Tham vọng của Quảng 'nổ'
Thanh Niên có cuộc phỏng vấn Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc BKAV Nguyễn Tử Quảng, ngay thời điểm mẫu Bphone 2017 của tập đoàn này được giao đến người dùng, trong khi Apple ra mắt iPhone 8, iPhone 8 Plus, iPhone X, hay Samsung giới thiệu chính thức Galaxy Note 8 tại VN.
Bài học sau Bphone 2015
Được biết, BKAV đã giao hàng Bphone 2017 từ cuối tháng 8. Ông có thể cho biết về số lượng Bphone 2017 đã được bán ra và kết quả thế nào so với kế hoạch đề ra?
Vừa qua là lần ra mắt thế hệ thứ 2 của Bphone. Thực sự, khi thế hệ đầu ra mắt vào năm 2015, Bphone đã gặp những trục trặc nhất định. Lúc đó, dù đã sẵn sàng cho một kế hoạch dài hạn nhưng sau khi ra mắt thì bọn mình nhận ra chưa lường hết những khó khăn của ngành điện thoại di động. Chuẩn bị suốt 4,5 năm nhưng bọn mình vẫn đối mặt khó khăn từ khâu sản xuất đến thị trường.
Đến Bphone 2017, BKAV không kỳ vọng về số lượng hay doanh thu ban đầu quá nhiều, mà chủ yếu tập trung vào mục đích chinh phục niềm tin ở thị trường VN rằng BKAV, một doanh nghiệp Việt, có thể sản xuất ra một chiếc điện thoại di động thông minh (smartphone) đẳng cấp. Tuy nhiên, chính nhờ thế nên khi Bphone 2017 ra mắt thì lượng đặt hàng đã lớn hơn mức kỳ vọng. Đến cuối tháng 8, BKAV và Thế Giới Di Động (đơn vị phân phối Bphone 2017 - NV) tạm ngưng tiếp nhận đơn đặt hàng Bphone 2017. Đến ngày 9.9, chúng tôi mới thông báo nhận đơn hàng trở lại từ ngày 15.9.
Về số lượng cụ thể, tôi xin phép không trả lời vì bạn cũng biết xung quanh Bphone có rất nhiều tranh cãi. Tôi có nói bao nhiêu cũng gây tranh cãi. Tôi nói ra thì nhiều người lại đem so với con số của hàng triệu máy của Samsung hay Apple. Bphone 2017 chỉ nhằm đặt nền móng chinh phục khách hàng, để sau đó chúng tôi tung ra các phiên bản khác trở thành một thương hiệu smartphone đáng tin cậy.
Về lâu dài, BKAV có chiến lược thế nào trên thị trường smartphone vốn có mức độ cạnh tranh rất cao với nhiều đối thủ là các thương hiệu toàn cầu?
BKAV đã thực sự tạo ra Bphone 2017 “chất đến từng đồng” đúng như chúng tôi tâm niệm. Mẫu smartphone này được điều chỉnh một số cấu hình như CPU để giảm giá nhưng vẫn giữ được các đặc trưng của một sản phẩm cao cấp như: kháng nước, chống rung quang học, camera tích hợp trí tuệ nhân tạo… và quan trọng nhất là trải nghiệm người dùng.
Trên thị trường smartphone hiện nay có 2 kiểu cạnh tranh. Một là chiến lược kinh doanh dựa vào năng lực công nghệ thực sự để làm một sản phẩm cao cấp, có chỗ đứng trên thị trường. Họ dựa vào năng lực cốt lõi để ra những sản phẩm cao cấp nhằm định vị thương hiệu nhưng vẫn có những sản phẩm khác ở nhiều phiên khúc chứ không chỉ cao cấp. Điển hình là Apple với iPhone thì bao giờ model mới nhất cũng là đắt nhất và thuộc nhóm đắt nhất nói chung trên thị trường. Nhưng kèm theo đó thì họ cũng hạ giá các model cũ để trải dài phân khúc giá, như khi iPhone 7 và 7 Plus có giá cao thì vẫn còn iPhone 6, 6 Plus rồi 6S, 6S Plus giá thấp hơn trải rộng đến phân khúc trung cấp. Tất cả các sản phẩm của họ dù thuộc phân khúc trung cấp nhưng vẫn giữ được đẳng cấp của thương hiệu. Samsung cũng dùng chiến lược này.
Ông Quảng gặp gỡ đối tác |
Chiến lược thứ hai, chủ yếu là các nhà sản xuất Trung Quốc, thì dựa vào giá và cấu hình. Tức cấu hình rất cao nhưng giá cực kỳ thấp. Đây cũng là một cách. Tuy nhiên BKAV chọn cách thứ nhất, bởi nếu tập trung vào giá rẻ thì rất dễ mắc vào bẫy thương hiệu. Xuất phát của anh từ đâu thì người ta thường đánh giá thương hiệu của anh từ xuất phát điểm ấy. Ví dụ cứ nói đến Xiaomi thì người ta nói là thương hiệu giá rẻ dù Xiaomi tung ra nhiều dòng smartphone cấu hình mạnh cho phân khúc cao cấp cũng khó bán nổi.
Tuy nhiên, để có giá trị công nghệ cốt lõi, Samsung phải mất hàng chục năm làm trong ngành hàng điện tử trước khi lấn sân sang mảng điện thoại di động. Apple cũng có hàng chục năm tạo ra cả một hệ sinh thái về công nghệ thì mới tung ra iPhone. Điều đó có nghĩa là Samsung hay Apple đều có giá trị cốt lõi hình thành sau thời gian dài. Vậy, BKAV vốn xuất phát điểm làm phần mềm thì lấy gì tạo ra giá trị cốt lõi về công nghệ?
Thực tế, riêng dự án Bphone thì đến nay, chúng tôi có gần 8 năm bắt tay vào làm. Còn phần cứng nói chung thì BKAV có hơn 10 năm kinh nghiệm. Khoảng năm 2003, chúng tôi đã làm hệ thống thiết bị nhà thông minh, nhưng chỉ là mọi người ít biết thôi. Làm từ lúc đó mới có kết quả như bây giờ đấy chứ. Để làm từ A đến Z như Samsung hay Apple không hề đơn giản, nên chúng tôi đã phải mất 8 năm để có Bphone 2017.
Thêm vào đó, BKAV vẫn luôn nhận thấy phần cứng hay phần mềm không thành vấn đề. Quan trọng là văn hóa của công ty, doanh nghiệp thế nào. Phải có bài bản thì mới làm ra sản phẩm đẳng cấp. Làm phần mềm như mảng diệt vi rút, an ninh mạng của BKAV cũng phải rất bài bản, đẳng cấp thế giới mới làm ra những sản phẩm như vậy. Chỉ có điều đó là phần mềm nên mọi người ít nhìn ra. Phần cứng thì thấy rõ hơn về hiện hữu sản phẩm. Bạn cầm trên tay Bphone sẽ thấy nó xứng đáng cạnh tranh với bất kỳ sản phẩm nào trên thế giới.
Tôi đã quen với biệt danh Quảng “nổ” rồi
Nhưng khi giới thiệu sản phẩm nào của BKAV thì nhiều người cho rằng ông “chém gió”, bởi họ xem ông là Quảng “nổ”. Ông cảm thấy thế nào về biệt danh đó?
Thực ra người ta đặt biệt danh Quảng “nổ” cho tôi đâu phải chỉ từ khi có Bphone. Biệt danh này có 9 - 10 năm nay, hình như từ năm 2008. Nên tôi cũng đã quen thuộc với chuyện mang tên Quảng “nổ” rồi. Nói quen thuộc ở đây là mang tính tích cực thôi. Trước đây, từ năm 1995 - 2005, chúng tôi làm phần mềm diệt
vi rút là miễn phí. Nhưng lúc đó, nhu cầu diệt vi rút quá lớn, nhóm tụi mình không thể đáp ứng nổi. Thế nên, tôi trăn trở là cứ miễn phí thế này và chỉ đáp ứng thế này thì mọi người vẫn gọi mình là “hiệp sĩ”. Nói “hiệp sĩ” bởi ngày ấy Hội Công nghệ thông tin có phối hợp với Báo Vietnamnet tổ chức vinh danh một số người là “hiệp sĩ công nghệ thông tin”. Trong đó có tôi. Nếu vì cá nhân mình thì tôi vẫn giữ danh hiệu “hiệp sĩ” ấy, vẫn làm miễn phí. Nhưng nếu thế thì VN không có một sản phẩm đúng nghĩa, một sản phẩm xứng tầm vì mình chỉ làm như thế, không thể cạnh tranh với các đối thủ quốc tế. Trên thế giới này, muốn thành công thì phải thương mại sản phẩm chứ. Nếu Microsoft miễn phí hết thì giờ chúng ta đâu có những sản phẩm như hiện nay để dùng. Nên tôi quyết định muốn bài bản thì phải thương mại hóa sản phẩm. Tôi tuyên bố thương mại hóa sản phẩm cạnh tranh sòng phẳng với sản phẩm số 1, số 2 thế giới khi ấy. Làm kinh doanh thì phải nói cho mọi người biết điều đó. Thế là từ đấy tôi bị gắn với biệt danh Quảng “nổ”.
Nói thực, khi mới mang danh ấy, tôi cũng choáng lắm vì từ chỗ là một “hiệp sĩ” mà giờ mang danh “nổ”. Thực ra lúc đấy cũng sốc. Nhưng tôi vẫn giữ vững định hướng thương mại hóa sản phẩm để tạo ra sự bài bản, rồi dần dần tôi cũng quen với biệt danh ấy.
Tôi cũng tự hỏi sao bị mọi người gọi là Quảng “nổ”. Tôi nghĩ có thể vì cái mình nói quá đặc biệt ở VN mình, bởi làm sản phẩm công nghệ rồi nói mình tốt hơn ông số 1, số 2 thế giới. Tôi cũng hiểu rõ ràng mình sinh ra ở một nước mà đến nay nói thẳng là một nước nghèo, có khoảng cách khá xa với những nước có đối thủ cạnh tranh, điển hình như Mỹ. Thế thì, nhiều người mặc định rằng cái gì của người VN làm thì không thể cạnh tranh với Mỹ, Nhật, châu Âu. Nên điều tôi nói là quá lạ, chưa kể không ít doanh nghiệp VN chưa tạo ra niềm tin cho người tiêu dùng Việt. Cứ thế, các phát biểu của tôi trở nên quá lạ. Tôi nói thế không phải để biện minh cho bản thân.
Vậy ông có dự định thay đổi để hết mang biệt danh Quảng “nổ”, bởi hình ảnh của ông cũng gắn liền với thương hiệu BKAV nên biệt danh này sẽ có tác động đến sản phẩm công ty?
Nếu xét về tổng thể, tôi xem bản thân và BKAV có sứ mệnh tạo ra niềm tin cho người tiêu dùng VN là doanh nghiệp VN vẫn có thể tạo ra sản phẩm đẳng cấp. Khi đạt được sứ mệnh đó thì mọi người đã có niềm tin, và không còn xem tôi là Quảng “nổ” nữa. Tuy nhiên, đến khi đó, ở góc độ cá nhân, tôi vẫn muốn giữ biệt danh ấy vì tôi xem đấy là biệt danh vui, chứ không hề bức xúc khi bị gọi là “nổ”. Ngược lại tôi còn coi đấy là động lực lớn hơn để tạo ra niềm tin cho người tiêu dùng VN.
Phải cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ
Nghe nói, khi tiếp xúc báo chí gần đây có lần ông khóc và cũng nói BKAV không hề “ăn mày tinh thần dân tộc”. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?
Đúng là có lần tiếp xúc với phóng viên công nghệ ở Hà Nội thì có bạn hỏi về những khách hàng mua Bphone 2015. Tự nhiên tôi bật ra cảm xúc bởi nhớ đến hồi tung ra Bphone 2015. Khi mới ra mắt Bphone 2015, BKAV công bố có 10.000 đơn đặt hàng mà thực tế là con số như vậy. Nhiều người bảo BKAV “nổ”. Nhưng khi ấy, chúng tôi không lường hết khó khăn, phải 2 tháng kể từ khi ra mắt thì BKAV mới có những chiếc máy đầu tiên giao cho khách hàng. Bởi thế, cuối cùng chỉ còn 3.000 khách hàng. Vì vậy, tôi rất quý 3.000 khách hàng ấy khi họ vẫn chờ trong lúc chúng tôi chịu bao lời gièm pha. Nhờ những khách hàng ấy thì BKAV có động lực hơn. Đó là lý do khiến tôi bật nên cảm xúc khi nhắc đến Bphone 2015.
Còn về chuyện “ăn mày tinh thần dân tộc” thì đấy là do một số người gán cho BKAV. Nhưng thực tế, bạn thử tìm kiếm khắp internet, có nơi nào chỉ ra mình hay bất cứ người nào ở BKAV kêu gọi “người Việt dùng hàng Việt”. Tôi muốn bản thân và BKAV tạo ra sản phẩm đẳng cấp tương xứng với lòng tự hào dân tộc. Điều đó sẽ khuyến khích đánh thức niềm tự hào dân tộc của từng người VN.
Đã quá trễ để chúng ta kêu gọi điều đó khi rất nhiều người Việt không còn đặt niềm tin vào doanh nghiệp Việt. Nhớ không nhầm thì trong lần gặp gỡ với cơ quan xúc tiến thương mại cách đây 5 - 6 năm, tôi từng bảo: “Các anh đừng kêu gọi “người Việt dùng hàng Việt” nữa, chúng ta phải tạo ra điều đó, làm cho “người Việt dùng hàng Việt”. Phải cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ trên thế giới thì người Việt mới tin, mới chọn hàng Việt”.
Có khả năng nhưng độc đoán Năm 2012, tôi gặp anh Quảng lần đầu ở trụ sở BKAV. Khi đó, dù BKAV nổi tiếng với phần mềm diệt vi rút nhưng tôi chẳng ấn tượng gì mảng này, vì tôi chỉ thích phần cứng. Khi tham quan, tôi đã bất ngờ với những sản phẩm mang thương hiệu smarthome của BKAV. Tôi cũng ấn tượng với văn phòng cùng cách tổ chức, hỗ trợ khách hàng của BKAV. Nói chung là ấn tượng ban đầu rất tốt và đến bây giờ cũng rất tốt. Sau này, biết anh Quảng lẫn BKAV và cộng đồng công nghệ không được “êm thấm” bởi vì nhiều người không thích cách phát ngôn của anh. Tuy nhiên, tôi không để ý đến điều đó, mà chỉ quan tâm đến sản phẩm thôi nên vẫn ủng hộ BKAV từ Bphone 2015 đến Bphone 2017. Gần đây, gặp gỡ anh Quảng và nhóm thực hiện dự án Bphone, tôi cảm nhận anh Quảng có tham vọng, có khả năng làm phần cứng tốt nhưng lại quá độc đoán. Anh muốn thông qua Bphone, BKAV mang VN đi xa hơn. Nhưng với smartphone, anh lại thiếu nhiều thứ như marketing, quan hệ người trong ngành công nghệ. Đặc biệt, anh Quảng bắt Bphone “gánh vác” quá nhiều thứ như: phải chịu sứ mệnh kích thích tinh thần dân tộc để làm nên điều như Apple hay Samsung, Bphone phải mua linh kiện các nước tiên tiến và hạn chế dùng linh kiện Trung Quốc để tránh dư luận dù Trung Quốc đang là trung tâm sản xuất của giới công nghệ… Với tôi, anh Quảng là một người tốt, có triển vọng và điều kiện để thực hiện ước mơ. Nếu anh mở lòng tiếp nhận nhiều hơn thì Bphone dễ dàng thành công hơn. |
Người cởi mở, thân thiện Cá nhân tôi đánh giá anh Quảng là một người cởi mở, thân thiện và thậm chí là rất vui tính, chứ không giống như mọi người hay gọi anh với biệt danh Quảng “nổ”. Ở anh, tôi cảm nhận được sự “máu lửa” và nhiệt huyết mạnh mẽ. Anh rất khao khát tạo ra một sản phẩm có giá trị từ một doanh nghiệp Việt dành cho người Việt. Qua Bphone 2015 và Bphone 2017 là một minh chứng cho sự khát vọng đó. Có thể nói với Bphone 2015 hay Bphone 2017 chưa đánh dấu được sự thành công của BKAV hay cá nhân anh Quảng, nhưng tôi có một niềm tin lớn là không xa anh Quảng, BKAV hay những doanh nghiệp Việt sẽ tạo ra được những sản phẩm công nghệ hoàn chỉnh hơn cạnh tranh với những sản phẩm nhập khẩu khác. |