|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thảm họa quảng cáo liên quan đến đũa của Burger King và Dolce & Gabbana

11:03 | 13/04/2019
Chia sẻ
Burger King, Dolce & Gabbana là những thương hiệu quốc tế lớn từng mắc sai lầm nghiêm trọng trong chiến lược quảng cáo sản phẩm, khiến thương hiệu hứng 'cơn bão' phẫn nộ của người tiêu dùng và những hệ lụy đáng tiếc.

Burger King và nguy cơ bị tẩy chay tại châu Á chỉ vì một video

Theo Bloomberg, Burger King là thương hiệu vừa làm dấy lên làn sóng chỉ trích trên các mạng xã hội với một quảng cáo mô tả thực khách vật lộn để ăn bánh phương Tây bằng đũa.

Cụ thể, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh của Burger King tại New Zealand đã đăng một đoạn video để giới thiệu sản phẩm Burger Chilli Tendercrisp (bánh mì kẹp sốt ớt kiểu Việt Nam) lấy cảm hứng từ Việt Nam.

Đoạn video ngắn miêu tả hình ảnh các diễn viên phương Tây đang vật lộn để ăn một chiếc bánh mì bằng một đôi đũa quá khổ. Ngay lập tức, hàng triệu người cáo buộc thương hiệu chế giễu phong tục ẩm thực của châu Á.

Quảng cáo sau đó đã bị xóa, Burger King đã đưa ra lời xin lỗi và cho rằng nó nhạy cảm và không phản ánh các giá trị thương hiệu của công ty.

"Chúng tôi đã yêu cầu bên nhượng quyền ở New Zealand loại bỏ quảng cáo ngay lập tức", đại diện Burger King thuộc Restaurant Brand International Inc. cho biết trong một tuyên bố.

Mặc dù quảng cáo đã bị xóa khỏi tài khoản Instagram của Burger King New Zealand, nó vẫn lan truyền trên các tài khoản mạng xã hội , thu hút hơn 2,7 triệu lượt xem.

Đoạn video quảng cáo gây xôn xao của Burger King.

Bloomberg cho rằng, sự cố này có khả năng gây tổn hại đến kế hoạch tăng trưởng lớn của Burger King ở châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc, nơi họ đã mở khoảng 100 nhà hàng mới vào năm ngoái để đạt khoảng 1.000 địa điểm. 

Vào tháng 2, Restaurant Brand đã mở quán cà phê Tim Hortons đầu tiên tại Trung Quốc và dự định mở hơn 1.500 trong 10 năm tới. Tuy nhiên, sau sự cố vừa xảy ra, kế hoạch có lẽ sẽ không dễ dàng thực hiện tại đất nước đông dân nhất thế giới - một trong những quốc gia được cho là đang bị Burger King "phân biệt chủng tộc" trong video quảng cáo.

Burger King, Dolce & Gabbana và lối quảng cáo gậy ông đập lưng ông - Ảnh 2.

Cộng đồng mạng Việt Nam kêu gọi tẩy chay thương hiệu này trên tài khoản Facebook Burger King Việt Nam.

Không chỉ Trung Quốc, tại Việt Nam, tất cả các cửa hàng Burger King cũng hứng chịu "cơn bão đánh giá 1 sao" và những chỉ trích gắt gao từ phía cộng đồng mạng Việt Nam khiến điểm xếp hạng các cửa hàng này trên Google bị tụt hạng thê thảm.

'Vết xe đổ' của thương hiệu thời trang xa xỉ D&G vẫn 'khó phai'

Mới năm ngoái, thương hiệu thời trang Dolce & Gabbana cũng đã bị "buộc tội" phân biệt chủng tộc sau khi công bố một video trên trang mạng xã hội Weibo. 

Đoạn quảng cáo cho thấy một người mẫu Trung Quốc dùng đũa để ăn pizza, cannoli và mì spaghetti. Ngay sau đó, thương hiệu đối mặt làn sóng chỉ trích và tẩy chay của khách hàng, đặc biệt tại Trung Quốc.

Hàng trăm diễn viên và người mẫu Trung Quốc đã rút khỏi buổi trình diễn của Dolce & Gabbana. Đại sứ thương hiệu Trung Quốc của D&G, ngôi sao nhóm nhạc nam Wang Junkai, cũng chấm dứt hợp đồng với D&G.

Người Trung Quốc ở Ý tập trung trước các cửa hàng của D&G tại Milan phản đối và yêu cầu hoàn tiền. Các ngôi sao nổi tiếng và người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, những người giúp D&G tiếp cận khách hàng Trung Quốc dễ dàng hơn cũng đồng loạt tẩy chay thương hiệu. 

Không những thế, phản ứng dữ dội ở Trung Quốc lớn đến nỗi một số trang web và cửa hàng Trung Quốc đã ngừng bán sản phẩm của thương hiệu này.

Burger King, Dolce & Gabbana và lối quảng cáo gậy ông đập lưng ông - Ảnh 3.

Hình ảnh trích từ video gây tranh cãi của Dolce & Gabbana.

Đến thời điểm hiện tại, các nhà bán lẻ trực tuyến như Tmall và JD.com Inc của Alibaba vẫn chưa giới thiệu lại các sản phẩm thời trang của Dolce & Gabbana trên trang bán hàng của họ. 

Lane Crawford và các cửa hàng bách hóa cao cấp khác bày bán những sản phẩm thời trang xa xỉ của các hãng khác, ngoại trừ đồ của D&G. Trên trang tạp chí nổi tiếng Vogue China, hình ảnh quảng cáo của D&G cũng đã không còn xuất hiện.

Có thể thấy, những hình ảnh quảng cáo được cho là "phân biệt chủng tộc" của các thương hiệu này buộc phải xóa bỏ ngay sau đó, tuy nhiên, "làn sóng' chỉ trích và những hệ lụy nó gây ra là những con số khó kiểm soát, quan trọng hơn là những cái tên nổi tiếng này đã đánh mất hình ảnh ban đầu trong mắt khách hàng.

Theo Brent McGoldrick, giám đốc quản lý truyền thông chiến lược của FTI Consulting: "Các công ty đang phạm nhiều sai lầm trong các kế hoạch quảng cáo. Họ đã không kiểm soát nội dung và rủi ro khi đưa sản phẩm tiếp cận người tiêu dùng"  

"Khi bạn làm điều này, bạn đã mất khả năng điều khiển mức độ lan truyền rủi ro hay thú vị của nó nhưng bây giờ nó trở nên gần như tiêu cực",  Brent McGoldrick nói.

Như Huỳnh