|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tham vọng toàn cầu của đế chế dầu mỏ lớn nhất thế giới lung lay vì COVID-19

17:05 | 05/09/2020
Chia sẻ
Bỏ các thỏa thuận và bán bớt tài sản có thể là hai giải pháp mà Aramco, tập đoàn dầu mỏ lớn nhất thế giới, phải thực hiện để giảm thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây nên.

Đại dịch COVID-19 đang làm đảo lộn ngành năng lượng và thôi thúc những doanh nghiệp hàng đầu tạo ra những thay đổi lớn. Nhóm doanh nghiệp ấy bao gồm Saudi Aramco, nhà sản xuất dầu lớn nhất và có lợi nhuận lớn nhất.

Đà giảm giá mạnh trong năm nay đè nặng lên tập đoàn dầu khí quốc gia của Saudi Arabia, một doanh nghiệp phụ thuộc vào việc bơm dầu thô để tạo ra tiền mặt mà họ cần để trả cổ tức cho các nhà đầu tư.

Bỏ các thỏa thuận và bán bớt tài sản

Giờ đây, có lẽ Aramco sẽ buộc phải thực hiện một việc mà họ chưa từng nghĩ tới: Bỏ các thỏa thuận và bán bớt tài sản. Thứ đầu tiên trên danh sách có thể là kế hoạch xây một mạng lưới nhà máy lọc dầu ở những thị trường lớn nhất thế giới nhằm tăng giá trị của mỗi thùng dầu mà họ bơm, theo CNN.

Những thỏa thuận tham gia hoạt động lọc dầu ở Trung Quốc và Ấn Độ, hai trong số những nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới – dường như đã bị hoãn trong vài tuần qua. Giới truyền thông cho rằng Aramco cũng sẽ hoãn mở rộng một nhà máy lọc dầu lớn ở Mỹ.

Tham vọng toàn cầu của đế chế dầu mỏ lớn nhất thế giới lung lay vì COVID-19 - Ảnh 1.

Trong khoảng thời gian giữa tháng 4 và 6, lợi nhuận ròng của Aramco giảm hơn 73% còn 6,6 tỉ USD. Ảnh: arabbusiness.com

Sự sắp xếp lại các ưu tiên có thể dẫn đến hậu quả dài hạn đối với tập đoàn và vương quốc Arab Saudi, do bản chất nhạy cảm chính trị của một số dự án.

"Aramco luôn liên quan tới chính trị", Iman Nasseri, giám đốc Facts Global Energy, bình luận.

Vấn đề lớn đối với Aramco là viễn cảnh đối với giá dầu, với việc hợp đồng dầu thô Brent – chỉ số cơ bản toàn cầu – vẫn thấp hơn 33% so với mức giá đầu năm. Trong khoảng thời gian giữa tháng 4 và 6, lợi nhuận ròng của Aramco giảm hơn 73% còn 6,6 tỉ USD khi các biện pháp phong tỏa vì đại dịch làm giảm mạnh nhu cầu đối với các sản phẩm năng lượng.

Tổng giám đốc Amin Nasser nhận định hồi tháng trước rằng, khi nền kinh tế bắt đầu hoạt động trở lại, nhu cầu đã phục hồi một phần. Mặc dù vậy, các nhà phân tích đã rút dự báo của họ về một sự phục hồi hoàn toàn (về nhu cầu), trong khi một số người trong ngành đã thẳng thắn nghi ngờ về việc liệu nhu cầu dầu mỏ toàn cầu đã đạt đỉnh hay chưa.

Jim Burkhard, giám đốc phụ trách các thị trường dầu của HIS Markit, từng nói với khách hàng gần đây rằng nhu cầu sẽ không thể đạt tới mức trước đại dịch tới tận thời điểm cuối quí đầu tiên trong năm 2021.

"Để nhu cầu phục hồi hoàn toàn, hoạt động đi lại – đặc biệt là vận chuyển hàng không và di chuyển tới chỗ làm – phải quay lại mức bình thường. Và viễn cảnh ấy sẽ không xảy ra tới khi sự ngăn chặn virus xảy ra và một vắc xin hiệu quả xuất hiện", Burkhard nhận định trong một báo cáo nghiên cứu.

Bối cảnh ấy thực sự là vấn đề đối với Aramco vì tập đoàn phải tạo ra khoản cổ tức thường niên 75 tỉ USD trong 5 năm tới.

Aramco không thể giảm cổ tức

Mức cổ tức 75 tỉ USD là phần cốt lõi của lời kêu gọi đối với các nhà đầu tư trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Aramco hồi tháng 12 năm ngoái, và là lí do quan trọng khiến Aramco vẫn có giá trị vốn hóa 1.900 tỉ USD, biến tập đoàn thành doanh nghiệp đại chúng có giá trị thứ hai thế giới, sau Apple. 

Hiện tại, giá cổ phiếu Aramco đang ở mức cao hơn khoảng 13% so với mức giá IPO (mức giá khi niêm yết cổ phiếu lần đầu).

BP và Shell đều đã giảm mức cổ tức để tiết kiệm tiền mặt, song đối với Aramco, đó không phải là một lựa chọn.

"Nếu không tính tới cổ tức, giá cổ phiếu Aramco có vẻ cực đắt", Anish Kapadia, giám đốc năng lượng của tổ chức tư vấn đầu tư Palissy Advisors (London), bình luận. "Nếu họ muốn thu hút thêm nhà đầu tư vào tập đoàn, tôi nghĩ cổ tức phải duy trì ở mức hiện nay".

Aramco cũng phải đưa tiền cho chính phủ Saudi Arabia, một chính phủ lệ thuộc vào nguồn thu nhập từ dầu mỏ để trang trải mức chi tiêu lớn về xã hội và quân sự. 

Đà lao dốc của giá dầu có thể buộc Thái tử Mohammed bin Salman giảm qui mô của kế hoạch Tầm nhìn 2030 nhằm giảm sự phụ thuộc của Saudi Arabia đối với xuất khẩu dầu thô. Tầm nhìn 2030 bao gồm nhiều dự án du lịch khổng lồ và việc xây dựng một thành phố mang các yếu tố tương lai.

Nhạc Phong

S&P 500 tiến sát đỉnh khi thị trường tiếp tục lạc quan với chính sách của Tổng thống Trump
Nhóm cổ phiếu công nghệ đã dẫn dắt thị trường sau khi Tổng thống Trump công bố kế hoạch thu hút 500 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng AI tại Mỹ.