhà Bè và Củ Chi. Mới đây, Phó chủ tịch UBND Thành phố Võ Văn Hoan cũng chỉ đạo trong thời gian thí điểm nếu đánh giá giải pháp này hữu dụng thì sẽ triển khai thêm ở hai huyện Hóc Môn và Bình Chánh, nhằm tránh lãng phí tài nguyên đất.

Bên cạnh việc giải quyết thủ tục, nhiều doanh nghiệp cũng đề nghị cần có chính sách ưu tiên cụ thể để làm nhà ở xã hội trên địa bàn đặc thù như Tp. Hồ Chí Minh. Đối với vấn đề này, ông Huỳnh Thanh Khiết cho biết, theo quy định của Luật Nhà ở, không cần có đất ở hợp pháp mà chỉ cần có đất phù hợp với quy hoạch trên khu vực đã được phê duyệt là đất ở.

Riêng về điều kiện để được phê duyệt dự án nhà ở xã hội, khu vực dự án phải còn phải căn cứ vào chỉ tiêu quy mô dân số, nếu còn chỉ tiêu thuộc cấp quận thì mới được phê duyệt. Theo ông Huỳnh Thanh Khiết, thời gian tới, UBND Tp. Hồ Chí Minh sẽ ban hành quy trình phê duyệt dự án nhà ở xã hội để làm rõ hơn các vấn đề này.

"Các quận, huyện phải có ý kiến về quy mô dân số cũng như việc đầu tư nhà ở xã hội trước, sau đó mới tiếp tục làm các bước tiếp theo. Tức là trong quy hoạch còn quy mô dân số hay không để bố trí dự án nhà ở xã hội ở khu vực đó thì mới làm các bước tiếp. Còn các bước sau như chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ đầu tư… sẽ đơn giản hơn so với dự án nhà ở thương mại", ông Khiết thông tin.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp. Hồ Chí Minh cho biết, đối với phân khúc nhà ở xã hội, hiện nay trên địa bàn thành phố có những dự án đã có đất nhưng để trống thời gian dài vẫn chưa triển khai được.

Nguyên nhân là gặp vướng mắc do chỉ tiêu ưu đãi, cụ thể là ưu đãi tăng 1,5 lần hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng. Những chỉ tiêu này dẫn tới chỉ tiêu dân số, mà hiện nay khu vực dự án phải còn chỉ tiêu dân số mới được phê duyệt.

Do đó ông Châu đề xuất, cần phải xem xét chỉ tiêu dân số trên nguyên tắc "bình thông nhau". Đó là 13 triệu dân đang sinh sống tại Tp. Hồ Chí Minh thường trú ở quận huyện nào, có đóng bảo hiểm xã hội, làm việc trên địa bàn Thành phố thì có quyền mua nhà ở xã hội trên địa bàn không phân biệt quận, huyện.

Một vấn đề được các doanh nghiệp quan tâm là việc nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước trong bối cảnh thành phố vẫn đang phải đối mặt với tình trạng ngập nước do mưa và triều cường.

Ông Nguyễn Đức Huy, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Địa chất Khoáng sản và Môi trường Sài Gòn đề xuất, nhằm chống ngập cục bộ thì đối với những công trình xây dựng mới, Tp. Hồ Chí Minh nên dựa trên kiến trúc nền móng chung để thiết kế thêm một tầng hầm để làm vai trò của bể chứa nước dưới mỗi công trình hoặc những khu vực không có trục dựng, không có nhiều xe tải trọng lớn di chuyển.

Bên cạnh đó, thành phố cũng có thể đào thêm những hồ trữ nước ở khu vực ngoại thành theo mô hình "hồ đa năng", vừa thoát, trữ nước đồng thời hạn chế ngập khi triều cường, mưa lớn và chống sạt lở đất.

Hồng Giang