Tham vọng vươn khắp toàn cầu, sánh ngang Facebook, Google của ứng dụng TikTok
Người sáng lập ByteDance, công ty sở hữu ứng dụng chia sẻ video ngắn đình đám TikTok, từ lâu đã muốn đưa ByteDance thành công ty đầu tiên của Trung Quốc thách thức những tập đoàn Internet của Mỹ trên sân chơi toàn cầu. Tuần này, Zhang Yiming đã thực hiện một bước tiến quan trọng để đạt mục tiêu đó.
Khi giới thiệu những vị trí quản lý kinh doanh mới của ByteDance ở Trung Quốc, ông Zhang Yiming chia sẻ công ty sẽ tập trung mở rộng toàn cầu cùng nhiều dự án mới như giáo dục.
Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, Zhang không ngần ngại nói về mục tiêu đưa ByteDance thành tập đoàn toàn cầu, tương tự Google và Facebook, bất chấp việc công ty đối mặt vô số chướng ngại do bị Mỹ đưa vào diện cần xem xét về bảo mật dữ liệu người dùng.
Thậm chí, nhiều cơ quan chính phủ Mỹ cấm nhân viên dùng TikTok trước những quan ngại về bảo mật.
"Chúng tôi đối mặt rất nhiều hiểu lầm", Zhang chia sẻ với Reuters từ New York thông qua ứng dụng hỗ trợ năng suất làm việc Lark. "Chúng tôi thực hiện địa phương hoá ở các thị trường khác nhau nhiều hơn mọi người nghĩ."
Với định giá gần chạm mốc 100 tỉ USD ở thời điểm hiện tại,, ByteDance đang là một trong những startup lớn nhất thế giới. Song mọi thứ không hoàn toàn do may mắn.
Đầu năm 2013, khi ByteDance mới thành lập một một năm và gần như không có doanh thu, Zhang đã bắt đầu nghĩ đến kế hoạch mở rộng toàn cầu, theo Joan Wang, một nhà đầu tư sớm của ByteDance, giám đốc điều hành SIG China.
Zhang thuyết phục Wang bằng rất nhiều cuộc điện thoại và cuộc gặp rằng anh tin thuật toán gợi ý bằng tiếng Trung sử dụng trong ứng dụng đọc tin Jinri Toutiao có thể mở rộng sang nhiều loại hình nội dung và ngôn ngữ khác.
"Thế nhưng nguồn lực ByteDance lúc đó còn lâu mới giúp công ty thực hiện giấc mơ toàn cầu được", Wang nói thêm.
Theo đuổi thành công toàn cầu
Hiện tại, TikTok đang đàm phán với Uỷ ban Đầu tư Nước ngoài Mỹ (CFIUS) về thương vụ thâu tóm Musical.ly và sau đó tích hợp vào TikTok. Thương vụ thâu tóm được xem xét lại trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung có diễn biến nóng lên và Mỹ quan ngại về cách TikTok xử lý dữ liệu người dùng.
Theo báo cáo của Reuters, ByteDance đang cố gắng tách TikTok ra khỏi các hoạt động của ByteDance ở Trung Quốc để củng cố niềm tin với CFIUS.
"Tôi không trực tiếp tham gia vào vấn đề này", Zhang nói khi được hỏi về thương thuyết vời CFIUS. Dù vậy, anh chia sẻ sự lạc quan về tương tác của công ty với chính phủ Mỹ.
Đầu tuần, ByteDance tuyên bố kế hoạch lập một "trung tâm minh bạch" ở Los Angeles để cho các nhà điều hành và công chúng thấy cách ByteDance quản lí thông tin và nội dung trên nền tảng của mình.
Một nhà đầu tư lớn của ByteDance nói với Reuters rằng nhiều người ủng hộ TikTok tách ra thành một công ty riêng từ hồi năm ngoái, song ByteDance chưa tính đến khả năng này.
Nguồn tin thân cận cho biết Zhang vẫn là người nắm giữ phần lớn quyền biểu quyết trong công ty mặc dù ByteDance đã nhận hàng tỉ USD từ các nhà đầu tư như SoftBank, KKR & Co Inc và Sequoia Capital China.
Năm ngoái, Zhang dành 2/3 thời gian của mình ở bên ngoài Trung Quốc và thích tới thăm các nhà hát và bảo tàng ở London. Anh dự tính sẽ tăng tỉ trọng thời gian ở nước ngoài trong năm nay để "hiểu hơn về môi trường".
Chưa có kế hoạch IPO trong ngắn hạn
Zhang thực tế đang học hỏi nhiều chiến lược của các công ty công nghệ Mỹ. Văn phòng của ByteDance ở Bắc Kinh treo nhiều poster, trong đó có ảnh bìa cuốn "How Google Work" của cựu CEO Google Eric Schmidt.
Anh tổ chức các buổi nói chuyện hai tháng một lần để chia sẻ về các mục tiêu của mình, một nét văn hoá đặc trưng của Google, và đồng thời phá vỡ truyền thống ở Trung Quốc khi yêu cầu nhân viên không gọi mình là CEO hay sếp.
Zhang khẳng định chiến lược phát triển sản phẩm của TikTok mang tính toàn cầu. Một mạng xã hội Ấn Độ có tên Helo là một ví dụ cho thấy những gì ByteDance đang xây dựng từ con số 0 cho một thị trường địa phương.
"Chúng tôi tin thị trường quảng cáo số ở Ấn Độ nhỏ trong ngắn hạn song tiềm năng tăng trưởng lại rất lớn", anh chia sẻ.
Lark, ứng dụng hỗ trợ năng suất làm việc, cũng được tối ưu để tung ra toàn cầu. Zhang gạt bỏ ý định phát triển Lark cho thị trường Trung Quốc mà thay vào đó hướng tới thị trường Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản ngay từ đầu, nguồn tin nội bộ nói.
Phiên bản Trung Quốc của Lark, Feishu, nhận được nhiều sự quan tâm gần đây do sự bùng phát của virus corona chủng mới tạo nhu cầu cho các công cụ làm việc từ xa.
Có thể nói, quá trình chuẩn bị cho "toàn cầu hoá" của ByteDance thực sự bắt đầu từ đầu năm 2018. Cuối năm ngoái, ByteDance tổ chức các cuộc thảo luận với sàn chứng khoán Trung Quốc đại lục về cơ hội niêm yết, song ByteDance ưu tiên New York hoặc Hong Kong hơn.
"Chúng tôi không có áp lực phải IPO và chưa có kế hoạch trong ngắn hạn", Zhang nhấn mạnh. "Song chúng tôi đang chuẩn bị về nội lực và hướng tới IPO".