COVID-19 thúc đẩy các đại gia dầu mỏ dịch chuyển sang năng lượng sạch
Đà lao dốc của nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ do COVID-19 sẽ không thể chấm dứt khủng hoảng khí hậu. Song nó có thể buộc ngành dầu mỏ tăng tốc độ dịch chuyển khỏi nhiên liệu hóa thạch trong bối cảnh các nhà điều hành cố gắng tìm cơ hội trong lĩnh vực năng lượng sạch, theo CNN.
Các nhà phân tích của UBS ước tính lợi nhuận của ngành dầu mỏ giảm trung bình 172% trong quí II so với cùng kì năm ngoái. Thực tế ấy tạo ra áp lực đối với các nhà sản xuất dầu mỏ trong việc vạch ra những hành động chiến lược lớn mà nhiều doanh nghiệp từng phản đối.
Hồi tuần trước, BP thông báo họ sẽ giảm mức sản xuất dầu và khí đốt, đồng thời rót 2 tỉ USD vào năng lượng sạch, tăng tốc quá trình chuyển đổi mà tập đoàn khởi động trước đó trong năm nay.
Ban lãnh đạo tập đoàn dự báo nhu cầu đối với nhiên liệu hóa thạch sẽ giảm 75% trong vòng 30 năm tới nếu mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu được giới hạn ở 1,5 độ C, hoặc giảm 50% nếu mức tăng nhiệt đạt dưới 2 độ C.
"Thị trường năng lượng đã bắt đầu quá trình thay đổi lâu dài cơ bản, với mức dịch chuyển tăng dần về những dạng năng lượng có hàm lượng carbon thấp và năng lượng tái tạo", ông Helge Lund, Chủ tịch BP, nói với các nhà phân tích. Ông nói thêm rằng trong tương lai xa hơn, nhu cầu đối với cả dầu mỏ và khí đốt sẽ ngày càng giảm.
Nhiều tập đoàn dầu mỏ khác tỏ ra kém sẵn sàng với việc thảo luận kế hoạch bỏ dầu mỏ. Saudi Aramco, nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, là một trong số đó.
Giá cổ phiếu của doanh nghiệp độc quyền dầu mỏ lớn nhất Saudi Arabia đã giảm 6,5% trong năm nay do giá dầu lao dốc. Hiện tại, giá dầu thô Brent đã giảm hơn 30% từ đầu năm tới nay.
Đà lao dốc của giá cổ phiếu đã đủ lớn để hất Saudi Aramco ra khỏi danh hiệu doanh nghiệp đại chúng có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới. Với giá trị vốn hóa thị trường 1,76 nghìn tỉ USD, giờ đây họ xếp sau Apple, tập đoàn có giá trị vốn hóa 1,95 nghìn tỉ USD.
Phần lớn giá cổ phiếu của ngành dầu và khí đốt đã phục hồi sau cú lao đốc vài tháng trước, khi giá dầu thô rơi xuống mức âm trong thời gian ngắn. "Song khách hàng vẫn lo ngại. Đó là một dấu hiệu của những thách thức sắp tới", Tobias Levkovich, một nhà phân tích của tập đoàn tài chính Citi, phát biểu.
Levkovich viết trong một báo cáo nghiên cứu gần đây rằng một số ngân hàng đã ngừng cho vay đối với ngành dầu và khí đốt, còn các cổ đông chịu áp lực từ các nhà hoạt động môi trường trong việc từ bỏ khai thác các hợp chất hydrocarbon.
"Một số khách hàng nói kiếm tiền với những cổ phiếu dầu mỏ và khí đốt rất khó, và tỉ trọng của chúng trong chỉ số S&P500 tương đối thấp. Vì thế, tại sao họ phải quan tâm tới chúng?", Levkovich thổ lộ.